Khói bốc lên từ một nhà máy phát điện chạy bằng than ở Bergheim, Đức. Nguồn: AAP

 

 

Thuế carbon đã được chứng minh tính hiệu quả trong việc làm giảm khí thải, và theo các chuyên gia Úc có thể áp dụng trong việc định hướng phục hồi nền kinh tế hậu COVID.

 

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Úc và Đại học Maquarie đang chuẩn bị đưa lý thuyết kinh tế về thuế carbon vào thử nghiệm trong thực tiễn.

 

Chuyên gia kinh tế tại Đại học Quốc gia Úc, Paul Burke, cho hay, nhóm nghiên cứu đã xem xét số liệu thực tế của 142 quốc gia trong 20 năm từ năm 1997, qua đó cho thấy sự khác biệt về lượng phát thải giữa các quốc gia áp dụng thuế carbon và các quốc gia không có thuế carbon.

 

“Lý thuyết thuế carbon rất thuyết phục. Nếu lượng khí thải được định giá thì người ta sẽ thay thế năng lượng cho phát thải nhiều như than đá sang năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió. Do đó về mặt lý thuyết thì rất thuyết phục. Và những gì chúng tôi làm là so sánh mức tăng phát thải ở các quốc gia áp dụng thuế carbon và những quốc gia không có thuế carbon, đồng thời cũng tính đến những khác biệt giữa các quốc gia. Phát hiện mấu chốt là những quốc gia có thuế carbon đã giảm lượng phát thải qua thời gian, và chúng ta có thể thấy điều này rất rõ qua số liệu thu được.”

 

Chuyên gia kinh tế này cho biết mức độ khác nhau về lượng phát thải giữa các quốc gia là rất đáng kể.

 

“Nếu thuế carbon được áp dụng thì sẽ giảm lượng phát thải 2 điểm %. Một phát hiện khác mà chúng tôi nhận thấy là thuế carbon càng cao thì lượng phát thải giảm càng nhanh.”

 

Thực tế cho thấy những quốc gia không có thuế carbon, lượng phát thải tăng trung bình hàng năm là 3 diểm %.

 

Đồng tác giả nghiên cứu Rohan Best từ Đại học Macquarie nói kết quả thu được rất quan trọng.

 

“Tôi cho rằng có quốc gia nào đang cân nhắc việc ban hành thuế carbon hoặc tăng thuế carbon. Trong nghiên cứu có nhắc đến Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đang khá quan tâm, một số chuyên gia về chính sách của họ đang xem xét vấn đề này. Do đó tôi cho rằng có nhiều quốc gia vẫn đang cân nhắc về việc ban hành thuế carbon. Và chắc chắn những năm sau này sẽ có thêm nhiều quốc gia tham gia áp dụng chính sách này.”

 

Tại Úc, những vấn đề chính trị xoay quanh thuế carbon đã trở thành đề tài gây tranh cãi bao trùm trong suốt ba kỳ bầu cử năm 2007, 2010 và 2013, và nó cũng góp phần vào sự ra đi của hai Thủ tướng Julia Gillard và Kevin Rudd.

 

Thuế carbon tồn tại ở Úc chỉ trong 2 năm trước khi nó bị hủy bỏ vào năm 2014 dưới thời Thủ tướng đảng Tự do khi đó là Tony Abbott.

 

Phó giáo sư Paul Burke nói, nếu thuế carbon vẫn còn tồn tại ở Úc thì quốc gia này có lẽ vẫn đang làm tốt việc giảm phát thải, thay vì chỉ làm phẳng biểu đồ tăng trưởng như hiện nay.

 

“Mức phát thải của nước Úc chắc chắn sẽ thấp hơn mức hiện tại nếu có thuế carbon. Lượng phát thải từ mảng năng lượng của Úc đã tăng khá nhanh ở một số lĩnh vực như lĩnh vực khí thiên nhiên hóa lỏng – LNG – của Úc. Nếu chúng ta có thuế carbon chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lượng phát thải, và nó sẽ là động lực to lớn để phát thải được giữ lại, lưu trữ hoặc giảm đi theo cách nào đó. Do đó nếu chúng ta áp dụng kết quả có được từ nghiên cứu, thì sẽ thấy sự khác biệt lớn trong lượng phát thải. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ tập trung vào lượng phát thải từ việc đốt nhiên liệu, từ hệ thống năng lượng mà cũng đã thấy sự khác biệt rất lớn, đâu đó khoảng 10%, nếu chúng ta vẫn giữ chính sách thuế carbon.”

 

Chính phủ liên bang cho biết công nghệ và khí gas sẽ là yếu tố chủ chốt trong chiến lược làm giảm phát thải trong dài hạn để đáp ứng mục tiêu khí hậu 2030 của Thỏa thuận Paris (tức giảm 26 – 28% so với mức của năm 2005).

Ông Tony Wood, đến từ Viện Grattan, nói rằng ông vẫn lạc quan rằng thuế carbon là việc không thể tránh khỏi trong tương lai, dựa trên nền kinh tế, nhưng ông cũng nói lịch sử đã cho thấy các vấn đề về chính trị và nhu cầu cộng đồng cần phải được giải quyết tốt hơn.

 

“Cách thức hiệu quả để chuyển đổi sang một tương lai có phát thải thấp là thông qua việc giảm khí carbon, và thuế carbon là một phương án. Nhưng không may là có rất nhiều lý do khiến chúng ta chưa thể thực hiện được, đó là vì tình hình chính trị nước Úc. Bạn có thể thấy qua những gì đã xảy ra trong lịch sử khiến Lao động không thể thực hiện được, và thậm chí cả các chính phủ tiểu bang. Nhiều chính phủ tiểu bang nay đã cam kết đạt mức phát thải zero cho mục tiêu dài hạn năm 2050. Họ không có công cụ chính trị, cũng không có thuế carbon, vì thuế carbon vẫn được xem là điều khó làm. Nhưng tôi nghĩ rốt cuộc chúng ra vẫn phải nhúng tay vào, rồi chúng ra sẽ thấy cũng không đến nỗi khó thực hiện.”