(Hình ảnh: SBS)

 

Cộng đồng Narunnga từ vùng Bán đảo Yorke của Nam Úc đã đưa 38 tổ tiên về đất đai và chôn cất theo truyền thống tại Vườn quốc gia Dhilba Guuranda - Innes sau niều năm tìm kiếm. Còn rất nhiều di cốt của hàng ngàn người thuộc các Quốc gia đầu tiên vẫn còn đang lưu giữ trong các viện bảo tàng và viện nghiên cứu trên khắp thế giới, và điều này gây không ít phiền muộn cho nhiều người.

 

Được bao quanh bởi vùng đất hoang sơ ven biển tại mỏm đất cuối cùng phía tây nam của Bán đảo York ở Nam Úc, các trưởng tộc bản địa đã cùng tụ hội về để cải táng tổ tiên của họ.

 

Trong hai thập niên, hài cốt của 38 người Narungga được trưng bày trong một bảo tàng ở Nam Úc.

 

Giờ đây họ đã trở về với đất đai và được an nghỉ trên một mảnh đất được chỉ định.

 

 

Advertisement

Đó là một hành trình dài - một số hài cốt tổ tiên đã hơn 100 năm tuổi.

 

Các trưởng lão Kaurna và Narungga đã tiến hành lễ Khói để chính thức công nhận việc về lại đất đai thổ nhưỡng của mình.

 

Trưởng lão Jeffrey Newchurch thuộc tộc Narungga Kaurna nói đây là một ngày quan trọng và đầy cảm xúc của quá trình hàn gắn và chữa lành.

 

Ông nói rằng khu chôn cất nên trở thành một phần của việc giáo dục cho những người khác hiểu biết về lịch sử của nước Úc.

"Đó là một khoảng thời gian rất dài để đi đến cái ngày người Narungga thực sự trở lại vùng đất này để đưa hài cốt tổ tiên trở về với đất đai của họ. Đó là khoảng khắc rất xúc động đối với tôi và các thành viên khác trong cộng đồng của tôi. Và chỉ có cùng nhau mới có thể hàn gắn, một mình chịu đựng nỗi đau, thì nỗi đau còn đó. Vì vậy, khi chúng tôi hồi hương và cải táng hài cốt tổ tiên, chúng tôi làm điều đó cùng nhau và chúng tôi được an ủi lẫn chúng tôi được khích lệ. Chúng ta có thể bắt đầu thực hiện các bài học giáo dục nâng cao nhận thức về văn hóa giúp mọi người hiểu biết tốt hơn, không chỉ cho người của tộc của chúng tôi, người trẻ và người lớn tuổi của chúng tôi - mà còn cho những người khác."

 

Tại buổi lễ đầy xúc động và thân mật, lần lượt từng chiếc hộp đựng hài cốt được đặt trong những hố lớn dưới lòng đất và cải táng.

 

Lynette Newchurch là một phụ nữ tộc Narungga tham gia lễ cải táng chia sẻ.

"Nghĩ tới cảnh họ được đặt trong những chiếc hộp đặt nằm trên kệ trong các cơ quan và viện thật đau lòng, bạn biết rằng tổ tiên của bạn ở đó và điều đó là không đúng. Họ không bao giờ nên ở đó cả. Tất cả mọi người nên được an nghỉ để vong linh của họ được tự do và thanh thản. Hôm này là một ngày đầy cảm xúc nhưng cũng là một ngày tốt lành, vì biết rằng cuối họ đã được nghỉ ngơi."

 

Vào những năm 1940, một thị trường bất hợp pháp trên toàn thế giới đã buôn bán hài cốt của người Úc Đầu Tiên, nhiều hài cốt của họ đã được đưa ra khỏi Úc.

 

Chương trình Hồi hương bản địa bắt đầu vào năm 2011 và cho đến nay đã trao trả hơn 1.480 hài cốt, trong đó từ Vương quốc Anh là hơn 1.200 người.

 

Doug Milera là Chủ tịch Hội đồng Quản lý Vườn Quốc gia Dhilba Guuranda-Innes biết sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ liên bang để đưa thêm hài cốt về nhà.

"Chúng tôi mong muốn làm được nhiều hơn thế để bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi nghe câu chuyện rằng một số tổ tiên của chúng tôi đã đến thành phố hoặc đến Adelaide để xử lý hoặc bị bỏ tù, và không bao giờ trở về nhà. Và chúng tôi cũng phát hiện ra vào thời đó có một nhà bệnh lý học vô đạo đức đã bán hài cốt của tổ tiên chúng tôi cho các tổ chức ở nước ngoài với giá 10 bảng Anh / người. Thật là đau lòng khi nghe câu chuyện như vậy. Vì vậy, chúng tôi muốn đem những người đã được bán ở nước ngoài hoặc giữ trong các viện bảo tàng ở nước ngoài trở về nước."

 

Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian ở Washington D-C cũng đã lưu giữ hài cốt của những người Thổ dân và Cư dân Eo biển Torres.

 

Các bộ hài cốt này được đưa từ Úc để nghiên cứu ở Hoa Kỳ.

 

Vào tháng 7 năm nay, sau nhiều năm vận động hành lang của chính phủ Úc, Bảo tàng đã chính thức trao trả hài cốt của 25 tổ tiên cho cộng đồng Thổ dân của họ.

 

Đại diện của tộc Narungga và Kaurna đã đến Washington DC để đưa họ về nhà ở Nam Úc.

 

Đó là lần hồi hương thứ ba từ Viện bảo tàng Smithsonian Washington D-C.

 

Hoa Kỳ hiện đã trả lại hơn 125 hài cốt Thổ dân cho gia đình của họ.

 

Một trăm tổ tiên của tộc Narunnga vẫn còn trên kệ tại Bảo tàng Nam Úc chờ được cải táng.

 

John Ciardi, người đứng đầu bộ phận nhân văn tại Bảo tàng Nam Úc, đã tham dự lễ chôn cất trên bán đảo Yorke rằng đây là bước khởi đầu của một quá trình hồi hương lâu dài.

“Thay mặt cho viện bảo tàng và thay mặt cho người dân Nam Úc, chúng tôi ở đây hôm nay để nói lời xin lỗi. Chúng tôi ở đây để giúp anh chị em Narungga của chúng ta chôn cất tổ tiên của họ. Sự có mặt của chúng tôi hôm nay cũng là để chứng nhân cho những ý tưởng phân biệt chủng tộc và không nhân bản đã được thực hiện lên các tổ tiên người Thổ dân khi đưa hài cốt họ vào các viện bảo tàng và trường đại học, ở Úc và cả trên thế giới. Đó là lý do tại sao chúng tôi ở đây hôm nay, để nói lời xin lỗi và đưa họ về nhà.”

 

Các cộng đồng bản địa nói rằng họ sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi tất cả tổ tiên của họ được trở về.