TJ Source: Supplied
Trong số 10 người Úc thì có khoảng 1 người mắc chứng rối loạn ăn uống Thế nhưng nhiều người không nhận thấy bản thân có vấn đề, vì cho rằng họ không thuộc nhóm liên quan đến chứng chán ăn hoặc chứng cuồng ăn. Một chiến dịch của Hiệp hội Butterfly đang khuyến khích người Úc - nhất là người có nguồn gốc di dân - nên tìm sự hỗ trợ điều trị chứng rối loạn ăn uống.
Phoebe đang hồi tưởng về những bữa tiệc lớn trong thời thơ ấu ở Singapore của cô, với các món ăn được bà ngoại chuẩn bị bằng tất cả tình yêu thương.
Nhưng cách đây không lâu, những suy nghĩ về bữa ăn gia đình đã gây ra cảm giác hoảng sợ ở cô gái 23 tuổi.
Trải qua gần mười năm ở Perth, Phoebe sống trong một chu kỳ dường như vô tận của chứng chán ăn và chứng cuồng ăn, hồi phục rồi lại tái phát.
Cô nói rằng cha mẹ cô luôn muốn biết chuyện gì đang xảy ra:
“Cha mẹ tôi lúc đó rất khổ tâm mà tôi thì không thể nói rõ cảm giác của mình cũng như những gì mà tôi trải qua, bởi vì cảm xúc là một thứ gì đó ít được bày tỏ trong văn hóa Singapore cũng như một số nước châu Á. Tôi không nghĩ là cha mẹ tôi biết nhiều về khái niệm rối loạn ăn uống. Tôi nhớ đến vẻ mặt thất vọng và bất lực của cha mẹ khi không thể giúp tôi.”
Gia đình Phoebe di dân đến Perth khi cô 9 tuổi và cô bắt đầu chế độ ăn kiêng từ năm 12 tuổi để có vóc dáng thon gọn phù hợp với bạn bè ở trường.
“Tôi cố gắng kết bạn và giữ được tình bạn. Tôi cũng rất nỗ lực để hòa nhập. Tôi thực sự cảm thấy mình chẳng có cảm giác thân thuộc với ai, cảm thấy như mình là người kỳ quặc.”
Khó hòa nhập ở một đất nước mới cũng là một trong những ký ức sớm nhất của T-J 26 tuổi. Anh từ Sri Lanka di cư đến Melbourne lúc mới lên năm.
“Hòa nhập là một điều khó khăn khi tôi đi học, khi tôi giao tiếp với người khác, đó là điều mà tôi cảm thấy hổ thẹn. Tôi chỉ muốn hòa nhập với các bạn của mình và nhận thấy rằng cách dễ nhất để làm điều đó là che giấu nguồn gốc Sri Lanka của mình.))
TJ bắt đầu lo lắng về ngoại hình của mình một lần nữa ở tuổi 17 khi bước vào trường đại học:
“Kết quả của sự lo lắng là tôi bắt đầu giảm cân, và ngoại hình của tôi cũng thay đổi khá nhiều.”
Mẹ và chị gái đã thuyết phục TJ nói chuyện với bác sĩ gia đình, và bác sĩ đã chẩn đoán chứng bệnh khiến anh cảm thấy bất ngờ.
“Đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy cụm từ “chán ăn tâm thần” trong một bối cảnh không phải là đang xem trên mạng hoặc trên truyền hình về chủ đề tập trung vào những phụ nữ trẻ. Tôi nghĩ rằng mình chẳng giống bất cứ ai được nhắc đến khi nói về những thứ như rối loạn ăn uống.”
“Hiệp hội Butterfly, đại diện cho những người mắc chứng rối loạn ăn uống, cho biết rất khó thay đổi định kiến cho rằng rối loạn ăn uống chỉ xảy ra với phụ nữ trẻ, da trắng, thuộc tầng lớp trung lưu. Ngay cả trong giới chuyên gia y tế cũng có định kiến này”.
Bà Amelia Trinick, một bác sĩ lâm sàng phụ trách Đường dây trợ giúp quốc gia của hiệp hội Butterfly cho biết:
“Trong số mười người Úc có khoảng một người mắc chứng rối loạn ăn uống trong đời sống, nhưng rất nhiều người trong số đó không nhận thấy bản thân gặp vấn đề, vì họ cho rằng mình không thuộc nhóm người mắc chứng bệnh đó. Vì vậy chỉ có một phần tư số người mắc chứng rối loạn ăn uống nhận được sự giúp đỡ tương xứng.”
Một trọng tâm của chiến dịch mới của Hiệp hội Butterfly mang tên Talking Helps, nhắm vào các cộng đồng di dân không nói tiếng Anh, nhằm khuyến khích khoảng một triệu người Úc đang sống chung với chứng rối loạn ăn uống tìm kiếm sự giúp đỡ.
Chiến dịch cung cấp thông tin bằng 23 ngôn ngữ và có dịch vụ phiên dịch trên đường dây trợ giúp miễn phí và bảo mật.
Phoebe và TJ đều là thành viên của chiến dịch mới này, và TJ nói rằng anh có thể phục hồi nhờ sự giúp đỡ của một chuyên gia y tế:
“Tôi chưa từng thấy bất cứ ai trông giống như tôi trong các chương trình trên TV hoặc trên các phương tiện truyền thông nói về sức khỏe tâm thần và chứng rối loạn ăn uống. Điều đó chẳng có gì đáng xấu hổ, việc nói lên sự thật sẽ giúp ích cho nhiều người.”