Bộ trưởng phụ trách người Úc bản địa (Minister for Indigenous Australians), Linda Burney, phát biểu trong Giờ chất vấn tại Hạ viện tại Tòa nhà Nghị viện ở Thủ đô Canberra, Thứ Tư, ngày 13 tháng 9 năm 2023. (Hình ảnh AAP/Lukas Coch) KHÔNG LƯU TRỮ. Nguồn: AAP / LUKAS COCH/AAPIMAGE
AUSTRALIA - Tổng trưởng Thổ dân Sự vụ, Linda Burney, cho biết nhiều người dân Thổ dân đau khổ và ghê tởm trước những bình luận từ đối thủ chính trị của bà về tác động thời thuộc địa lên người Thổ dân. Thế nhưng nhà lãnh đạo Chiến dịch Không - No Campaign - đồng thời cũng là người đảm nhiệm trọng trách Thổ dân Sự vụ của phe Đối lập, là Jacinta Nampijinpa Price, thì được Lãnh đạo phe đối lập khen ngợi là "dũng cảm" sau khi bà ấy khẳng định không có tác động tiêu cực nào từ việc thuộc địa hóa.
Cuộc tranh luận trưng cầu dân ý của Tiếng nói bản địa trước Quốc hội đang phơi bày sự chia rẽ chính trị sâu sắc đối với văn hóa và lịch sử của Úc.
Tổng trưởng Thổ dân Sự vụ, Linda Burney, cho biết trong những tháng gần đây văn phòng của bà đã tràn ngập những hành vi lạm dụng phân biệt chủng tộc.
Bộ trưởng Đối lập phụ trách Thổ dân Sự vụ, Jacinta Nampijinpa Price, nói rằng bà cũng từng trải qua những điều tương tự.
Nhưng chính nhận xét dưới đây của bà Price đã gây náo động.
"Không, không có tác động tiêu cực liên tục của quá trình thuộc địa hóa. Hoàn toàn có tác động tích cực. Ý tôi là, bây giờ chúng ta có nước máy, thực phẩm sẵn có."
Thượng nghị sĩ Price đã bác bỏ ý kiến cho rằng quá trình thuộc địa hóa đã dẫn đến tổn thương cho nhiều thế hệ và theo bà Price, gia đình của những người da trắng bị đi đày cũng đối mặt với những khó khăn tương tự.
Tổng trưởng Burney nói rằng bà rất phẫn nộ trước nhận xét của Thượng nghị sĩ Price.
"Tôi biết có rất nhiều người, và đêm qua tôi đã nói chuyện với họ, họ rất đau khổ, họ bộc bạch khá thẳng thắn, bày tỏ sự ghê tởm của họ."
Đáp lại bình luận của bà Price, Hội đồng đất đai trung tâm của người bản địa ở Alice Springs đã đăng một đoạn video về Vụ thảm sát Coniston.
Đây là vụ thảm sát cuối cùng được ghi nhận ở Úc diễn ra vào năm 1928, dẫn đến cái chết của hơn 60 người bao gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em Thổ dân.
Cố vấn Đối thoại Uluru Kristie Parker nói rằng những bình luận của Thượng nghị sĩ Price là đáng báo động.
"Nếu chúng ta đang ở giai đoạn xét lại những sự thật đã được nhìn nhận thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều rắc rối."
Nhưng một nhà vận động hàng đầu khác cho chiến dịch “NO” là Warren Mundine, lại ủng hộ Thượng nghị sĩ Price.
"Tôi thấy điều này thú vị vì nó nói đến chấn thương thuộc địa trải qua nhiều thế hệ, và họ nói về chấn thương. Nếu bạn tin như vậy thì hẳn những người Do Thái thoát ra khỏi Holocaust chắc chỉ như một bào thai nằm trên đất và không thể nào xây dựng được Israel, không thể làm được những điều họ đã làm trên thế giới. Vì vậy, tôi nghĩ điều này được mổ xẻ và nói quá nhiều về nó, rất nhiều."
Lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton không nhắc lại bình luận của bà Price, nhưng nói rằng bà có quyền đưa ra quan điểm.
"Nếu bạn nhìn vào những gì Jacinta đã nói, trước hết trong bối cảnh cô ấy là một phụ nữ bản địa dũng cảm thì chúng ta hoặc chấp nhận rằng mọi người có quan điểm, có nhiều quan điểm, hoặc không chấp nhận. Cánh tả thì nói, à, chúng tôi chỉ có thể lắng nghe những người như Marcia Langton. Nhưng những người bản địa ở bên phải như Jacinta Price thì chúng tôi không thể lắng nghe."
Việc trao đổi quan điểm về phân biệt chủng tộc sẽ diễn ra trong cộng đồng trong bốn tuần nữa khi quốc hội tạm nghỉ trước khi cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý được tổ chức vào ngày 14 tháng 10.
Cả hai chiến dịch YES và NO đều kêu gọi điều đó diễn ra với sự tôn trọng, nhưng cũng có lo ngại rằng đất nước có thể tạo thêm khoản cách cho việc hòa giải.
Quý vị có thể tìm thấy thông tin về cuộc trưng cầu dân ý bằng cách truy cập www.sbs.com.au/voicereferendum.