Các tờ rơi chính thức về Có và Không cho cuộc trưng cầu dân ý về Tiếng nói sẽ sớm được gửi đến các hộp thư. Nguồn: SBS

 

SBS đã nhờ một nhóm chuyên gia kiểm chứng thông tin trong hai tập sách trình bày lập luận đồng tình và phản đối Tiếng nói Thổ dân trước Quốc hội. Kết quả thế nào?

 

Hai tập sách nhỏ trình bày lập luận đồng tình (Yes) và phản đối (No) Tiếng nói Thổ dân trước Quốc hội đã có mặt trên mạng, và sẽ sớm được gửi đến hòm thư của người dân Úc.

 

Thế nhưng Uỷ ban Bầu cử Úc (AEC) chỉ có thể xuất bản chúng theo đúng nội dung đã được gửi đến, và không thể kiểm chứng các thông tin bên trong.

 

Quốc hội chỉ thảo luận các chi tiết về Tiếng nói Thổ dân sau khi cuộc trưng cầu dân ý kết thúc.

 

Điều đó có nghĩa là một số tuyên bố có thể đã bị phóng đại.

 

SBS đã phối hợp với FactLab CrossCheck thuộc đại học RMIT để kiểm chứng các tuyên bố trong sách. Sau đây là kết quả.

 

Lập luận đồng tình

Tuyên bố: “Hãy bỏ phiếu Có cho một ý tưởng xuất phát trực tiếp từ chính người Thổ dân và Dân đảo Torres Strait: Công nhận Tiếng nói Thổ dân trong Hiến pháp.”

 

RMIT FactLab: Tiếng nói Thổ dân được đề xuất trong Tuyên ngôn từ trái tim Uluru, được đa số trong số hơn 250 đại biểu Thổ dân và Dân đảo Torres Strait tại Uluru tán thành. Từ năm 2016 đến 2017, hơn 1.200 đại diện của Thổ dân và Dân đảo Torres Strait đã tham gia 13 cuộc đối thoại khu vực của các Quốc gia Thứ nhất trên toàn quốc và từ chối sự công nhận đơn giản trong Hiến pháp. Thay vào đó, họ đề xuất ba yếu tố chính cho công cuộc cải cách: Tiếng nói, Hiệp ước, Sự thật.

 

Tuyên bố: “Tiếng nói Thổ dân sẽ đưa ra lời khuyên về các vấn đề chính mà Thổ dân và Dân đảo Torres Strait phải đối mặt, từ sức khoẻ trẻ sơ sinh đến cải thiện dịch vụ ở vùng sâu vùng xa.”
 

RMIT FactLab: Theo Nguyên tắc Thiết kế của Tiếng nói Thổ dân, “Tiếng nói Thổ dân sẽ đại diện trước Quốc hội và các cơ quan hành pháp về các vấn đề liên quan đến Thổ dân và Dân đảo Torres Strait.”

 

 

Thủ tướng Anthony Albanese nói chuyện với giới truyền thông sau khi thông qua dự luật Tiếng nói trước Quốc hội. Nguồn: AAP / Lukas Coch

 

 

Tuyên bố: “Trong một thời gian dài, các chính phủ có thiện chí đã chi hàng tỷ đô la để cố gắng giải quyết những vấn đề này. Nhưng họ đã không đạt được sự cải thiện lâu dài vì họ đã không lắng nghe người dân trên thực tế.”
 

RMIT FactLab: Các sáng kiến và dự án cụ thể cần được nêu tên để phân tích lý do tại sao chúng "không đạt được sự cải thiện lâu dài", nếu đúng là như vậy.

 

 

Tuyên bố: “Đưa Tiếng nói Thổ dân vào Hiến pháp mang lại sự ổn định và độc lập, trong hiện tại và tương lai. Điều này có nghĩa là Tiếng nói Thổ dân có thể đưa ra lời khuyên thẳng thắn mà không bị vướng vào chính trị ngắn hạn.”
 

RMIT FactLab: Chuyên gia về luật Hiến pháp Paul Kildea thuộc đại học UNSW giải thích: “Thay đổi hiến pháp mang lại sự an toàn và chắc chắn cho Tiếng nói Thổ dân. Sau khi được thành lập, Tiếng nói Thổ dân chỉ có thể bị bãi bỏ nếu người Úc đồng ý với điều đó tại một cuộc trưng cầu dân ý khác. Ngược lại, một Tiếng nói Thổ dân được thiết lập thông qua đạo luật thì dễ bị tổn thương hơn nhiều. Một chính phủ tương lai có thể loại bỏ nó bằng cách thông qua một đạo luật khác. Để làm được điều đó, chỉ cần giành được sự ủng hộ của đa số thành viên trong Hạ viện và Thượng viện.”

 

 

Tuyên bố: “Các chuyên gia pháp lý nói rằng Tiếng nói Thổ dân là hợp hiến và hợp pháp, sẽ cải thiện hệ thống chính phủ của chúng ta, không có quyền phủ quyết – quốc hội và chính phủ có quyền phê duyệt cuối cùng.”
 

