Đại dịch COVID-19 đã làm chao đảo giá cả hàng hoá dịch vụ trên toàn nước Úc, điều này dẫn đến tỷ lệ lạm phát sụt giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 20 năm qua. Nhưng đó không có nghĩa là điều đáng mừng cho nền kinh tế.

 

 

 

Sự giảm phát kinh tế là điều mà không phải người dân nào cũng được trải nghiệm.

 

 

Trước đây chỉ có hai lần nền kinh tế Úc ghi nhận tỷ lệ lạm phát rơi xuống mức âm là vào năm 1962 và năm 1997.

 

Theo lời Thủ tướng Scott Morrison thì nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của COVID-19.

 

“Tôi thấy những con số này rất đặc biệt trong một hoàn cảnh cũng hết sức đặc biệt mà chúng ta đang phải đối mặt. Nhưng tôi biết điều tốt cho nước Úc là người dân đã trở lại làm việc, các doanh nghiệp đã có lòng tin để mở cửa hoạt động trở lại.”

 

Giá cả giảm đã khiến mức lạm phát hàng năm giảm chỉ còn 0.3%

 

Nguyên nhân lớn nhất đó là chi phí giữ trẻ đã giảm 95% trong thời gian chính phủ tạm thời trợ giá hoàn toàn.

 

Việc tài trợ này đã giúp cho các trường mẫu giáo và dịch vụ giữ trẻ ngoài giờ ở một số tiểu bang cũng bỏ bớt áp lực về giá. Ngoài ra, giá xăng cũng giảm 19% do sự sụt giảm trong giá dầu.

 

Nhưng theo lời ông Shane Oliver, chuyên gia kinh tế của Qũy đầu tư AMP Capital, thì lạm phát được dự đoán là đang bắt đầu tăng trở lại với lý do là những sự sụt giảm liên quan đến COVID-19 đã đảo chiều

 

“Tôi dự đoán chúng ta sẽ thấy lạm phát tăng lại trong quý này vì chương trình giữ trẻ miễn phí đã kết thúc, vì thế phí giữ trẻ sẽ trở về mức ban đầu. Nên nhớ ở quý trước phí giữ trẻ giảm 95% nhờ tài trợ chính phủ nên ở quý này phí giữ trẻ sẽ tăng lại 95%. Ngoài ra sẽ có thêm nhiều người lái xe do đó giá xăng cũng sẽ tăng trở lại.”

 

Thị trường địa ốc cũng không phải ngoại lệ.

 

Giá thuê nhà ở đã ghi nhận sự sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ lần giảm phát vào năm 1972.

 

Ông Bill Mallouhi là giám đốc một công ty địa ốc Sydney Real Estate, ông nói áp lực tiếp tục đè lên phía chủ nhà nên dự đoán sẽ có thêm nguồn cung trong thị trường địa ốc, từ đó sẽ kéo giá nhà tiếp tục xuống thấp.

 

“Mọi người có thể thấy giá nhà không giảm nhanh, có thể khoảng 5% tôi không thấy giá nhà giảm nhiều. Nhưng chắc chắn sẽ có rất nhiều nguồn cung nhà trên thị trường. Và nhìn chung tại Sydney như ở khu vực nội đô phía tây, là thị trường rất mạnh.”

 

Đại dịch COVID đã gây nên nhiều biến động dữ dội về giá cả, và đó cũng là nhân tố phải tính đến để hiểu được bức tranh kinh tế toàn cảnh.

 

Lạm phát cơ bản, là sự thay đổi trong chi phú của hàng hóa và dịch vụ nhưng không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng, trong năm nay đã tăng 1.2%, thấp hơn khá nhiều mức mà Ngân hàng Trữ Kim đặt ra là từ 2% – 3%.

 

Theo ông Shane Oliver, lạm phát sẽ không tăng trong tương lai gần.

 

“Nền kinh tế của Úc còn rất nhiều năng lực sản xuất dự phòng, nhiều cạnh tranh. Cho nên năng lực sản xuất dự phòng cao có nghĩa là lạm phát sẽ ở mức thấp, có thể không xuống mức âm nhưng sẽ ở mức thấp trong một thời gian. Tất cả những yếu tố này phản ánh thời gian khó khăn mà nền kinh tế Úc đang phải trải qua.”

 

Việc phong tỏa cũng khiến giá cả ở một số mặt hàng tăng lên, chẳng hạn nội thất, hàng hóa gia dụng, các sản phẩm tẩy rửa và giấy vệ sinh là những món hàng đi đầu trong việc tăng giá.

 

Bà Jo Master là trưởng ban kinh tế của công ty EY Oceania, bà nói việc đô xô đi gom hàng tại thời điểm đầu mùa dịch đã khiến giá một số mặt hàng tăng cao trong suốt quý tháng Sáu.

 

“Chúng ta thấy một số mặt hàng bị thu gom đã tăng giá chẳng hạn như mì ống, giấy vệ sinh, ngũ cốc, và một số mặt hàng gia dụng.”

 

Và cả các loại nước uống có cồn và không có cồn cũng là những mặt hàng có giá tăng nhẹ.