Đồ ăn và đồ uống không có lợi cho sức khỏe đang làm cho trẻ em ngày càng bị béo phì. Nguồn: AAP

 

 

AUSTRALIA –  Tổ chức phòng chống ung thư, Cancer Council, đang phát động các chiến dịch mới để nâng cao nhận thức về thói quen ăn uống, đặc biệt là nỗ lực làm giảm các quảng cáo thức ăn nhanh góp phần gây ra bệnh béo phì ở trẻ em.

 

Trong một chuyến xe buýt đưa học sinh đến trường, một chuyến đi bình thường như bao ngày, thế nhưng đối với Hội đồng Ung thư, thì chỉ trên chuyến xe đó, các học sinh đã phải tiếp xúc với ít nhất 25 quảng cáo về thực phẩm và đồ uống không lành mạnh.

 

Chẳng hạn như sôcôla, burger, khoai tây chiên và đồ uống có ga.

 

Một cuộc kiểm tra năm 2022 đối với xe buýt ở Sydney cho thấy hơn 83% quảng cáo thực phẩm là dành cho các sản phẩm không lành mạnh.

 

Một cuộc kiểm tra tương tự trên mạng lưới giao thông công cộng của Melbourne vào năm 2019 cho thấy 2/3 (61%) quảng cáo đồ ăn và thức uống là dành cho các mặt hàng có nhiều chất béo, đường và muối.

 

Giám đốc Dinh dưỡng của Hội đồng Ung thư, Clare Hughes, cho biết những con số thực sự là một vấn đề.

 

“Chúng tôi biết rằng việc quảng cáo thực phẩm không lành mạnh có ảnh hưởng đến trẻ em, ảnh hưởng đến sở thích ăn uống của chúng; ảnh hưởng đến thực phẩm mà chúng mua; ảnh hưởng đến những gì chúng vòi vĩnh cha mẹ mua và cuối cùng là chế độ ăn uống của chúng. Vì vậy, nói tóm lại là nó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ em.”

 

Một cuộc khảo sát đối với học sinh trung học được thực hiện vào năm 2018 cho thấy khả năng trẻ em đòi cha mẹ mua cho ăn loại thức ăn mà chúng đã thấy quảng cáo cao gấp hai lần.

 

Cuộc khảo sát cũng cho thấy những đứa trẻ được xem nhiều quảng cáo đồ ăn hoặc thức uống, thì khả năng chúng sẽ thử loại sản phẩm mới sẽ cao gấp hai lần so với những đứa trẻ ít tiếp xúc với quảng cáo.

 

Tổ chức về phòng chống bệnh béo phì, Obesity Policy Coalition, gọi tắt là OPC, cho biết khoảng 67% người lớn có cân nặng ở mức không tốt và khoảng 25% là trẻ em.

 

Giám đốc điều hành của tổ chức, bà Jane Martin nói rằng vấn đề này bắt đầu từ rất sớm.

 

“Điều đáng lo ngại là mọi người đang bị rơi vào mức cân nặng không lành mạnh này khi độ tuổi còn rất trẻ. Chúng tôi có 46% là thanh niên từ 18 đến 24 tuổi thuộc nhóm cân nặng không lành mạnh. Và điều đó khiến họ có nguy cơ bị các bệnh như tiểu đường loại 2, bệnh tim và một số bệnh ung thư ngay khi còn trẻ.”

 

Với nghiên cứu cho thấy việc tiếp thị các mặt hàng không lành mạnh đóng một vai trò quan trọng trong cách ăn uống của mọi người, Hội đồng Ung thư cho rằng phải làm gì đó để giải quyết vấn đề này.

 

Họ đang khởi động hai chiến dịch mới: một ở New South Wales có tên Our Kids Our Call, và một chiến dịch khác ở Victoria, có tên Food Fight.

 

Thông điệp của hai chiến dịch này đều giống nhau - rằng việc tiếp thị thực phẩm không lành mạnh nhắm vào trẻ em cần phải được dừng lại.

 

Bà Clare Hughes đặc biệt lo lắng về những nhóm thanh niên dễ bị tổn thương, những người có xu hướng dễ bị béo phì và các vấn đề sức khỏe khác, mà chính các hoạt động tiếp thị đồ ăn nhanh đang góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề.

 

“Tỷ lệ người bị béo phì cao hơn ở các vùng sâu vùng xa và cả ở các nhóm bất lợi về mặt kinh tế - xã hội. Vì vậy, chúng tôi muốn bảo đảm rằng việc giải quyết các vấn đề công bằng liên quan đến ăn uống lành mạnh. Và đó là lý do tại sao việc giải quyết vấn đề môi trường thực phẩm rất quan trọng.”

 

Bà Jane Martin nói rằng việc cung cấp thông tin cho các cá nhân và yêu cầu họ thay đổi là không đủ để tạo ra tác động đáng kể.

