Người dân Úc tiếp tục chuỗi ngày giải cứu hàng trăm con cá voi mắc cạn ở bờ biển phía tây xa xôi của đảo Tasmania. Đây là vụ cá voi mắc cạn nghiêm trọng nhất lịch sử bang.

 

 

 

Theo Reuters,  các nhà khoa học của chính phủ, vào hôm 22/9,  ước tính 90 con /270 con cá voi hoa tiêu mắc cạn ở vùng nước nông đã chết kể từ khi vụ việc được báo cáo một ngày trước đó.

 

 

 

Cảnh quay từ trên cao cho thấy phần lớn cá voi mắc cạn nằm sấp trên bãi cát rộng ở cảng Macquarie, cách Hobart, thủ phủ bang, khoảng 200 km về phía tây bắc. Những con còn lại hấp hối ở vùng nước sâu hơn.

 

 

 

 

Khoảng 40 nhà khoa học, 20 cảnh sát, cùng người nuôi cá và các tình nguyện viên địa phương đã tham gia vào chiến dịch giải cứu. Các chuyên gia cho rằng đây là chiến dịch khó khăn nhất mà họ từng tham gia.

 

 

 

Trong khi điều kiện ẩm ướt, mát mẻ có lợi cho con cá voi, vùng biển động ở khu vực xa xôi, hẻo lánh lại cản trở nỗ lực giải cứu chúng. Kris Carlyon, nhà sinh vật học hoang dã ở địa phương, nói  “Thời tiết ở đó khá xấu đối với những người ở đất liền, nhưng là điều kiện lý tưởng với cá voi”.

 

 

 

 

Việc kéo chúng trở lại biển là một quá trình tốn nhiều công sức. Đội cứu hộ phải xoay chuyển nhiều cách khác nhau, có thể dùng sức đẩy chúng hay sử dụng bạt hoặc phao chuyên dụng. Các nhân viên cứu hộ phải đứng xung quanh, giữ cá voi thăng bằng để có để dễ dàng kéo nó lướt trên mặt nước.

 

 

 

Theo tờ The Guardian, đến sáng 23/9, một chiếc trực thăng tiếp tục phát hiện thêm 200 xác cá voi chết vì mắc cạn, nằm cách điểm cứu hộ ban đầu khoảng 10 km,. Nic Deka, Điều phối viên giải cứu kiêm Giám đốc khu vực của Dịch vụ Động vật Hoang dã, cho biết số cá voi chết sẽ còn gia tăng sau khi máy bay trực thăng cung cấp dữ liệu giám sát bằng tia hồng ngoại.

 

 

 

Theo nhận định của ông Carlyon, việc phát hiện thêm 200 xác cá voi hôm 23/9 khiến đây là vụ sinh vật biển mắc cạn nghiêm trọng nhất trong lịch sử của tiểu bang.

 

 

 

 

Chiến dịch giải cứu đã đưa 25 con cá voi trở về môi trường biển song có hai con quay lại vào bờ và tiếp tục bị mắc cạn. Ông Nic Deka cho biết  “Chúng tôi sẽ tập trung cứu hộ ở Fraser Flats vì những con cá ở gần đây có cơ hội sống sót cao nhất”.

 

 

 

Đội cứu hộ còn gắn chip theo dõi để giám sát những con cá voi mới được thả về biển. “Tôi thất vọng khi thấy vài con cá quay lại khu vực mắc cạn nhưng phần lớn cá voi đã quay về vùng nước sâu. Chúng tôi đã có một chút thành công”.

 

 

 

Cá voi hoa tiêu, loài cá sống ở đại dương có thể dài tới 7 m và nặng khoảng 3 tấn, thường di cư theo mùa dọc theo bờ biển Úc và New Zealand. Theo các nhà nghiên cứu, đàn cá voi thường đi theo một con cá đầu đàn.