Hình ảnh một con ve Varroa sống ký sinh trên một nhộng ong. Nguồn : AAP
AUSTRALIA - Theo ngành kỹ nghệ nuôi ong mật, hàng trăm tổ ong xung quanh Newcastle ở New South Wales sẽ bị phá hủy trong những ngày tới để ngăn chặn một kẻ xâm lược chết người. Một lệnh khẩn cấp vẫn được áp dụng nhằm cấm ong di chuyển trong tiểu bang sau khi loài ve sống ký sinh varroa được tìm thấy tại tổ ong gần Cảng Newcastle vào tuần trước.
Sau hai năm sống qua đại dịch, việc nghe thấy các thuật ngữ như phong tỏa, truy vết và đóng cửa nhanh có thể phần nào gây khó chịu.
Nhưng lần này chúng được sử dụng để mô tả phản ứng đối với một loại ký sinh trùng xâm nhập vào Úc.
Kẻ hủy diệt Varroa, thường được gọi là varroa mite, phát tán một loại vi rút làm tê liệt khả năng bay, thu thập thức ăn và thụ phấn của ong.
Nó được tìm thấy lần đầu tiên trong một tổ ong ở Cảng Newcastle vào thứ Tư tuần trước, cũng như tại trang trại của một người nuôi ong thương mại gần đó.
Các tổ ong nằm trong số sáu tổ được sử dụng để giám sát an toàn sinh học tại cảng.
Các cuộc điều tra sâu hơn về loài ve ký sinh sau đó đã được thực hiện vào cuối tuần, với các tổ ong cách cảng trong vòng 10 km, dẫn đến việc các viên chức an toàn sinh học áp đặt một lệnh cấm nghiêm ngặt đối với việc di chuyển của ong và tổ ong trên khắp New South Wales.
Hàng trăm tổ ong xung quanh Newcastle sẽ bị tiêu diệt trong những ngày tới.
Bộ trưởng Nông nghiệp tiểu bang Dugald Saunders cho biết nguồn gốc của đợt bùng phát này không rõ ràng.
"Đó là điều mà chúng tôi sẽ điều tra trong những ngày tới, tuần tới và có thể vài tháng tới để xác định chính xác loài ký sinh varroa đến từ đâu. Cuối cùng thì, ký sinh trùng này đến từ đâu không quan trọng bằng việc nó có thể đi đến đâu.
Đó là nơi cần thiết phải thực thi việc phong tỏa, vì chúng tôi lo ngại khả năng lây lan của varroa trên toàn tiểu bang. Vì vậy, việc thực sự trọng tâm lúc này là chắc chắn rằng nó không đi xa hơn, chúng tôi đang dựa vào những người nuôi ong để kinh hoanh và giải trí như một phần của giải pháp đó."
Ký sinh trùng varroa chủ yếu kiếm ăn và sinh sản trên ấu trùng và nhộng ong mật, dẫn đến dị tật và thường truyền nhiều loại virus.
Tại Hoa Kỳ, khoảng 30% tổ ong thương mại đã bị biến mất sau sự xâm nhập của loài ve ký sinh varroa.
Ở New Zealand, 90% đàn ong hoang dã đã biến mất vì bọ ve không được quản lý.
Úc là lục địa cuối cùng không còn ký sinh trùng, sau những lần phát hiện trước đó ở Queensland và Victoria, loài ký sinh này đã bị tiêu diệt.
Chủ tịch Hiệp hội Nông dân New South Wales, James Jackson, nói rằng điều này mang lại lợi thế cho Úc trong việc chống lại ký sinh varroa.
"Nó mang lại cho chúng tôi lợi thế cạnh tranh hợp lý về mặt quản lý đàn ong và nỗ lực thụ phấn đó. Do đó, chi phí sẽ tăng lên đáng kể nếu bạn nuôi ong với sự xuất hiện varroa, những quốc gia khác đã dung nạp ve varroa trở thành loài đặc hữu.”
“Vì vậy, họ phải có một chi phí đáng kể trong việc duy trì ngành kỹ nghệ sản xuất mật ong. Đây là một trường hợp khác mà việc quản lý dịch bệnh của chúng ta thực sự mang lại thực phẩm rẻ hơn, sản phẩm xanh hơn, sạch hơn bởi vì chúng ta không sử dụng các phương pháp hóa chất để kiểm soát chúng."
Nếu một đợt bùng phát ve varroa trở nên phổ biến, nó sẽ có tác động tàn phá đối với toàn bộ ngành nông nghiệp của Úc, không chỉ đối với ngành công nghiệp mật ong trị giá 70 triệu đô la.
Hạnh nhân, các loài quả mọng, táo và bơ là một số trong số 35 ngành nông nghiệp phụ thuộc vào ong để thụ phấn.
