Hình ảnh một người lính cứu hỏa. Nguồn: AAP / AAP / SDIS 33

 

AUSTRALIA - Dữ liệu mới do Hội hồng thập tự Úc công bố cho thấy người dân ngày càng lo ngại về sự gia tăng của thiên tai và tình trạng khẩn cấp nhưng lại không chủ động thực hiện các bước chuẩn bị.

 

 

Người dân Úc ý thức về tình trạng khẩn cấp

Nghiên cứu được thực hiện thay mặt cho Hội Chữ Thập Đỏ Úc cho thấy người Úc đang chuẩn bị ứng phó với tình trạng thiên tai và tình trạng khẩn cấp gia tăng. 
 

Bà Penny Harrison, là Tham mưu trưởng Hội Chữ Thập Đỏ Úc, nói "Những gì chúng tôi thấy đặc biệt trong 5 năm qua là nhận thức của cộng đồng Úc đã tăng lên đáng kể về các tác động, bao gồm sóng nhiệt từ cháy rừng, lũ lụt hoặc mất điện trên diện rộng.”

“Ngày càng có nhiều người trong cộng đồng Úc hiểu rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, điều này dẫn đến kỳ vọng ngày càng cao mà chúng tôi đã thấy trong nghiên cứu trong 5 năm qua."

 

Dữ liệu thu thập được cho thấy 58% người dân dự kiến bị ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng trong tháng tới, con số này cao hơn gấp đôi so với 5 năm trước.

 

Tỷ lệ người dân lo ngại về cháy rừng và lũ lụt cũng tăng lên rõ rệt trong 5 năm qua.

 

Bà Harrison cho biết kỳ vọng ngày càng tăng này liên quan trực tiếp đến cường độ cùng tần suất xảy ra các thảm họa và trường hợp khẩn cấp.

"Chắc chắn, nếu nhìn lại 5 năm qua, chúng ta thấy các cộng đồng trên khắp đất nước, mọi tiểu bang và vùng lãnh thổ đều bị ảnh hưởng bởi các thảm họa lớn và các thảm họa quy mô nhỏ hơn.”

“Trên thực tế, một số thành viên cộng đồng ở phía bắc và miền nam Queensland bị ảnh hưởng bởi cháy rừng, sau đó là COVID, rồi lũ lụt.”

“Chúng tôi tin rằng ngày càng có nhiều hiểu biết hơn về những rủi ro và mối nguy hiểm tại địa phương, có lẽ xuất phát từ việc nhiều người bị ảnh hưởng bởi những sự kiện này.”

 

Nhưng...người Úc lại chờ 'nước đến chân mới chạy'

Mặc dù nghiên cứu cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng nhưng cũng chỉ ra người Úc không thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết.

 

"Nghiên cứu năm nay thực sự cho thấy chỉ 10% người Úc tích cực thực hiện bước quan trọng đầu tiên để sẵn sàng hoặc đưa ra kế hoạch chuẩn bị trước thách thức với tư cách là một cộng đồng."

 

Khi thảm họa xảy ra, việc không chuẩn bị sẽ gây ra những tác động to lớn và tàn khốc.

 

Ủy viên Sở cứu hỏa vùng nông thôn New South Wales Rob Rogers cho biết trong trường hợp cháy rừng, việc không chuẩn bị sẽ cản trở khả năng phán đoán và hành động an toàn.

"Chúng tôi chứng kiến những người nói rằng họ sẽ ở lại và bảo vệ ngôi nhà của mình, họ chưa thực sự chuẩn bị gì cho ngôi nhà của mình cả. Rồi đột nhiên khi ngọn lửa gần như thiêu rụi, thì họ quyết tâm đổi ý nhưng lại rời khỏi quá muộn.”

 

Trong quá khứ, chúng ta từng thấy những người bị mắc kẹt trên đường vì họ rời đi quá muộn, sau đó con đường bị cắt đứt do ảnh hưởng bởi hỏa hoạn.

 

Thật không may, điều đó có thể gây ra hậu quả chết người và từng xảy ra trong quá khứ. Nếu bạn không lập kế hoạch thì bạn biết rằng bạn có khả năng đưa ra những quyết định thực sự tồi tệ."

 

Ông Rogers cho biết việc dành thời gian để lập kế hoạch sẽ giúp ích rất nhiều khi đối mặt với trường hợp khẩn cấp.

"Nếu bạn nỗ lực trước một chút, bạn viết ra một điều gì đó, thì ngay cả khi tinh thần bạn không ở trạng thái tốt, bạn bị căng thẳng và hoảng sợ, thì chỉ cần làm theo kế hoạch đó.”

“Nó sẽ đưa bạn đến một quy trình hợp lý và rõ ràng có thể tạo ra sự khác biệt lớn, đảm bảo rằng bạn đưa ra quyết định đúng đắn cho tài sản của bạn và bạn có cơ hội sống sót cao nhất."

 

Bên cạnh việc gây ra nguy cơ về sức khỏe của một người, việc thiếu chuẩn bị còn gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt cảm xúc.

 

Bà Jocelyn Galvez là viên chức cấp cao về Dịch vụ Khẩn cấp tại Hội Chữ thập đỏ Úc.

 

Bà Galvez đã làm việc với nhóm chuẩn bị và ứng phó thảm họa của Hội Chữ thập đỏ trong 5 năm, hỗ trợ cộng đồng ứng phó với lũ lụt, cháy rừng và lốc xoáy lớn.

 

Bà đã trực tiếp trải nghiệm tác động tinh thần to lớn mà việc thiếu chuẩn bị có thể gây ra cho các cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thảm họa.

"Những ký ức mà bạn có được trong những giây phút đó là căng thẳng tột độ. Đối với những người không chuẩn bị trước, đó thực sự là cảm giác bất lực và hỗn loạn."

 

Bà Harrison cho biết nghiên cứu do Hội Chữ thập đỏ thực hiện cũng liên kết giữa tác động cảm xúc với việc thiếu chuẩn bị.

“Kinh nghiệm của Hội Chữ Thập Đỏ Úc cho thấy thực sự có mối tương quan chặt chẽ giữa tác động về mặt cảm xúc với mức độ chuẩn bị, những người ít chuẩn bị hơn sẽ khó đối phó hơn và đặc biệt khó phục hồi hơn.”

"Ngược lại chúng tôi biết thực hiện việc xây dựng một kế hoạch và suy nghĩ xem kế hoạch đó có ý nghĩa gì đối với bản thân bạn, cho dù là cá nhân hay một ngôi nhà, mang lại kết quả khả quan hơn."

 

Bà nói rằng việc xây dựng khả năng phục hồi và chuẩn bị về mặt cảm xúc phải là một phần quan trọng trong kế hoạch ứng phó với thảm họa của một người.

 

Hội Chữ thập đỏ tuần này đã phát hành một ứng dụng 'Chuẩn bị sẵn sàng- Get Prepared', tập hợp một bộ hành động dễ thực hiện để giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng lên kế hoạch cho các trường hợp khẩn cấp.

 

Những hướng dẫn đơn giản để chuẩn bị ứng phó thảm họa cũng đã được xuất bản bằng sáu thứ tiếng trên trang web của Hội Chữ Thập Đỏ.

 

Bà Harrison cho biết việc được cung cấp thông tin và lập kế hoạch thực tế là điều tốt nhất mà một người có thể làm để bảo vệ bản thân khỏi bị tổn hại về thể chất và tinh thần.