Trang trại điện quang năng ở Williamsdale, gần thủ đô Canberra. Ảnh: SBS

 

AUSTRALIA - Khi Úc tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng và giá cả tăng cao, một phúc trình mới chỉ ra vị trí của Úc về lĩnh vực công nghệ tái tạo. Các chuyên gia trong ngành năng lượng sẽ nhóm họp tại Diễn đàn Năng lượng Sydney trong tuần này để nói về cách năng lượng tái tạo có thể được sử dụng trên con đường dẫn đến khí thải bằng 0.

 

Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ & Kỹ thuật Úc [ATSE] đã công bố một phúc trình mới cho thấy năng lượng tái tạo có thể giúp quản lý cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại của đất nước như thế nào.

 

Chi phí sản xuất điện ở Úc đã tăng gần 115% so với giá bán buôn trung bình cao kỷ lục trước đó.

 

Điện chiếm 34% lượng khí thải CO2 của Úc. Vì vậy việc giảm carbon trong lĩnh vực này là rất quan trọng nếu Úc muốn đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

 

Nghiên cứu chỉ ra rằng Úc sẽ cần một danh mục các công nghệ phát thải thấp để đáp ứng mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

 

Phát biểu trước Diễn đàn Năng lượng Sydney diễn ra trong tuần này, cựu giám đốc Cơ quan Năng lượng Tái tạo Úc Arena, bà Katherine Woodthorpe cho biết đại dịch COVID-19 và cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine làm nổi bật tầm quan trọng của các chuỗi cung ứng năng lượng đa dạng và có khả năng phục hồi.

"Con đường dẫn đến mức phát thải bằng 0 đòi hỏi phải chuyển đổi hoàn toàn các hệ thống năng lượng của chúng ta. Bằng cách triển khai năng lượng sạch trên quy mô lớn cần thiết để thay thế nhiên liệu hóa thạch, chúng ta có thể loại bỏ gần 3/4 lượng khí thải toàn cầu và tăng cường an ninh năng lượng toàn cầu.

“Ở Úc, điều đó sẽ cũng dẫn đến việc cung cấp giá điện rẻ hơn và đáng tin cậy hơn trong nước, cũng như tạo ra một nguồn tài nguyên tiềm năng có thể xuất cảng.”

 

Thành viên ban cố vấn của Tập đoàn Năng lượng New South Wales, Alex Wonhas nói rằng có nhiều lý do khác nhau dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng của đất nước.

 

Ông Wonhas nhấn mạnh giá điện ngày càng tăng do chi phí than và khí đốt cao, từ việc Nga xâm lược Ukraine.

 

Ông nói thêm rằng vấn đề đã trở nên tồi tệ hơn do số lần mất điện gần đây của Úc, khi các cơ sở cũ kỹ cần thay thế khẩn cấp.

 

Ông tin rằng Úc có công nghệ để tránh một cuộc khủng hoảng trong tương lai.

 

"Chúng ta phải hành động ngay bây giờ, để đặt nền móng cho một hệ thống năng lượng thực sự hiện đại, đòi hỏi sự đầu tư vào tổng thể các công nghệ khác nhau.”

“Chúng ta cần năng lượng mặt trời, chúng ta cần năng lượng gió, chúng ta cần bơm thủy điện, chúng ta cần pin. Chúng ta cần máy phát điện hydro sẵn sàng, chúng ta cần sự đầu tư của người tiêu dùng, bằng cách phối hợp nhịp nhàng để xây dựng hệ thống năng lượng tương lai mà nước Úc thực sự xứng đáng."

 

Báo cáo có tiêu đề “Here and Now of the Energy Transition”, tạm dịch “Ngay đây và Bây giờ của việc Chuyển đổi năng lượng” cho thấy rằng cuộc khủng hoảng năng lượng của đất nước là cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một tương lai phát thải thấp.

 

 

Cựu Giám đốc Điều hành của Ausgrid, George Maltabarow, cho biết vào năm 2050, lượng phát thải ròng bằng không sẽ đòi hỏi sự gia tăng công nghệ năng lượng mặt trời và gió, cũng như thêm 10.000 km cơ sở hạ tầng truyền dẫn mới.