James Jackson giải thích trách nhiệm rộng lớn hơn mà loài ong có đối với một số ngành công nghiệp chính.
"Chúng phục vụ một phần rất quan trọng trong hoạt động thụ phấn của một số loại cây trồng làm vườn của chúng ta. Ví dụ, ngành công nghiệp hạnh nhân sử dụng khoảng 240.000 tổ ong mỗi năm để thụ phấn cho cây hạnh nhân.”
“Hiện nay vụ mùa hạnh nhân có giá trị cao hơn nhiều so với vụ mật ong. Và nếu chúng ta không có đủ ong, sản lượng của cây hạnh nhân sẽ bị ảnh hưởng, không có cách khác để giải quyết vấn đề này.”
“Các loài côn trùng khác có thể thụ phấn cho hạnh nhân, bơ và những loại cây trồng khác, nhưng chúng không hiệu quả bằng ong mật, và điều đó sẽ có hậu quả đối với nền kinh tế rộng lớn hơn. Vì vậy tác động của điều này sẽ rất đáng kể."
Người ta hy vọng rằng việc phong tỏa đàn ong hiện tại sẽ cho phép ngành công nghiệp bắt kịp tình hình trước khi giai đoạn thụ phấn của hạnh nhân và việt quất đang đến rất nhanh.
Người ta cũng hy vọng rằng ký sinh trùng đã được kiểm soát một cách hiệu quả ở New South Wales, một vấn đề mà Bộ trưởng Saunders cho biết ông đã liên hệ với người đồng cấp Liên bang mới được bầu của mình, Murray Watt.
"Ở giai đoạn này, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy điều đó đã xảy ra, nhưng tôi đã có cuộc thảo luận đầu tiên với tân tổng trưởng Nông nghiệp Liên bang, Murray Watt, một cuộc thảo luận thực sự hiệu quả. Chúng tôi sẽ gặp lại trong thời gian ngắn để tiếp tục các cuộc thảo luận đó, bởi vì đây không chỉ là vấn đề của NSW.”
“Nếu trên thực tế ký sinh varroa là mối quan ngại, nó sẽ là mối quan tâm của tất cả các tiểu bang khác và rõ ràng là của cả đất nước. Vì vậy, chúng tôi đã có cuộc thảo luận đầu tiên về việc này, chính phủ Liên bang có thể sẽ cần phải tham gia vào việc cung cấp một số hỗ trợ trở lại cho ngành công nghiệp. Tôi nghĩ rằng các Bộ trưởng và Thủ hiến của các tiểu bang khác phải nhận thức được tình hình này".
Bộ trưởng tiểu bang cũng xác nhận rằng một phần cuộc thảo luận của ông với Tổng trưởng Nông nghiệp Liên bang bao gồm hỗ trợ tài chính cho những người nuôi ong ở New South Wales.
“Tôi hy vọng rằng Chính phủ Liên bang sẽ vào cuộc và chắc chắn có một kế hoạch bồi thường.”
"Tôi không chắc chính xác nó trông như thế nào, nhưng chắc chắn sẽ có hỗ trợ tài chính, tôi chỉ không chắc chính xác điều đó như thế nào vào lúc này."
James Jackson từ Hiệp hội Nông dân cho biết đợt bùng phát mới nhất này là một lời nhắc nhở kịp thời sau khi ngân sách tiểu bang vào tuần trước cần tăng chi tiêu an toàn sinh học cần thiết.
"Thực tế là Nông dân New South Wales chúng tôi đã tích cực vận động để có thêm 38 triệu đô la trong ngân sách NSW, ngân sách về an toàn sinh học.
Tôi nghĩ nó biện minh cho thực tế rằng chúng tôi cần một chi tiêu cho an toàn sinh học thông minh hơn về mặt xây dựng năng lực ứng phó, giám sát, năng lực chẩn đoán, truy tìm nguồn gốc.
Tất cả các khía cạnh này của an toàn sinh học đều xây dựng năng lực để đảm bảo rằng chúng ta có thể giữ cho ngành nông nghiệp của mình không mắc một số căn bệnh."
Một tuyên bố từ Hiệp hội Apiarist của New South Wales cho biết những người nuôi ong trên toàn tiểu bang đã được kêu gọi để bảo vệ ngành công nghiệp của họ.
Trong khu vực an toàn sinh học hiện tại, không thể di chuyển tổ ong nào và người nuôi ong phải thông báo cho Bộ Công nghiệp chính của tiểu bang về vị trí hiện tại của tất cả các tổ ong.
Các kế hoạch diệt trừ bao gồm xử lý các tổ ong trong khu vực khẩn cấp 10 km xung quanh nơi xâm nhập và kiểm tra tất cả các đàn ong trong khu vực giám sát 25 km.