(Ảnh minh diễn: internet)

 

AUSTRALIA - Nghiên cứu của các giáo sư trường đại học UNSW, xuất bản trên tạp chí Nature Climate Change cho hay dải băng chuyền của các dòng hải lưu mang nước ấm từ vùng nhiệt đới lên Bắc Đại Tây Dương đang bị chậm lại, cảnh báo hậu quả của nó là các trận mưa lớn kéo dài gây lũ lụt tại Đông bộ Úc sẽ trở thành loại thời tiết phổ biến và điển hình ở nơi đây.

 

Các khoa học gia cảnh báo những trận mưa kéo dài trong những tháng vừa qua, gây lũ lụt kinh hoàng tại bờ Đông nước Úc sẽ không còn là kiểu thời tiết hi hữu mà sẽ trở nên phổ biến trong tương lai.

 

Highlight:

-Sự sụp đổ của hệ thống hải lưu – còn được gọi là hoàn lưu đảo lộn kinh tuyến Đại Tây Dương - sẽ chuyển khí hậu của Trái đất sang trạng thái giống với La Niña nhiều hơn.

-Sẽ có nhiều trận mưa gây lũ lụt hơn tại bờ Đông nước Úc và hạn hán cũng như cháy rừng sẽ tồi tệ hơn ở miền Tây Nam Hoa Kỳ.

-Khi dòng hải lưu chảy chậm lại, nước có thể tích tụ nhiều hơn dẫn đến mực nước biển dâng cao tại nhiều nơi.

 

Chưa bao giờ người dân ở bờ biển phía Đông nước Úc hiểu cảm giác La Niña xảy ra không ngừng là như thế nào trong những tháng vừa qua.

 

Bầu khí quyển mang theo độ ẩm nhiều hơn, và trải qua hai mùa hè, La Niña đã làm ấm vùng biển phía bắc nước Úc, từ đó dẫn đến các điều kiện khí hậu ẩm ướt nhất mà người Úc từng trải qua trong lịch sử, với những trận lũ lụt kỷ lục tại New South Wales và Queensland.

 

Trong khi đó, tại miền Tây Nam của Bắc Mỹ, hạn hán và cháy rừng trầm trọng đã gây ra sự căng thẳng cho các dịch vụ cứu cấp và nông nghiệp, chỉ riêng vụ cháy năm 2021 ước tính đã tiêu tốn ít nhất 70 tỷ USD.

 

Hoàn lưu đảo lộn kinh tuyến Đại Tây Dương là gì?

Hoàn lưu đảo lộn Đại Tây Dương bao gồm một dòng chảy lớn của dòng nước nhiệt đới ấm áp đến Bắc Đại Tây Dương, giúp giữ cho khí hậu Âu châu luôn ôn hòa, và giúp cho các vùng nhiệt đới không giữ lượng nhiệt dư thừa. Một hoàn lưu đảo lộn tương đương tại vùng nước Nam Cực cũng xảy ra ở Nam Bán cầu.

 

Các ghi chép về khí hậu từ cách đây 120.000 năm cho hay hoàn lưu đảo lộn Đại Tây Dương đã tắt hoặc chậm lại đáng kể trong thời kỳ băng hà.

Hình ảnh của NASA mô phỏng hoạt động các dòng hải lưu.

Kể từ khi nền văn minh của loài người bắt đầu cách đây khoảng 5.000 năm, hoàn lưu đảo lộn Đại Tây Dương luôn xảy ra tương đối ổn định. Tuy nhiên trong vài thập kỷ qua, người ta phát hiện dòng chảy đang bị chậm lại, và điều này khiến các khoa học gia lo lắng.

 

Một trong những nguyên nhân của dòng chảy bị chậm lại là do sự tan chảy của các chỏm băng tại hai cực ở Greenland và Nam Cực. Những tảng băng tan chảy đã đổ một lượng lớn nước ngọt vào đại dương, làm cho nước nổi lên và vùng nước đậm đặt thuộc vĩ độ cao không thể chìm sâu xuống.

 

Chỉ tính riêng Greenland, một khối lượng lớn 5 nghìn tỷ tấn băng đã tan chảy trong 20 năm qua. Con số này tương đương với lượng nước ngọt gấp 10.000 lần cảng Sydney Harbours. Tốc độ tan chảy này sẽ còn tăng lên trong những thập kỷ tới.

 

Các khoa học gia tại đại học UNSW cảnh báo với việc băng tan nhanh tại Greenland, ước tính hoàn lưu đảo lộn Đại Tây Dương sẽ suy yếu nhất trong thiên niên kỷ qua, và dự đoán dòng băng chuyền này sẽ bị sụp đổ chỉ trong những thế kỷ tới nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính không được kiểm soát.