 

Ông Maltabarow nói rằng để đạt được khoản đầu tư này, chi phí nhiên liệu cần phải được giải quyết, và chính sách khí hậu phải được liên kết rõ ràng với chính sách năng lượng.

 

Ông nói rằng đất nước sẽ cần một sự chuyển đổi hoàn toàn từ nhiên liệu hóa thạch sang điện để vận chuyển, cung cấp năng lượng cho xe hơi, sưởi ấm cho gia đình và thay đổi các quy trình công nghiệp.

 

“Tin tốt là chúng ta hiện có sẵn tất cả các công nghệ để đạt được mục tiêu đó. Những gì chúng ta cần để quản lý quá trình chuyển đổi này, là các khuôn khổ sẽ hỗ trợ loại hình đầu tư phù hợp.”

"Điều này bao gồm đầu tư vào các nguồn năng lượng phân phối, pin năng lượng mặt trời quy mô nhỏ, năng lượng mặt trời và gió quy mô lớn, và tất nhiên là khả năng tăng cường.”

“Để có thể quản lỳ được lưới điện, chúng ta sẽ cần các cảm biến thông minh được triển khai ở khắp mọi nơi. Việc này tạo ra một khối lượng lớn dữ liệu, phần mềm thông minh để phân tích và sử dụng dữ liệu đó."

 

Úc đang nỗ lực hướng tới sản xuất 50% điện năng từ năng lượng tái tạo vào năm 2025.

 

Nhà điều hành Thị trường Năng lượng Úc [AEMO] dự kiến đến lúc đó các hệ thống điện của Úc sẽ hoạt động dựa trên 100% năng lượng tái tạo.

 

Các nguồn năng lượng tái tạo được dự báo sẽ cung cấp điện cho 69% hệ thống điện chính của đất nước vào năm 2030.

 

Giáo sư Renate Egan từ Viện Năng lượng Đại học New South Wales cho biết quốc gia này đã nhận được 32% điện năng từ các nguồn tái tạo và tỷ lệ đó đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua.

"Chúng ta có thể làm điều đó trong 5 năm, nhưng cần 10 năm nữa. Đó là điều chúng tôi đang hướng tới để thử và thực sự tăng cường việc sử dụng năng lượng tái tạo. Tôi lạc quan về tương lai và cơ hội của chúng ta.”

“Tôi nghĩ hiện tại Úc đã có công nghệ. Những gì chúng ta cần làm là đưa ra các chính sách của mình, đầu tư vào tương lai của Úc, giúp các nhà đầu tư tin tưởng để đầu tư.”

“Đó là các doanh nghiệp lớn và chủ gia đình, cùng đầu tư vào hệ thống truyền tải thông minh để bảo đảm tất cả đều được kết nối với nhau và hoạt động tốt."

 

Người đứng đầu Chương trình tích hợp lưới điện và lưu trữ pin tại Đại học Quốc gia Úc, Giáo sư Lachlan Blackhall, cho biết việc lưu trữ năng lượng đáng kể sẽ bổ sung cho việc chuyển đổi sang thế hệ tái tạo.

"Một trong những khả năng chính mà năng lượng lưu trữ sẽ làm là khả năng cung cấp dịch vụ hệ thống. Đó là những thứ như kiểm soát tần số, các dịch vụ trong tương lai như quán tính và sức mạnh hệ thống.”

“Việc này đảm bảo rằng chúng ta có thể duy trì lưới điện ổn định, trong khi từ bỏ dần các máy phát điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.”

“Việc lưu trữ năng lượng thực sự có hai dạng. Thứ nhất là từ thủy điện tích năng và thứ hai là tích trữ pin. Việc lưu trữ pin sẽ được triển khai ở nhiều quy mô khác nhau trên toàn hệ thống."

 

Nghiên cứu cho biết thêm rằng để Úc đạt được mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050, quốc gia này cần phải có một chương trình nghiên cứu rõ ràng và một khuôn khổ đáng tin cậy.