Báo cáo mới đây của Dezan Shira & Associate cho biết, Việt Nam đang nổi lên như một trong những thị trường ASEAN có triển vọng đối với ngành công nghiệp rượu vang của Úc.

 

 

 

Hiện, rượu vang có xuất xứ từ Úc đang phải chịu thuế quan khá cao của Trung Quốc. Trung Quốc đang áp thuế hơn 200% đối với các sản phẩm rượu vang Úc trong thời hạn 5 năm. Vì vậy, những ông chủ trong ngành công nghiệp rượu vang này đang tìm cách đa dạng hoá thị trường. Theo tập đoàn tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associate, nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng và khả năng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam đã khiến các nhà đầu tư đánh giá cao thị trường Việt nam.

 

 

 

 

 

 

Rượu vang là một trong những sản phẩm có doanh số tăng đáng kể trong những năm gần đây. Đi cùng với sự phát triển của các nhà hàng, khách sạn và sự hiện diện của các nhà bán lẻ, thị trường rượu Việt Nam đang bùng nổ. Các nhà đầu tư Úc nhận định, chinh phục được thị trường rượu vang Việt Nam có thể bù đắp được phần nào những tổn thất do đại dịch gây ra. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất Úc cần thiết lập đối tác thương mại mới, ổn định và đáng tin cậy khi Trung Quốc đang giảm tiêu thụ rượu vang Úc.

 

 

 

 

 

Năm 2020, Hiệp hội Công nghiệp rượu vang Nam Úc đã công bố kế hoạch tìm kiếm các đối tác mới trong ASEAN và đa dạng hoá xuất cảng. Thị trường ASEAN, trong đó có thị trường Việt Nam, là những thị trường của các loại rượu vang giá rẻ. Vì vậy, nhờ có các hiệp định thương mại, rượu vang Úc ngày càng rẻ hơn. Mặt khác, các quốc gia ASEAN có nhiều nước phát triển ngành du lịch rất nhanh, khiến lượng bia rượu tiêu thụ tại đây tăng nhanh chóng.

 

 

 

Việt Nam cũng đang trở thành tâm điểm của ngành công nghiệp rượu. Trước đây, thị trường Việt Nam thường ưa chuộng bia giá rẻ. Tuy nhiên, thị hiếu đang dần thay đổi, và tầng lớp trung lưu tăng lên, yêu cầu chất lượng cao hơn. Do đó, nhu cầu sử dụng rượu vang cũng tăng mạnh. Hiện nay, thị trường rượu vang Việt Nam nhập cảng chủ yếu từ các khu vực như Pháp, Ý, Chile, Mỹ và Úc. Các loại rượu vang bán chạy nhất là rượu vang đỏ với khoảng 65 phần trăm thị phần, tiếp theo là rượu vang trắng với 25% và rượu vang sủi bọt với 10%.

 

 

 

Mặt khác, dân số Việt Nam được dự báo sẽ đạt 101 triệu người vào năm 2025, với dân số trong độ tuổi lao động chiếm 60% tổng dân số và độ tuổi trung bình là 30.

 

 

 

Các nhà đầu tư Úc nhận thấy, Việt Nam là quốc gia có văn hoá uống rượu. Trong vòng 10 năm, từ 2010 – 2020, mức tiêu thụ đồ uống có cồn của Việt Nam đã tăng 95%. Hiện, Việt Nam là thị trường tiêu thụ rượu lớn thứ 3 trong các quốc gia ASEAN. Chỉ tính trong năm 2020, con số tiêu thụ đồ uống có cồn tại thị trường Việt Nam đạt 15,3 triệu lít.

 

 

 

Đánh giá của Dezan Shira & Associate cho thấy người Việt cũng ưa chuộng các loại rượu nước ngoài và khi thu nhập tăng, người Việt sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để có thể tiêu dùng các sản phẩm chất lượng cao, tạo dư địa cho các sản phẩm nhập cảng. Bên cạnh đó, ngành bán lẻ hàng hoá tại đây đang chuyển dần từ bán lẻ truyền thống sang bán lẻ hiện đại, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm thấy các sản phẩm rượu nhập cảng tại các siêu thị.

                           

 

 

Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu và rộng. Trong thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) khiến thị trường Việt Nam trở nên cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài chuyển địa điểm sản xuất hoặc mở các chi nhánh. Các FTA mà Việt Nam ký kết đều tạo ra một thị trường hội nhập giữa các quốc gia thành viên bằng cách giảm đáng kể hoặc miễn hoàn toàn thuế quan đối với các sản phẩm nhập cảng. Các nhà sản xuất rượu vang của Úc có thể tận dụng hai hiệp định thương mại tự do là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Khu vực Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA).

 

 

 

 

Theo CPTPP, rượu nho tươi có thuế suất 27% và con số này là 20% theo Hiệp định AANZFTA vào tháng 1/2022. Tuy nhiên, kể từ tháng 1/2026, theo CPTPP, thuế đối với loại rượu này chỉ còn 15%. Và đến năm 2028, con số này là 0%.