Source: AAP
AUSTRALIA - Tình hình thị trường tài chính Úc dao động chút ít, sau khi Ngân hàng Trữ kim Úc Đại Lợi (RBA) giữ nguyên lãi suất liên ngân hàng. Đô-la Úc giảm giá đôi chút so với Mỹ Kim và phản ứng các giới nói chung là chờ đợi kỳ họp kế tiếp của RBA.
Quyết định bất ngờ của Ngân hàng Trữ kim Úc - RBA - trong phiên họp hôm qua, khi duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức 3.85%, đã gây ra phản ứng trái chiều trên thị trường tài chính trong nước, giữa lúc giới đầu tư đang trông chờ một đợt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm.
Ngân hàng Trữ kim Úc (RBA) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản, đi ngược với dự đoán của đa phần giới thương gia và kinh tế gia, vốn nghiêng về khả năng giảm thêm 0.25%.
Trong khi đó Tổng Trưởng Ngân Khố, Jim Chalmers, cho biết quyết định của Ngân Hàng Dự Trữ Úc Châu không phải điều dân chúng mong đợi, nhưng chúng ta phải tiếp tục.
Ông Chalmers lên tiếng rằng, tuy quyết định này không phải là điều nhiều triệu người Úc đang mong mỏi, ông vẫn tin tưởng vào tính độc lập của Ngân hàng Dự trữ.
Ông nói, “Trong thời gian nắm chính quyền, chúng tôi đã đưa lạm phát xuống, lương thực tế tăng trở lại, thất nghiệp thấp, nền kinh tế tiếp tục chạy đều. Lãi suất đã được hạ hai lần trong vòng năm tháng, nhưng chúng tôi biết rằng chưa thể coi là xong việc, vì người dân vẫn chịu áp lực trong một môi trường toàn cầu bất định”.
Ông Chalmers cũng lưu ý rằng, đây là lần đầu tiên RBA công bố công khai các phiếu bất đồng trong nội bộ Hội đồng quản trị, trong 9 thành viên, đã có 3 người không đồng tình với quyết định giữ nguyên lãi suất.
Ông Chalmers nói, "Tôi hoan nghênh bước tiến về minh bạch trong cách công bố quyết định. Việc tiết lộ phiếu bất đồng dù không nêu rõ tên, là một đổi mới đáng kể trong hoạt động của Ngân hàng Dự trữ”.
Được biết thị trường tài chánh ngạc nhiên, còn người dân thất vọng trước quyết định của RBA giữ nguyên lãi suất.
Giới đầu tư và các nhà bán lẻ, vốn đang trông chờ một làn gió mới trong cơn khủng hoảng tiêu dùng, tỏ ra thất vọng trước quyết định bất ngờ từ RBA.
Nhiều người vay nợ mua nhà cũng nói rằng, họ đã hy vọng được giảm phần nào áp lực sinh hoạt.
Theo giới phân tích, trong bối cảnh lạm phát đang xuống, nhưng sức tiêu dùng yếu kém, thì việc tiếp tục giữ lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi chung.
Theo các chuyên gia tài chánh, dân chúng tỏ ra chán nản, khi giá cả vẫn cao hơn trước đại dịch COVID19.
Kinh tế gia Rory Robertson đặt câu hỏi với Phó Thống đốc RBA, là ông Andrew Hauser, nói rằng vì sao nhiều người dân vẫn lo lắng về nền kinh tế, trong khi thất nghiệp đã ở mức thấp lịch sử và lạm phát xuống rồi.
Ông Hauser cho biết, "Người dân đã phát chán. Lý do là giá cả hiện nay vẫn cao hơn rất nhiều so với trước khi đại dịch bùng phát. Mức giá chung đã tăng vọt suốt ba năm qua, và người dân không nhìn vào tỷ lệ lạm phát, nhưng họ nhìn vào những con số thực trên hóa đơn, tuy nhiên giải pháp không thể là kéo giá trở lại như cũ”.