RMIT FactLab: Phân tích về Tiếng nói Thổ dân và Cơ quan Hành pháp của Elisa Arcioni và Andrew Edgar thuộc đại học Sydney giải thích cách các điều khoản tham vấn được thiết kế để tránh kiện tụng và thay vào đó khuyến khích trách nhiệm giải trình của quốc hội. Các nguyên tắc thiết kế được thống nhất bởi nhóm Làm việc về Trưng cầu Dân ý của các Quốc gia Thứ nhất nêu rõ: “Tiếng nói Thổ dân sẽ không có quyền phủ quyết”.

 

 

Lập luận phản đối

Tuyên bố: “Tiếng nói Thổ dân bao trùm tất cả các lĩnh vực của cơ quan hành pháp. Điều đó có nghĩa là không có vấn đề nào nằm ngoài tầm với của nó... Tối cao Pháp viện cuối cùng sẽ quyết định quyền hạn của nó, chứ không phải quốc hội. Nó có nguy cơ gây ra những thách thức pháp lý, sự chậm trễ, và rối loạn chức năng của chính phủ.”
 

RMIT FactLab: Các thành viên của Nhóm Chuyên gia Hiến pháp, cũng như Hội đồng Luật Úc và các học giả luật hiến pháp đều đi đến cùng một kết luận: “Tiếng nói Thổ dân, như được đề xuất hiện tại, không thể đưa ra các yêu cầu ràng buộc đối với chính phủ, cũng như không có quyền phủ quyết luật”. Các tuyên bố trên mạng xã hội rằng Tiếng nói Thổ dân có thể sử dụng Tối cao Pháp viện để thay đổi chính sách, luật pháp hoặc quyết định của chính phủ là không có cơ sở pháp lý.

 

Phát ngôn nhân phe đối lập cho Người Úc bản địa, Jacinta Nampijinpa Price, khẳng định Tiếng nói sẽ chia nước Úc theo chủng tộc. Nguồn: AAP / Michael Errey

 

 

Tuyên bố: “Tiếng nói Thổ dân chưa được thử nghiệm trên thực tế. Không có tổ chức nào được Hiến pháp quy định giống như vậy trên thế giới.” 
 

RMIT FactLab: Các quốc gia có nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với người bản địa, nhưng tất cả đều tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế của Điều 18 trong Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người bản địa. Được Úc thông qua năm 2009, tuyên bố bao gồm bốn nguyên tắc chính liên quan đến Tiếng nói Thổ dân: quyền tự quyết, tham gia vào quá trình ra quyết định, tôn trọng và bảo vệ văn hóa, bình đẳng và không phân biệt đối xử.

 

 

Tuyên bố: “Hiện có hàng trăm cơ quan đại diện cho Thổ dân và Dân đảo Torres Strait ở tất cả các cấp chính quyền. Năm nay, chính phủ đã chi 4,3 tỷ đô la cho Cơ quan Người Úc bản địa Quốc gia (NIAA), với 1.400 nhân viên.”
 

RMIT FactLab: NIAA đóng một vai trò khác với Tiếng nói Thổ dân và có những khác biệt lớn lao giữa hai bên. Không giống như Tiếng nói Thổ dân, NIAA không hoạt động độc lập với chính phủ và chỉ có thể tư vấn cho cơ quan hành pháp. Không giống như NIAA, Tiếng nói Thổ dân sẽ hoàn toàn do người Bản địa phụ trách. Không giống như NIAA, sự tồn tại của Tiếng nói Thổ dân sẽ được “bảo đảm” bởi vì nó sẽ được ghi vào trong Hiến pháp.

 

 

Tuyên bố: “Một Tiếng nói Thổ dân ở trung ương có nguy cơ bỏ sót nhu cầu của các cộng đồng vùng sâu vùng xa. ‘Tiếng nói Thổ dân cấp quốc gia không thể nói thay cho từng khu vực’.”
 

RMIT FactLab: Nhóm Làm việc về Trưng cầu Dân ý của các Quốc gia Thứ nhất đã nêu rõ trong Nguyên tắc Tiếng nói Thổ dân rằng họ tập trung vào các cộng đồng và kỳ vọng rằng các thành viên của Tiếng nói Thổ dân sẽ kết nối với họ. Các nguyên tắc thiết kế lưu ý rằng Tiếng nói Thổ dân sẽ được lựa chọn bởi Thổ dân và Dân đảo Torres Strait, dựa trên mong muốn của cộng đồng địa phương và sẽ có các đại diện từ vùng sâu vùng xa. Các thành viên của Tiếng nói Thổ dân được kỳ vọng sẽ kết nối và phản ảnh mong muốn của cộng đồng của họ.

 

 

SBS hợp tác với nhóm chuyên gia kiểm chứng thông tin trực tuyến FactLab CrossCheck  thuộc đại học RMIT để phân tích các tuyên bố liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý về Tiếng nói Thổ dân trước Quốc hội.