Sarah Munchenberg mua lại một cơ sở làm đồ ăn vặt như trái cây sấy khô nhúng sô-cô-la. (ABC Rural: Eliza Berlage)
NAM ÚC - Khi Sarah Munchenberg học xong trung học, việc mua một cơ sở kinh doanh nhỏ không nằm ở đầu danh sách những việc cần làm của cô.
Nhưng cô gái 19 tuổi này, sống ở Riverland, tiểu bang Nam Úc, đã nhìn thấy cơ hội khi công ty bán thức ăn, nơicô đang làm việc, muốn bán đi.
Năm ngoái, cô đã mua lại cơ sở làm bánh Ausnat Fruits từ chủ sở hữu Anne Battams, người đã thành lập tiệm bánh này cách đây 30 năm.
Cô Munchenberg cho biết thật tuyệt khi tiếp nhận một tiệm bánh có danh tiếng vững vàng và đang có sẵn khách hàng.
Cô nói "Mọi người nghe nói tiệm bánh có người chủ mới, một người chủ trẻ tuổi và làm được nhiều việc nên được nhiều người ủng hộ.”
"Mọi người quan tâm đến những gì tôi đang làm, và bởi vì tôi đang làm thêm các món ăn mới và biến nó thành công thức của riêng mình.”
"Cho tới giờ thì mọi việc điều tuyệt vời,và tôi đang để thúc đẩy mọi việc tiến triển."
Cô Munchenberg cho biết cô hy vọng sẽ tiếp tục phục vụ những khách hàng trung thành đồng thời làm thêm các món ăn mới để thu hút khách hàng mới.
Cô nói: “Tất cả những món trái cây sấy khô và đóng hũ của chúng tôi sẽ vẫn được làm ra vì đó là món chính của cửa hàng mà mọi người yêu thích.”
Trái cây sấy khô sẽ vẫn là một trong những sản phẩm cốt lõi của cửa hàng. (ABC Rural: Eliza Berlage)
"Nhưng tôi muốn thêm một số món ăn mặn như thịt bò sấy khô.”
Cô Munchenberg cho biết cô cũng đang tìm hiểu thêm các món ăn cho người ăn chay trường, và những món ăn cho người khó dung nạp thực phẩm.
Cô nói "Tôi thực sự muốn có sản phẩm dành cho mọi lứa tuổi, và cả những người không thể dùng những thứ ví dụ như sữa.”
Một cơ sở làm ăn hiệu quả
Nhu cầu chế biến thực phẩm đòi hỏi cô Munchenberg phải mua hơn 700 ký-lô trái cây như cam mỗi năm, vì vậy việc duy trì mối quan hệ với những người trồng trọt ở địa phương là rất quan trọng.
Cô nói "Bà Battams đã có khá nhiều nhà cung cấp trong những năm qua và tất cả trái cây tôi mua đều từ nguồn đó.”
“Thật tuyệt vời khi tôi có thể mua trái cây những người mà bà ấy đã từng mua.”
"Tôi cũng đã tìm được một vài nhà cung cấp mới."
Cô Munchenberg làm việc để bảo đảm nguồn vốn với mong muốn mở rộng lĩnh vực kinh doanh của mình. (ABC Rural: Eliza Berlage)
Những mối hàng quen này là quan trọng sau khi các cơn bão đổ bộ vào khu vực vào cuối năm ngoái.
Cô Munchenberg nói: “Khi bị ảnh hưởng bởi các cơn bão, rất khó kiếm được trái mơ trong năm nay nhưng mọi người đã giúp tôi có được trái cây mà tôi cần, điều này thật tuyệt vời.”
Cô Munchenberg cho biết với việc một số cửa hàng mua sĩ tiếp tục muốn mua dự trữ sản phẩm, cô có thể tập trung vào việc xây dựng thương hiệu và phát triển nền tảng bán hàng trực tuyến của mình.
Cô nói "Tôi có các trương mục mạng xã hội mà tôi thường xuyên đăng các sản phẩm của mình, và, tôi cũng vừa mới ra mắt một trang mạng mới".
