ẢNH: Brian Croser kêu gọi các nhà sản xuất rượu vang ở các khu vực bị ảnh hưởng khói đừng vứt bỏ nho của họ. (ABC News: Rebecca Puddy)

 

Nhiều nhà sản xuất rượu vang ở Úc đang kêu gọi người trồng nho ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi khói cháy rừng trên khắp đất nước đừng vứt bỏ nho của họ, và cam kết sẽ sản xuất một loại rượu vang tuyệt vời trên hầu hết các khu vực.

 

Ông Brian Croser, chủ hãng rượu Adelaide Hills ở tiểu bang Nam Úc, tuyên bố trong năm cháy rừng các nhà máy sản xuất rượu vang vẫn có thể sản xuất một loại rượu vang ngon có hương vị khói dễ chịu ,giống như ở rượu whisky mạch nha đơn cất, được nhiều người ưa thích.

Ông Croser cho biết các nhà sản xuất rượu vang vẫn thường sử dụng thùng rượu cháy để tạo ra hương vị khói cho rượu, nhưng có thể sẽ có nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng mùa cháy rừng năm nay hóa ra là một năm thực sự tốt cho hầu hết các vùng sản xuất rượu vang ở Úc.

Theo ông Croser, nho ở một số trang trại không thể sử dụng được để sản xuất rượu vì sẽ cho mùi khói mạnh giống như mùi gạt tàn thuốc lá, nhưng đại đa số các trang trại có thể thu hoạch nho để làm rượu.

Ông Croser cho rằng không có mối liên hệ nào giữa kết quả xét nghiệm vị khói trong phòng thí nghiệm và chất lượng của sản phẩm rượu vang. Theo ông, vẫn còn rất nhiều điều để tìm hiểu và khám phá, và chỉ sau các nhà làm rượu nghiền các trái nho bị ám khói ra để làm rượu thì mới đánh giá được chất lượng của rượu năm nay.

Nhà sản xuất rượu vang Samuel J Smith thậm chí đã đề nghị mua lại từ người trồng nho những trái nho bị ám khói theo đúng giá thị trường.

Ông Smith nói vài năm trước đây ông đã tìm cách tạo ra vị khói (guaiacol) cho rượu vang bằng cách đốt một số loại gỗ cứng của Mỹ, ví dụ như gỗ anh đào, phong và táo, để hun khói các chùm nho, và từ đó tạo ra một thị trường ngách cho các loại rượu vang có mùi khói.

Theo ông Smith, rượu vang được làm từ trái cây ám khói có thể được pha trộn với các loại rượu khác để làm mềm đi vị khói của nó.

Thung lũng Hunter ở tiểu bang New South Wales, vùng sản xuất rượu vang lâu đời rất nổi tiếng ở Úc đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi các vụ cháy rừng trong thời gian vừa qua, khi các nhà máy sản xuất rượu vang ở đây đang phải đối mặt với ảnh hưởng của khói đối với các trang trại nho của họ đang vào mùa thu hoạch.

Tháng trước, Tyrrell's, một trong những nhà sản xuất rượu lớn nhất trong vùng, tuyên bố công ty sẽ không thu hoạch phần lớn các vườn nho của mình, khiến lượng nho thu hoạch của công ty giảm 80% so với mức bình thường.

Trong khi đó, một nhà sản xuất rượu vang khác là Tulloch đã thu hoạch hai tấn nho shiraz trong tổng số 50 tấn ở trang trại nho để lên men thử nghiệm và hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của khói cháy rừng tới trái nho và chất lượng rượu.

Giám đốc điều hành Christina Tulloch cho rằng năm nay tạo ra một cơ hội cho các nhà làm rượu để thử nghiệm, khám phá và đổi mới nhằm tạo ra sự khác biệt trong phong cách rượu vang và nhận biết một thị hiếu mới của người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia về sản xuất rượu vang, thủ phạm chính của vị khói là các hợp chất phenol dễ bay hơi, có mùi mạnh, được tạo ra khi gỗ bị cháy, được nho hấp thụ và liên kết với đường trong nho. Chỉ đến khi lên men, các hợp chất này mới trở nên rõ ràng trong rượu vang, "giải phóng" ra nhiều hương vị khó chịu, từ mùi mỡ thịt xông khói đến mùi gạt tàn thuốc lá. Những hương vị này có thể được cảm nhận rõ khi người uống nhấp ngụm rượu đầu tiên.

Sử dụng phân tích trong phòng thí nghiệm và lên men một mẻ nhỏ, người trồng nho và nhà sản xuất rượu vang có thể biết liệu nho của họ có bị ám khói hay không, và vị khói này xuất hiện như thế nào trong sản phẩm cuối cùng. Điều này giúp người trồng nho xác định xem có nên thu hoạch nho hay không.