Theo ý kiến chuyên gia, cuộc chiến ở Úc thực ra xoay quanh quyền quyết định và vị thế đàm phán. Google và Facebook được hiểu là đang cố gắng duy trì vị thế trong quyết định chi trả cho báo chí.
Trong diễn biến mới đây, Google đe dọa sẽ vô hiệu hoá công cụ tìm kiếm của họ ở Australia, nếu chính phủ nước này phê duyệt luật buộc các công ty công nghệ phải trả tiền mua tin tức báo chí, thay vì dẫn lại miễn phí trên nền tảng như hiện tại.
Facebook, mạng xã hội xuất hiện cùng Google trong phiên điều trần của Thượng viện Úc hôm 22/1, cũng khẳng định đe dọa của mình. Facebook cho biết, họ sẽ không để người dùng Úc đăng hoặc chia sẻ tin tức báo chí nếu dự luật được thông qua.
2 công ty lập luận rằng, họ vốn đã hỗ trợ mảng báo chí bằng cách tạo thêm lưu lượng truy cập cho các trang. Google gần đây đã hủy một số website tin tức lớn của Úc trong các trang kết quả tìm kiếm để “thử nghiệm”.
Đại diện Google (trong màn hình) trả lời chất vấn trong phiên điều trần của Thượng viện Úc hôm 22/1.
Điều đáng nói là việc trả tiền cho báo chí dường như không phải là vấn đề. Trong khi đấu tranh quyết liệt ở Úc, Google đã đồng ý trả tiền mua tin tức ở Pháp, trong một bộ khung thỏa thuận có khả năng mở rộng ra khắp Châu Âu.
Mới nhất từ ngày 26/1, Facebook đã bắt đầu triển khai Facebook News bên ngoài nước Mỹ, mang mô hình này đến Anh. Như vậy, Facebook sẽ trả tiền mua tin tức cho các cơ quan báo chí đối tác như Financial Times, Sky News, Channel 4 News, Telegraph, DC Thomson, Daily Mail, The Guardian, The Economist, The Independent, Wired, Vogue…
Mạng xã hội này hiện có kế hoạch đưa Facebook News đến nhiều quốc gia hơn nữa trong năm nay, trong đó đã bắt đầu đàm phán tích cực với Pháp và Đức, đồng thời nghiên cứu thị trường Brazil và Ấn Độ.
Vì sao Google, Facebook kiên quyết từ chối mua tin tức ở Úc?
Theo ý kiến chuyên gia, cuộc chiến ở Úc thực ra xoay quanh quyền quyết định và vị thế đàm phán. Google và Facebook được hiểu là đang cố gắng duy trì vị thế của họ trong quyết định chi trả cho báo chí.
Với luật được đề xuất ở Úc, nếu các cơ quan báo chí và các nền tảng công nghệ như Google không thể thống nhất giá cho nội dung tin tức, một cơ quan trọng tài độc lập sẽ đứng ra giải quyết tranh chấp. Điều này cũng đồng nghĩa nguy cơ bị áp giá.
Thỏa thuận ở Pháp cho phép Google đàm phán với các tòa soạn, sử dụng các tiêu chí mà nền tảng đã thiết lập, bao gồm khối lượng tin bài xuất bản hàng ngày, lưu lượng truy cập hàng tháng, hay cả mức độ đóng góp cho thông tin chính trị và chính thống.
Rod Sims, chủ tịch cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của Úc, giải thích: “Mục đích của bộ luật mới là để giải quyết vị thế thương lượng không cân sức giữa các cơ quan báo chí của Úc với các nền tảng lớn, bên có ưu thế rõ ràng”.
Bổ sung cho ý kiến trên, Peter Lewis, chuyên gia Học Viện Úc Đại Lợi, tổ chức nghiên cứu độc lập nhận định: “Đây là chuyện dùng luật định, thay vì để các công ty công nghệ trả mức giá họ cho là phù hợp. Luật chuyển cán cân quyền lực từ tay họ sang một bên trung gian".
Dù vậy không công ty nào muốn bị can thiệp quá sâu. Đối với Google và Facebook, sự phản đối dữ dội ở Úc cho thấy nỗ lực hạn chế bị ràng buộc bởi các quốc gia trên thế giới trong quá trình mở rộng toàn cầu.