"Có thể bán hàng đi khắp nước Úc một cách dễ dàng như vậy thật là tuyệt vời."
Thực hiện những giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé
Thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong đại dịch COVID-19 đã tạo ra thách thức và cơ hội cho các nhà sản xuất nhỏ.
Tình huống đó đã khiến một số người xoay sở kiếm thêm thu nhập và bắt đầu mở ra việc kinh doanh giữa lúc nhiều người Úc nói rằng họ mua sắm tại địa phương nhiều hơn.
Nghiên cứu từ ngân hàng Commonwealth Bank vào năm 2021 cho thấy 85 phần trăm người Úc có ý định mua hàng từ các thương hiệu và doanh nghiệp địa phương để ủng hộ những cơ sở này hồi phục.
Về vấn đề này, một nghiên cứu chung giữa Đại học Adelaide và Đại học Nam Úc đang xem xét tương lai của sản xuất quy mô nhỏ tại địa phương để xem làm cách nào có thể hổ trợ cho các doanh nghiệp này.
Các cửa hàng trực tuyến nổi tiếng như Buy From the Bush và Etsy đã giúp những thợ thủ công tiếp cận nhiều người hơn. (Pexels)
Michelle Phillipov, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Đại học Adelaide cho biết sự hợp tác này có thể thực hiện được với sự tài trợ của Hội đồng Nghiên cứu Úc (Australian Research Council).
Tiến sĩ Phillipov cho biết: “Chúng tôi sẽ thực hiện kết hợp một cuộc khảo sát người tiêu dùng trên toàn quốc, và sau đó phỏng vấn các thợ thủ công.”
Bà cho biết nghiên cứu này cũng bao gồm một cuộc khảo sát trên các phương tiện truyền thông để giúp đơ thợ thủ công nào xuất hiện trong các câu chuyện.
Tiến sĩ Phillipov cho biết việc mở ra các động lực thúc đẩy nhu cầu hàng hóa địa phương cũng sẽ giúp cung cấp những sản phẩm này cho nhiều khách hàng hơn.
Bà nói "Hy vọng của chúng tôi là dữ liệu chúng tôi đưa ra sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp hiện tại trong việc duy trì tính cạnh tranh, và cho chúng tôi hiểu rõ hơn về các động cơ và rào cản của người tiêu dùng, cũng như hiểu rõ hơn về các mô hình sản xuất bền vững.”
"Chúng tôi cũng hy vọng rằng dữ liệu chúng tôi có được sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp mới, và đang hoạt động khi Úc chuyển qua giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 và sống chung với quá trình khôi phục sau đại dịch COVID-19."
Cô Munchenberg hy vọng các sản phẩm như kẹo sô-cô- la và giỏ lễ Phục sinh sẽ thu hút được trẻ em. (Cung cấp: Ausnat Fruits)
Mức giá cao của một số sản phẩm làm bằng thủ công thường được coi là khiến những người có thu nhập thấp không thể mua được.
Tiến sĩ Phillipov cho biết: “Chúng tôi biết rằng các lĩnh vực sản xuất quy mô nhỏ thường hướng tới các thị trường tiêu dùng nhỏ hẹp giới trung lưu.”
"Vì vậy, ngoài việc xem xét các chiến lược phù hợp với các cơ sở sản xuất bằng thủ công, chúng tôi cũng đang tìm hiểu để hiểu rõ hơn về cách các mô hình sản xuất bền vững có thể làm cho hàng hóa địa phương trở nên dễ mua hơn cho nhiều nhóm người tiêu dùng khác nhau."
Cô Munchenberg nói rằng đó là một thử thách mà cô hy vọng sẽ vượt qua được.
Cô nói "Hầu hết mọi thứ thực sự có giá cao hơn một chút so với những gì bạn mua được trong siêu thị, bởi vì một mình tôi làm ra mọi thứ, và tôi tự tay làm ra mọi thứ".
"Nhưng tôi rất muốn có thể mở rộng đủ sao cho tôi có thể có những sản phẩm có giá thấp hơn và mọi người có thể mua được."