 

Bà cho rằng giá cả và quảng cáo thực phẩm cũng cần phải thay đổi

 

“Khoảng một phần ba năng lượng trong khẩu phần ăn của người lớn và trẻ em, thậm chí nhiều hơn ở trẻ em trai vị thành niên, là đến từ các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối, chất béo, đường; và đó không phải là một khẩu phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Vì vậy, chúng tôi thực sự cần thay đổi phương thức tiếp thị, chúng ta cần thay đổi giá cả, chúng ta cần chuyển sang việc khuyến mãi cho các thực phẩm tốt cho sức khỏe.”

 

Các chính phủ cũng đang xem xét các chính sách.

 

Vào tháng 12/2021, Bộ trưởng Y tế liên bang Greg Hunt đã đưa ra Chiến lược Y tế Dự phòng Quốc gia mười năm.

 

Ông cho biết trọng tâm của hệ thống y tế sẽ thay đổi, từ việc điều trị cho mọi người khi họ không khỏe, chuyển sang giữ cho mọi người khỏe mạnh.

 

“Mỗi cuộc hành trình đều có thời hạn nhất định. Mỗi cuộc đời đều có thời hạn nhất định. Nhưng sức khỏe cộng đồng là thứ mang lại cho chúng ta cuộc sống lâu dài nhất, chất lượng nhất, loại bỏ những thứ sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống hoặc làm giảm tuổi thọ, và chất lượng cuộc sống và tuổi thọ là hai điều mà chúng tôi đang tìm cách cải thiện.”

 

Trong tháng này, chính phủ liên bang đã công bố Chiến lược về tình trạng Béo phì Quốc gia trong 10 năm tới, hướng dẫn các chính phủ và đối tác khi họ thực hiện các hành động để ngăn ngừa bệnh béo phì.

 

Vào thời điểm xuất bản, Tổ chức Obesity Policy Coalition (OPC) bày tỏ hy vọng rằng đây sẽ là một bước ngoặt, đồng thời nói rằng trong 10 năm qua đã có rất ít hành động được thực hiện để chống lại bệnh béo phì.

 

Một báo cáo năm 2015 của OPC đã ghi nhận những thất bại liên tục trong việc bảo vệ trẻ em khỏi việc tiếp thị thực phẩm không lành mạnh, bởi vì đó chủ yếu là một hệ thống tự nguyện, tự quản lý, do chính ngành công nghiệp thực phẩm và quảng cáo vận hành.

 

Trong một bài thuyết trình với Trung tâm Đối tác Phòng chống Úc vào năm 2016, chuyên gia về chính sách thực phẩm của Đại học Deakin, Tiến sĩ Gary Sacks nói rằng có một sự hiểu biết rất tốt về những gì cần phải làm – nhưng chỉ là thiếu sự theo dõi nhất quán.

 

“Tổ chức WHO có cả một loạt báo cáo, tất cả đều có danh sách dài các khuyến nghị về những gì các chính phủ cần làm để tạo ra một môi trường thực phẩm lành mạnh. Ngoài ra, WHO cũng có các mục tiêu cho Phòng chống các bệnh không lây nhiễm, có các khuôn khổ giám sát toàn cầu. Vì vậy, ý tưởng đã có, nhưng các quốc gia lại khá chậm chạp trong việc áp dụng các khuyến nghị này. Do đó, việc cần làm là phải tập trung vào trách nhiệm giải trình.”

 

Tại Úc, bà Clare Hughes cho biết chỉ có một chính phủ cấm quảng cáo đồ ăn vặt trên các phương tiện giao thông công cộng.

 

“Hiện tại ở Úc chỉ có ACT là nơi duy nhất thực hiện các biện pháp kiểm soát những loại thực phẩm nào được và không được quảng cáo trên các phương tiện giao thông công cộng. Và điều đó đã làm giảm việc quảng cáo thực phẩm không lành mạnh. Đó cũng là điều mà chúng tôi đã thấy ở Luân Đôn, Bộ Giao thông vận tải Luân Đôn đang thực hiện chính sách cấm tiếp thị đồ ăn nhanh tại các địa điểm thuộc Bộ Vận tải Luân Đôn.”

 

Bà Jane Martin nói rằng ngoài việc cấm quảng cáo đồ ăn nhanh trên các phương tiện giao thông công cộng, chính phủ có thể thử nhiều cách khác. Chẳng hạn, việc đánh thuế nước ngọt có đường mà nước Anh đã thực hiện và thành công trong việc làm giảm lượng đường tiêu thụ.

 

“Biện pháp đó ảnh hưởng đến số lượng đồ uống mà người dân tiêu thụ. Nhưng đồng thời - thuế cũng phải được áp dụng cho các nhà sản xuất, nếu họ giảm hàm lượng đường, họ sẽ phải trả mức thuế thấp hơn cho những đồ uống đó. Và đó là điều đã được thực hiện. Rất nhiều đồ uống được làm lại công thức và giảm đáng kể lượng đường mà dân số Anh đang tiêu thụ.”

 

Hội đồng Ung thư và Tổ chức OPC cho biết các chính sách và các chiến dịch phù hợp có thể sẽ hiệu quả.

 

Và họ hy vọng các bậc cha mẹ - và chính phủ - sẽ được huy động để tạo ra những thay đổi tích cực, bởi vì đây là một vấn đề rất quan trọng không thể bỏ qua.