(Ảnh: AP)

 

AUSTRALIA - nhà chức trách cho biết, phần lớn trong số 230 con cá voi bị mắc cạn trên bờ biển phía Tây của Tasmania đã chết.

 

Bầy cá voi hoa tiêu bị mắc cạn vào hôm 21/9 tại lối vào cảng Macquarie của Australia. Chỉ có 35 con cá voi vẫn còn sống, lực lượng cứu hộ nước này đang tập trung nỗ lực đưa những con cá này trở lại biển.

 

Kris Carlyon từ Sở Tài nguyên và Môi trường Tasmania nói với Australian Broadcasting Corp rằng "hỗ trợ cơ học" từ một công ty nuôi trồng thủy sản sẽ giúp đưa những con cá voi thoát khỏi vùng cát khô.

Cá voi mắc cạn tập thể trên bờ biển Tasmania. (Ảnh: AP)

 

Tiến sĩ Carlyon nói: "Những gì chúng tôi cố gắng làm là di chuyển chúng vào vùng nước sâu để chúng có cơ hội sống sót cao nhất. Ưu tiên của chúng tôi trong tình huống này là đảm bảo đưa cá voi ra khỏi khu vực mắc cạn đồng thời với việc bảo vệ nhân viên và tình nguyện viên của chúng tôi, những người được đào tạo chuyên môn về cứu hộ cá voi và có thể đảm nhận nhiệm vụ này một cách an toàn".

 

Mặc dù có nhiều tình nguyện viên tham gia, nhà chức trách sở tại cho biết, công việc cứu hộ nên được giao cho các chuyên gia.

 

Hầu hết cá voi bị mắc cạn trên bãi biển Ocean Beach, trong khi một số nằm trên bãi cát gần đó trong bến cảng.

Chỉ có 35 con cá voi còn sống. (Ảnh: AP)

 

Những người dân tập trung xem đã được yêu cầu tránh xa những con cá voi đã chết, vì loài này được bảo vệ và việc can thiệp vào cơ thể cá voi một hành vi phạm pháp.

 

Vụ cá voi mắc cạn này xảy ra hai năm sau vụ mắc cạn lớn nhất trong lịch sử Australia. Theo đó, khoảng 470 con cá voi hoa tiêu vây dài đã dạt vào bãi cát tại cùng một bến cảng vào ngày 21/9/2020 và mặc dù đã nỗ lực cứu hộ, chỉ 111 con trong số này được cứu sống.

 

Cá voi hoa tiêu được biết đến là loài hay bị mắc cạn tập thể với số lượng lớn và lý do thường không được xác định rõ ràng.

Nỗ lực cứu hộ cá voi bị mắc cạn. (Ảnh: AP)

 

Ngày 19/9, 14 con cá nhà táng đã được tìm thấy dạt vào bờ biển trên Đảo King, thuộc eo biển Bass giữa Melbourne và phía Bắc Tasmania.

 

Nhà khoa học hàng hải Olaf Meynecke của Đại học Griffith cho biết, đây có thể là hậu quả của việc nhiệt độ ấm lên làm thay đổi dòng hải lưu và làm dịch chuyển nguồn thức ăn của cá voi.

 

Ông Meynecke nói: "Cá voi sẽ đến các khu vực khác nhau và tìm kiếm các nguồn thức ăn khác nhau. Khi làm điều này, chúng không ở trong tình trạng thể chất tốt nhất vì chúng có thể bị đói, nên có thể khiến cá voi gặp nhiều rủi ro hơn và tiến đến gần bờ hơn".