Quảng cáo đồ ăn vặt có thể biến mất khỏi các nền tảng giải trí dành cho trẻ em ở Úc trong nỗ lực dập tắt bệnh béo phì ở trẻ em. Nguồn: AAP / Dave Hunt
AUSTRALIA - Nghị sĩ độc lập Sophie Scamps sẽ giới thiệu dự luật cấm quảng cáo thực phẩm không tốt cho sức khỏe từ 6 giờ sáng đến 9 giờ 30 tối trên các chương trình phát thanh và truyền hình.
Quảng cáo đồ ăn vặt có thể biến mất khỏi các chương trình giải trí trên mọi thiết bị dành cho trẻ em ở Úc trong nỗ lực dập tắt bệnh béo phì ở trẻ em.
Tiếp thị thực phẩm không tốt cho sức khỏe sẽ bị cấm từ 6 giờ sáng đến 9 giờ 30 tối trên các chương trình phát thanh và truyền hình, trong khi quảng cáo trên mạng xã hội và các trang mạng trực tuyến sẽ bị cấm hoàn toàn, theo dự luật đề xuất nghị sĩ độc lập Sophie Scamps trình nghị viện vào thứ Hai.
Tuy nhiên, quảng cáo in hoặc quảng cáo ngoài trời, tiếp thị như một phần của hoạt động tài trợ thể thao và nội dung các công ty thực phẩm và đồ uống đăng tải trên các kênh riêng của họ sẽ không bị ảnh hưởng.
Tiến sĩ Scamps cho biết "Trẻ em của chúng ta tiếp xúc với hơn 800 quảng cáo đồ ăn vặt trên TV mỗi năm và có mối liên hệ trực tiếp giữa những quảng cáo đó và bệnh béo phì ở trẻ em".
Ước tính, chứng béo phì tiêu tốn của hệ thống y tế 11,8 tỷ đô la mỗi năm với một phần tư trẻ em trên con đường dẫn đến bệnh mãn tính do thừa cân.
Cựu bác sĩ đa khoa và vận động viên cho rằng những hạn chế hiện tại không đủ mạnh và cơ chế tự điều chỉnh không hiệu quả.
Bà nói "Nếu chúng ta tiếp tục đứng nhìn trong khi trẻ em bị mê hoặc bởi quảng cáo đồ ăn vặt trên mạng xã hội và trên TV, thì chúng ta đang thất bại."
Các đài truyền hình, nhà cung cấp dịch vụ và công ty thực phẩm có thể bị phạt nặng nếu không tuân thủ các hướng dẫn được đề xuất.
Dự luật nhận được sự ủng hộ của nghị sĩ đồng nghiệp và cựu bác sĩ nhi khoa Monique Ryan cũng như một loạt các hiệp hội y tế và sức khỏe.
Jane Martin, giám đốc điều hành của Liên minh thực phẩm cho sức khỏe Food for Health Alliance cho biết, điều chỉnh hoạt động tiếp thị thực phẩm không tốt cho sức khỏe là bước quan trọng đầu tiên trên con đường bảo vệ tương lai của trẻ em.
"Con cái của chúng ta xứng đáng có một tương lai khỏe mạnh hơn, không phải chịu sự tấn công liên tục của việc tiếp thị đồ ăn vặt."
Giáo sư Nitin Kapur, từ trường Bác sĩ Hoàng gia Royal College of Physicians, kêu gọi chính phủ can thiệp vì sức khỏe của con em chúng ta.
Giáo sư Kapur cho biết "Trẻ em tiếp xúc với hoạt động tiếp thị mang tính săn mồi của đồ ăn vặt và đồ uống có đường trên nhiều phương tiện."
Các cuộc trò chuyện với chính phủ mang lại sự khích lệ cho Tiến sĩ Scamps và bà tin rằng có một mong muốn thay đổi.
Khoảng 40 quốc gia đã hoặc đang có kế hoạch điều chỉnh quảng cáo đồ ăn vặt bao gồm Vương quốc Anh, Nam Hàn, Na Uy và Chile.