Có thể mượn các vật phẩm như các loại công cụ đồng nghĩa với việc các thành viên của thư viện Make-Do ít cần phải mua các vật phẩm dùng cho các công việc chỉ làm một lần. Nguồn: được cung cấp

 

 

Những thư viện đồ gia dụng này cho mượn những vật dụng hữu ích trong gia đình như đồ dùng nhà bếp và dụng cụ làm vườn, đồng thời khuyến khích mọi người thay đổi thói quen mua sắm của mình.

 

Khi chúng ta muốn đọc một cuốn sách nhưng không muốn mua, chúng ta có thể mượn từ thư viện.

 

Nếu chúng ta có thể làm điều này với một món đồ có giá trị tương đối nhỏ (như sách), thì tại sao lại không thể áp dụng cho những món đồ gia dụng lớn hơn?

 

Đó là suy nghĩ của bà Andrea Persico vào năm 2018 khi bà muốn sấy khô một số loại trái cây, nhưng không tìm được người cho mượn máy sấy thực phẩm.

 

Bà nghĩ sẽ tuyệt vời biết bao nếu thay vì phải mua một thiết bị mới, có một thư viện đồ dùng mà bà có thể mượn, sử dụng và trả lại sau một tuần để những người khác cũng có thể sử dụng.

 

 

Những món đồ trong thư viện Make-Do là những thứ mà hầu hết mọi người sẽ chỉ sử dụng vài tháng một lần hoặc mỗi năm một lần. Nguồn: Được cung cấp

 

Ý tưởng này đã truyền cảm hứng cho thư viện Make-Do ở vùng Illawarra, NSW kể từ năm 2019. Thư viện độc đáo này đã giúp hàng trăm người tiết kiệm được một chuyến đi đến cửa hàng và số tiền họ phải bỏ ra.

 

Sau khi cắt giảm số lượng hàng hoá mà người dân trong khu vực mua sắm, nó cũng có thể giúp giảm lượng đồ vật bị quăng vào bãi rác.

 

Thư viện đồ gia dụng do cộng đồng điều hành có mặt ở một số thị trấn và thành phố trên khắp nước Úc.

 

 

Bạn có thể mượn những gì?

Mặc dù bà Persico đã chuyển sang tiểu bang khác sinh sống, nhưng thư viện Make-Do vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ hữu ích cho cộng đồng địa phương, với hơn 450 lượt mượn đồ trong năm 2023.

 

Cô Alice Henchion thích mượn đồ trang trí từ thư viện khi tổ chức tiệc tại nhà.

Cô nói “Tôi mượn đèn ngoài trời, ly rượu và khay bánh, một số trò chơi ngoài trời lớn như Finska và Jenga… Tôi thực sự yêu thích những món đồ trang trí tiệc, bạn có thể mượn bàn, khăn trải bàn, tháp phun socola và máy làm bắp rang. Có một số món thực sự thú vị”.

 

Cô Henchion là một thiện nguyện viên và đồng chủ tịch của thư viện Make-Do, và cô cho rằng lệ phí $80 một năm là số tiền hoàn toàn xứng đáng để mượn đồ từ thư viện.

Cô nói “Khi mẹ tôi đến thăm, bà đã bị gãy chân và chúng tôi đã mượn chiếc xe lăn từ thư viện, việc này thật tiện lợi”.

 

Share Shed là một mô hình tương tự như Make-Do ở Bassendean, Tây Úc, với hơn 3.000 lượt mượn đồ trong 18 tháng qua.

 

Sáng lập viên, Renée McLennan, cho biết trọng tâm “không phải là những món đồ được sử dụng hàng ngày, mà là những thứ đôi khi mới cần xài đến, vì vậy bạn không nhất thiết phải mua chúng. Nếu bạn chỉ sử dụng nó vài tháng một lần, bạn chỉ cần đi mượn.”

 

Thư viện đồ gia dụng vận hành như thế nào?

 

Cả hai thư viện đều do các thiện nguyện viên điều hành và mở cửa vào mỗi thứ Bảy.

 

Người dân đăng ký mượn đồ trên mạng và thường mượn từ một đến hai tuần.

 

Tại Perth, một giờ đồng hồ được dành cho việc mượn đồ, và giờ thứ hai dành cho việc trả đồ.

 

Trong khi người dân ở Illawarra phải đóng lệ phí hàng năm, thì người dân ở Bassendean cho đến nay vẫn có thể mượn đồ miễn phí tại thư viện địa phương nhờ số vật dụng được quyên góp, một số khoản tài trợ, và việc chính quyền địa phương cung cấp cơ sở cho Share Shed hoạt động.

