Người gìn giữ văn hóa truyền thống Murujuga, bà Raelene Cooper, phát biểu trước truyền thông bên ngoài Tòa án Liên bang Úc tại Sydney, vào thứ Sáu, ngày 6 tháng Sáu năm 2025. Nguồn Ảnh: AAP/Dan Himbrechts. Nguồn: AAP / DAN HIMBRECHTS/AAPIMAGE

 

Một bộ sưu tập nghệ thuật khắc đá cổ xưa của người bản địa tại vùng Pilbara, Tây Úc, vừa được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Các chủ sở hữu truyền thống của vùng đất đã đến Paris để chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này, khi các quốc gia thành viên nhất trí bỏ phiếu đưa Cảnh quan Văn hóa Murujuga vào danh sách Di sản. Những hình khắc cổ tại đây còn có niên đại lâu đời hơn bất kỳ hiện vật nào từng được tìm thấy ở Ai Cập cổ đại hay Đế chế La Mã.

 

Giữa những đồi đá đỏ ở Murujuga thuộc vùng Pilbara của Tây Úc là hàng triệu bức khắc đá cổ xưa.

 

Một số hình khắc có niên đại lên tới 50.000 năm, cổ hơn cả công trình Stonehenge hay Kim tự tháp Giza.

 

Những bức chạm khắc cổ xưa này bao gồm hình ảnh khuôn mặt người lâu đời nhất được biết đến, cùng với các hình khắc về thực vật và động vật – một số loài hiện đã tuyệt chủng.

 

Người bản địa sở hữu vùng đất này đã đấu tranh suốt nhiều năm để bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật – và nay, nỗ lực đó đã được đền đáp khi UNESCO chánh thức công nhận Murujuga là Di sản Thế giới tại Paris.

 

"Vì vậy, tôi xin tuyên bố quyết định 47-8B.13 được thông qua như đã sửa đổi. "

 

UNESCO cho biết quyết định này công nhận nơi đây là “kiệt tác sáng tạo của nhân loại”, là bằng chứng độc đáo cho một truyền thống văn hóa, và là ví dụ nổi bật về một khu định cư văn hóa hoặc nhân loại có sự tương tác với môi trường sống.

 

Ông Peter Hicks, Chủ tịch Tổ chức Người bản địa Murujuga (Murujuga Aboriginal Corporation - MAC), đã đến Paris để chứng kiến khoảnh khắc trọng đại này.

Ông Peter Hicks nói, “Việc được ghi tên vào lịch sử là một thành quả to lớn đối với chúng tôi – những người bản địa. Đây là đề cử do người bản địa khởi xướng, dành cho người bản địa, và được dẫn dắt bởi người bản địa. Điều đó làm nên lần đầu tiên có một đề cử như vậy trên thế giới.”

 

Ông Peter Jeffries, cũng thuộc tổ chức Murujuga Aboriginal Corporation (MAC), đơn vị dẫn đầu chiến dịch này, cho biết đây là kết quả của nhiều năm nỗ lực.

 

"Chiến dịch đã được tiến hành từ hai đến ba thập niên, và rất nhiều bậc trưởng lão của chúng tôi đã không còn nữa. Vì vậy, đây cũng là sự công nhận dành cho sự ủng hộ của họ."

 

Mặc dù chiến dịch của MAC kéo dài nhiều thập kỷ, nhưng mãi đến năm 2023, Chánh phủ Úc mới chánh thức đề cử Cảnh quan Văn hóa Murujuga vào danh sách Di sản Thế giới.

 

Hồ sơ đề cử của Úc bị trả lại vào tháng Năm, sau khi UNESCO đề nghị chánh quyền tiểu bang và liên bang cần làm nhiều hơn để giải quyết lo ngại rằng khí thải axit từ dự án khí đốt gần đó của Woodside đang làm hư hại các hình khắc đá.

 

Bán đảo ở phía tây bắc Tây Úc, gần Karratha, là nơi tọa lạc của hai nhà máy khí đốt, một nhà máy phân bón, cùng với các cơ sở xuất cảng quặng sắt và muối.

 

Bộ trưởng Môi trường, Thượng nghị sĩ Murray Watt, lập luận rằng những cáo buộc về khí thải là không chính xác, dựa trên báo cáo của khoảng 50 khoa học gia cho thấy không có nguy cơ lâu dài nào đối với các hình khắc.

 

"Cuối cùng, điều thuyết phục được ủy ban chính là bằng chứng khoa học được trình bày, điều này bác bỏ một số cáo buộc, cùng với niềm đam mê chân thành của các chủ sở hữu truyền thống muốn bảo vệ di sản thế giới này."

 

Bộ trưởng cũng có mặt tại Paris trong buổi công bố và tuyên bố chánh phủ cam kết bảo vệ địa điểm này cho cả thế hệ hiện tại và tương lai.

 

"Thay mặt Chánh phủ Úc, tôi rất vinh dự được chấp nhận quyết định ghi danh này. Úc vô cùng vui mừng trước quyết định của ủy ban khi đưa Cảnh quan Văn hóa Murujuga vào danh sách Di sản Thế giới.

Đây là một đề cử do người bản địa dẫn dắt, và chiến thắng này thuộc về người Ngarda-Ngarli – những chủ sở hữu truyền thống và người bảo tồn Murujuga, với tri thức sâu sắc, vai trò lãnh đạo văn hóa, và mối liên kết bền chặt với đất đai, vốn là cốt lõi của đề cử này."

 

Tuy nhiên, những lo ngại về tác động lâu dài của ô nhiễm đối với nghệ thuật khắc đá vẫn chưa được giải quyết dứt điểm dù đã được công nhận là Di sản Thế giới.

 

Giám đốc điều hành của Quỹ Bảo tồn Úc, bà Kelly O'Shanassy, cho biết thế giới đang theo dõi chặt chẽ Murujuga và đã kêu gọi Bộ trưởng Môi sinh liên bang bác bỏ đề nghị gia hạn dự án khí đốt của Woodside.

 

Các điều kiện liên quan đến khí thải từ nhà máy vẫn đang được thương lượng.

 

Và dù 21 quốc gia thành viên đều nhất trí thông qua việc công nhận Murujuga, họ cũng yêu cầu Úc tiếp tục nghiên cứu tác động của các ngành công nghiệp lân cận đối với nghệ thuật khắc đá và báo cáo cho Liên Hiệp Quốc vào năm tới

 

Một người phát ngôn của Woodside đã phản hồi trong tuyên bố gửi SBS:

“Chúng tôi tự hào là bên ủng hộ quá trình đề cử và đánh giá Di sản Thế giới, và mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Người bản địa Murujuga và các chủ sở hữu truyền thống trong việc bảo tồn và quản lý khu vực có ý nghĩa toàn cầu này.”

 

Tuy nhiên, bà Raelene Cooper, một phụ nữ gốc Mardathoonera và là người gìn giữ văn hóa truyền thống Murujuga, cho rằng văn hóa và công nghiệp không thể cùng tồn tại, và bà vẫn lo ngại về tác động lâu dài của khí thải đối với nghệ thuật khắc đá.
 

Ông Peter Hicks khẳng định người Ngarda-Ngarli sẽ tiếp tục nỗ lực bảo vệ di sản này.
 

"Hôm nay, chúng tôi tạo nên những câu chuyện của chính mình trên đá – nhưng bằng sự quan tâm và bảo vệ văn hóa như tổ tiên của chúng tôi đã làm suốt năm mươi nghìn năm qua."

 

 

 

(Theo SBS)