Clare O’Neil đã đưa ra một bài đánh giá về hệ thống di cư của Úc, trong đó cảnh báo rằng hệ thống này có nhiều lỗ hổng. Nguồn: AAP / Lukas Coch

 

AUSTRALIA - Hệ thống di trú Úc sẽ được cải tổ sâu rộng lần đầu tiên trong một thế hệ cho thấy, nó không đáp ứng nhu cầu của nước Úc. Hội đồng đánh giá đề nghị chính phủ với 38 cải cách về chính sách và thông báo bản phác thảo về một hệ thống di trú mới.

 

Việc duyệt xét về hệ thống di trú của Úc phát hiện ra rằng, hệ thống nầy bị lỗi và tạo ra một môi trường dễ dàng để lạm dụng.

 

Được Tổng trưởng Bộ Nội vụ Clare O'Neil công bố, bản phúc trình nói rằng hệ thống cần có các mục tiêu rõ ràng hơn.

 

Bà mô tả hệ thống hiện tại, là cơn ác mộng hết sức quan liêu.

Bà nói “Hệ thống của chúng ta chậm chạp và hết sức phức tạp, điều này có hậu quả thực sự đối với chất lượng của chương trình di trú của chúng ta".

"Chúng ta có hàng trăm loại thị thực và các tiểu thể ".

"Chúng phức tạp đến mức nếu tôi vẽ cho bạn một sơ đồ, thì nó sẽ trông giống như một bát mì Ý spaghetti rối rắm chằng chịt nhau”.

 

Tổng cộng, Hội đồng Duyệt xét đã đưa ra 38 đề nghị cải cách về chính sách lên chính phủ.

 

Cựu Quản lý Văn phòng Thủ tướng và Nội các, ông Martin Parkinson, dẫn đầu Hội đồng các Chuyên gia.

 

Ông cho biết, cuộc cải tổ sâu rộng sẽ đòi hỏi một cam kết lâu dài.

Ông nói “Điều này sẽ đòi hỏi cam kết nhiều năm từ phía chính phủ. Hệ thống di trú quá rộng lớn, quá ngổn ngang phức tạp, cần phải cải cách chính sách, luật pháp và cần cải cách khả năng thực hiện nữa”.

 

Đáp lại, bà O'Neil đã xác nhận hai vấn đề chắc chắn thay đổi và ghi nhận một số thay đổi khác có thể sớm xảy ra.

 

Một trong những thay đổi lớn nhất, sẽ tăng số tiền tối thiểu mà chủ nhân cần cung cấp, để tài trợ cho người di cư kể từ ngày 1 tháng Bảy.

 

Được gọi là Ngưỡng Thu Nhập Di Dân Có Tay Nghề Tạm Thời gọi tắt là TSMIT, nó đã không được nâng lên kể từ khi bị đóng băng ở mức 53 ngàn đô la một thập niên trước và bây giờ sẽ tăng lên 70 ngàn đô.

 

Trong khi đó bà cảnh báo, những người lao động trẻ có kỹ năng sẽ bị loại trừ, nếu ngưỡng nói trên cao hơn.

 

Bà cho biết, nước Úc đã bỏ lỡ cơ hội thu hút lao động có tay nghề cao, một phần là do mức thu nhập bị đóng băng.

Bà Clare O'Neil nói “Điều đã xuất hiện là một hệ thống mà ngày càng dễ dàng cho di dân đến Úc để tìm kiếm một công việc được trả lương thấp, nhưng ngày càng khó khăn cho những di dân các kỹ năng mà chúng ta đang rất cần”.

 

Bà O'Neil cũng thông báo rằng, những người lao động tạm thời có tay nghề cao, sẽ có cơ hội nộp đơn xin thường trú vào cuối năm nay 2023.

 

Được biết di dân tạm thời đã tăng gấp đôi kể từ năm 2007, với 2,1 triệu người di cư tạm thời hiện đang ở Úc.

 

Bản đánh giá cũng cho thấy, hệ thống tính điểm được sử dụng để xác định ai đủ điều kiện di trú, không phải lúc nào cũng chọn được những ứng cử viên tốt nhất.

 

Trong khi đó nhiều sinh viên quốc tế bị vướng vào tình trạng lấp lửng về thị thực tạm thời, đang phải làm những công việc đòi hỏi kỹ năng thấp, mặc dù họ đã được đào tạo.

 

Chính phủ cho biết, sự thay đổi này sẽ mang lại cho chủ nhân và người di cư sự việc chắc chắn hơn.

 

Còn Thủ tướng Anthony Albanese nói rằng, đây là một thay đổi quan trọng đối với các gia đình.

Ông nói "Con cái họ đang đi học tại các trường địa phương, họ đang nuôi nấng một gia đình ở đây và những thay đổi này một lần nữa, nhằm mục đích lâu dài hơn. Việc mang lại sự an toàn cho mọi người, có nghĩa là họ có thể đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng Úc”.

 

Trong khi đó Chính phủ Albanese cũng có kế hoạch, chia hệ thống di trú thành ba cấp.

 

Bậc đầu tiên sẽ tạo ra luồng có kỹ năng cao, với thời gian quay vòng nhanh.

 

Bậc ở giữa là con đường lành nghề tập trung vào những người có thu nhập trung bình, đây là nơi có thể cảm nhận rõ nhất về mức lương mới.

 

Bậc cuối cùng sẽ nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt kinh niên trong lĩnh vực chăm sóc, được trả lương thấp hơn.

 

Nó sẽ cải tổ việc tiếp nhận người di cư có thu nhập thấp của Úc, điều này có thể có ý nghĩa lớn đối với các lãnh vực chịu áp lực, như chăm sóc cao niên.

 

Được biết tất cả sẽ có thông tin từ cơ quan chính phủ Jobs and Skills Australia, để tập trung vào cách tiếp cận dựa trên dữ liệu và lần đầu tiên cơ quan này có vai trò chính thức trong hệ thống di trú.

 

Chủ tịch Tổng Công đoàn Úc ACTU, bà Michele O’Neil đã hoan nghênh cách tiếp cận dựa trên các bằng chứng.

 

Bà Michele O’Neil nói “Đã lâu rồi chúng ta đã có một hệ thống, trong đó chủ nhân tuyên bố tình trạng thiếu kỹ năng, nhưng thường thì đó là tình trạng thiếu việc làm với mức lương và điều kiện tốt, chứ không phải thiếu kỹ năng".

"Vì vậy chúng tôi muốn đảm bảo rằng, có một hệ thống dựa trên sự xác minh độc lập chặt chẽ về tình trạng thiếu hụt, theo đó người lao động địa phương có cơ hội được đào tạo và tìm việc làm trong tương lai".

"Đồng thời chúng tôi đưa di dân đến đất nước này trong tương lai theo cách không chỉ có sự thiếu hụt thực sự, mà còn là việc chúng tôi hỗ trợ họ cùng bảo đảm rằng họ không dễ bị bóc lột”.

 

Mặc dù không rõ chính xác khi nào hệ thống mới sẽ được áp dụng, nhưng chính phủ khẳng định rằng họ đang làm việc nhanh nhất có thể để hoàn thành.