Theo ông, RBA cần gắn bó với thực tế của dân sinh.
Ông Andrew Hauser cũng nhấn mạnh vai trò của việc ‘tiếp xúc doanh nghiệp’ trong chính sách của RBA, và cho biết ông đã dành phần lớn thời gian kể từ khi chuyển từ Anh sang Úc, để gặp các lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp cả nước, nhằm nắm bắt thực trạng kinh tế từ thực tiễn.
Ông Andrew Hauser nói, "Các ngân hàng trung ương phải sống trong thực tế, không thể chỉ dựa vào mô hình lý thuyết. Việc tiếp xúc trực tiếp với thực tiễn là điều hết sức quan trọng”.
Được biết hôm nay Chỉ số ASX 200, viết tắt của Australian Securities Exchange 200, là chỉ số chứng khoán tiêu biểu nhất của thị trường tài chính Úc, tương tự như chỉ số Dow Jones tại Hoa Kỳ hay Nikkei 225 tại Nhật Bổn, trong phiên họp mở cửa sáng nay trong sắc đỏ, nhưng sau đó dao động trong biên độ hẹp.
Các cổ phiếu trong nhóm tiêu dùng, bất động sản và bán lẻ, vốn nhạy cảm với lãi suất, đã đồng loạt giảm nhẹ từ 0.3 đến 0.8%, phản ánh tâm lý thất vọng của thị trường, trước việc chưa có tín hiệu giảm lãi vay.
Ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng và năng lượng lại có phần khởi sắc, do kỳ vọng biên lợi nhuận tín dụng được giữ nguyên
Ông Marcus Chan, chuyên gia tại công ty môi giới IG Markets cho biết, “Thị trường đang tạm thời điều chỉnh lại kỳ vọng. Các nhà đầu tư nhận thấy RBA vẫn đang ở thế phòng thủ, nên họ bắt đầu ưu tiên nhóm cổ phiếu an toàn và có dòng tiền ổn định”.
Trên thị trường tiền tệ, đô-la Úc đã giảm khoảng 0.4% so với Mỹ Kim, giao dịch quanh mức một đô-la Úc đổi được 66,50 xu Mỹ Kim, sau khi quyết định của RBA được công bố.
Giới giao dịch cho biết đồng Úc kim chịu áp lực, khi giới đầu tư nước ngoài giảm kỳ vọng về tiềm năng hạ lãi suất sớm, đồng thời bị ảnh hưởng gián tiếp từ biến động thương mại toàn cầu, do chính sách thuế mới của Hoa Kỳ.
Giới phân tích lưu ý rằng, mặc dù RBA không tăng lãi suất, nhưng với giọng điệu cứng rắn hơn trong thông cáo báo chí, đã khiến nhiều người tin rằng RBA vẫn đang ưu tiên kiềm chế lạm phát, hơn là thúc đẩy tăng trưởng.
Trong khi đó mặc dù phản ứng ban đầu có phần tiêu cực, thị trường nhìn chung không hoảng loạn và nhiều chuyên gia tin rằng, đây chỉ là một nhịp điều chỉnh kỹ thuật.
Julie Tran, chuyên gia chiến lược vĩ mô tại ngân hàng ANZ cho biết, “Các nhà đầu tư hiểu rằng, RBA không muốn vội vàng. Nhưng họ cũng đang chờ tín hiệu rõ ràng hơn, về đà lạm phát trong quý tới”.
Trong khi đó các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng tới tiếp tục hạ nhiệt, thì tiềm năng RBA hạ lãi suất trong tháng Chín vẫn còn bỏ ngỏ.
Tuy nhiên, trước những bất ổn đến từ cuộc chiến thương mại do Hoa Kỳ khơi mào, cùng với nhu cầu toàn cầu đang yếu, RBA có thể sẽ tiếp tục giữ thế thủ cho đến khi mọi dấu hiệu trở nên rõ ràng hơn.
(Theo SBS)