Rượu vang Úc đang gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc. Nguồn: AAP
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói với các phóng viên tối thứ Ba rằng một số người Úc “có xu hướng coi sự phát triển của Trung Quốc là một mối đe dọa” và đây là “nguyên nhân sâu xa” của các vấn đề giữa hai nước.
Ông Triệu đã được hỏi về một số bình luận của Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham, rằng “quả bóng đang ở trong sân của Trung Quốc”, liên quan đến việc đàm phán các vấn đề thương mại.
Các bộ trưởng liên bang của Úc đã không thể liên lạc với người đồng cấp Trung Quốc qua điện thoại trong nhiều tháng, và Thượng nghị sĩ Birmingham đã kêu gọi các quan chức Trung Quốc nói chuyện trực tiếp với Chính phủ.
Ông Triệu nói “Những khó khăn nghiêm trọng mà mối quan hệ Trung Quốc-Úc đang phải đối mặt là điều mà Trung Quốc không hề mong muốn, và Trung Quốc không chịu trách nhiệm về tình trạng này”.
Trong bối cảnh chưa tìm ra giải pháp, nhiều công ty xuất cảng vốn bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Trung Quốc hiện đang tìm kiếm các thị trường thay thế, nơi họ có thể bán hàng hóa và dịch vụ của mình.
Những thị trường thay thế của Úc là gì?
Quặng sắt từ Úc được bốc dỡ xuống một bến cảng ở Trung Quốc. Nguồn: Getty
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao và Thương mại, Trung Quốc là thị trường xuất cảng lớn nhất và là đối tác thương mại song phương của Úc.
Đây là điểm đến của 32.6% hàng hóa và dịch vụ xuất cảng của Úc trong năm tài chính 2018-2019, mang lại doanh thu 134.7 tỷ đô-la – Nhật Bản là thị trường xuất cảng lớn thứ hai, chiếm 13.% thị phần và trị giá 59.1 tỷ đô-la.
Trong cùng thời gian đó, các thị trường hàng đầu khác của Úc, theo thứ tự giảm dần là Nam Hàn, Hoa Kỳ, Ấn Độ, New Zealand, Singapore, Đài Loan, Anh Quốc và Mã Lai, mỗi thị trường chiếm từ 2.5 đến 5.9% tổng sản phẩm xuất cảng của Úc.
Đây có thể là những thị trường thay thế tiềm năng cho hàng hóa Úc không thể nhập cảng Trung Quốc, cùng với các nước như Indonesia và Việt Nam.
Tuy nhiên, ông He-Ling Shi, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Monash, cho biết trong khi một số hàng hóa có thể được bán ở các thị trường khác, các ngành như giáo dục quốc tế sẽ gặp khó khăn hơn khi chuyển sang các nước khác ngoài Trung Quốc.
Ông nói với đài ABC: “Về lâu dài, Úc có thể tìm các nguồn thay thế để xuất cảng dịch vụ giáo dục của chúng ta, đặc biệt là sang một số nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Indonesia hoặc Malaysia”.
“Nhưng trong ngắn hạn, thành thật mà nói, rất khó để thay thế số lượng sinh viên Trung Quốc với quy mô lớn bằng một số nguồn khác.”
Và trong khi một số mặt hàng tiêu dùng có thể được chuyển sang các thị trường khác, lĩnh vực khai khoáng lại phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Ông nói “Úc có thể xuất cảng rượu vang sang các khu vực khác nhau, các nền kinh tế khác nhau như Đài Loan và Nhật Bản – [nhưng] nếu bạn nghĩ về quặng sắt, đó sẽ là một rắc rối lớn”.
Đây có phải là những thị trường phù hợp với Úc hay không?
Ngư dân đánh bắt tôm hùm ở tiểu bang Tây Úc. Nguồn: AAP
Ông James Laurenceson, Giám đốc Học viện Quan hệ Úc-Trung thuộc Đại học Kỹ thuật Sydney nói “GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 1.9%, Mỹ giảm 4.3%, Châu Âu giảm 8.3%, Ấn Độ – ứng viên thay thế Trung Quốc – giảm 10.3%, ngay cả ASEAN cũng giảm 3.4%,”
“Các doanh nghiệp Úc, chứ đừng nói đến Canberra, không thể lựa chọn sức mua toàn cầu đến từ đâu. Năm nay là một ví dụ điển hình về điều đó.”
Tiến sĩ Laurenceson cho biết mặc dù căng thẳng chính trị giữa Úc với Trung Quốc đã tăng vọt trong năm 2020, Úc vẫn bán được nhiều hàng xuất cảng sang Trung Quốc hơn bao giờ hết.
“Trong chín tháng đầu năm nay, 40.5% tổng xuất cảng hàng hóa của chúng ta là đến Trung Quốc, tăng so với mức 38% của năm ngoái,” ông nói, và cho biết thêm rằng chi phí liên quan đến việc chuyển sang các thị trường mới cũng là một vấn đề đáng lo ngại.
Lợi nhuận của các nhà xuất cảng có thể cũng sẽ bị suy giảm nếu họ bán cho các thị trường khác.
Tiến sĩ Laurenceson nói “Không chỉ đơn giản là tìm kiếm ai đó thích rượu vang Úc tại Việt Nam, bạn cần phải xây dựng hình ảnh thương hiệu, mạng lưới phân phối, v.v.”
“Nếu bạn là một người trồng lúa mì, triển vọng bán lúa mì của bạn trên toàn cầu, cho dù là cho Trung Quốc hay ai khác đều khá tốt – có khá nhiều người mua, và bạn có một sản phẩm khá phổ thông,”
“Nhưng điều đó sẽ trở nên khó khăn hơn khi bạn là một ngư dân đánh bắt tôm hùm, và Trung Quốc sẵn sàng trả nhiều hơn cho sản phẩm của bạn so với bất kỳ quốc gia nào khác.”
Liệu các thị trường khác có tốt hơn Trung Quốc về lâu dài?
Tiến sĩ Laurenceson nói rằng mặc dù việc Trung Quốc sử dụng các biện pháp chèn ép đối với doanh nghiệp Úc “hoàn toàn là một rủi ro thực sự”, ông không tin rằng các thị trường thay thế cung cấp một lựa chọn an toàn hơn.
Ông nói “Khi bạn đi vào các thị trường thay thế, có những loại rủi ro khác mà bạn phải đối đầu, chẳng hạn như Việt Nam – đó cũng là một nhà nước Cộng sản độc tài, độc đảng,”
“Ấn Độ là một thị trường có tinh thần dân tộc cao, và việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ rất kém.
“Trung Quốc mang lại rủi ro – đúng, những rủi ro đó đã tăng lên – nhưng điều đó so với các thị trường thay thế khác thì như thế nào?”
Tiến sĩ Laurenceson lập luận rằng các doanh nghiệp cần phải phát triển các chiến lược giảm thiểu rủi ro phức tạp hơn, thay vì “chỉ đơn giản là bán hàng ít hơn cho Trung Quốc”.
Còn ông He-Ling Shi thì nói rằng sự đa dạng hóa có thể có lợi cho Úc trong tương lai.
Ông nói “Có một quy tắc cơ bản trong tài chính: đừng bỏ tất cả trứng vào một giỏ,”
“Úc thực sự nên đa dạng hóa các đối tác kinh doanh của mình… về lâu dài, sự đa dạng hóa như vậy có thể làm cho nền kinh tế Úc có khả năng chống chọi tốt hơn với bất kỳ sự bất ổn nào về kinh tế hoặc chính trị quốc tế.”