 

 

Lợi ích của việc chia sẻ từ cộng đồng

Một khoản tài trợ cộng đồng gần đây đã cho phép Make-Do cung cấp thẻ hội viên miễn phí cho sinh viên và những người có thẻ chăm sóc sức khỏe.

 

Cô Henchion cho biết mặc dù thư viện nằm trong khu vực “khá giả”, nhưng cô nhận thấy tiềm năng rất lớn về tác động của những mô hình tương tự được thành lập ở những khu vực có mức sống thấp hơn.

 

Cả hai người phụ nữ đều cho rằng các sáng kiến này đã nâng cao tinh thần cộng đồng ở nơi họ sống.

 

 

Sáng lập viên của tổ chức Share Shed, Renée McLennan, cho biết việc chia sẻ vật dụng trong cộng đồng là một ý tưởng xuất phát từ xưởng sửa chữa hoạt động trong khu vực. Nguồn: Được cung cấp

 

Cô McLennan nói “Nó thực sự xây dựng cảm giác thân thuộc và kết nối, đồng thời tạo ra những cơ hội giao tiếp,”

“Khi bạn đến thư viện vào cuối tuần và nhìn thấy người mà bạn đã trò chuyện khi đến mượn thứ gì đó, bạn sẽ có ngay cảm giác kết nối và thân thuộc.”

 

Cô McLennan cho biết Share Shed được lấy cảm hứng từ quán Repair Cafe ở địa phương, nơi mọi người mang những đồ gia dụng bị hư đến để sửa chữa.

Cố nói “Có rất nhiều điểm trùng lặp về các đặc tính cơ bản xung quanh việc tái sử dụng và giảm tiêu thụ cũng như tạo ra các cộng đồng gắn kết,”

Cô McLennan cho biết Share Shed mang đến cho mọi người một “giải pháp thay thế cho việc mua sắm”.

“Vì vậy, mọi người có những vật dụng chung mà họ có thể chia sẻ và thách thức toàn bộ chủ nghĩa tiêu dùng, mô hình tiêu dùng, ngoài ra nó cũng cung cấp khả năng tiếp cận những thứ mà mọi người cần.”

 

 

Nền kinh tế tuần hoàn thúc đẩy lối sống bền vững

Những ví dụ nêu trên ở Tây Úc và NSW cũng giúp tạo ra nền kinh tế tuần hoàn nơi người dân tận dụng tối đa nguồn lực vật chất.

 

Cô Henchion nói “Tôi nghĩ chúng tôi đã góp phần thực sự quan trọng vào sự thay đổi trong tư duy về rác thải,”

“Đó là một sự thay đổi lớn trong việc quyết định không đi mua, mà lên kế hoạch trước.”

“Nếu muốn giảm rác thải, chúng ta hầu như cần phải sống chậm hơn, và nghĩ rằng, ‘Được rồi, tôi cần làm việc này,’ hoặc, ‘Tôi sẽ tổ chức tiệc và cần mượn những thứ này.’ Không phải là nhịp sống hối hả mà chúng ta đã quen thuộc.”

 

Tuy nhiên, giá trị thực sự của những mô hình như thế này hiếm khi được đo lường chính xác.

 

Các thiện nguyện viên dành hàng giờ để lập danh mục các món đồ, sửa chữa hoặc thay thế chúng khi cần thiết, quản lý việc mượn và trả đồ, cũng như tìm kiếm nguồn tài trợ để tiếp tục hoạt động.

 

Điều này có nghĩa là cả hai thư viện Share Shed và Make-Do đều không thể đo lường được toàn bộ tác động của họ đối với việc giảm rác thải hoặc thói quen chi tiêu và mua sắm của mọi người.

 

 

Những người đứng sau các sáng kiến như Share Shed tin rằng ý thức cộng đồng lớn hơn sẽ được nuôi dưỡng nhờ vào sự cùng chung sức của cộng đồng. Nguồn: Được cung cấp

 

 

Giáo sư Peter Newman thuộc Đại học Curtin cho biết có nhiều yếu tố liên quan đến những sáng kiến như vậy khiến việc tính toán tác động của chúng trở nên khó khăn.

 

Ông Newman cho biết các nhà xã hội học đã sử dụng thuật ngữ “'privatism” để mô tả cách các xã hội hiện đại vận hành khi “bạn đặt mọi người vào những chiếc hộp nhỏ riêng biệt”.

Ông nói “Càng ngày chúng ta càng phải làm điều này (cung cấp cơ hội chia sẻ cộng đồng), nếu không chúng ta sẽ rơi vào tình trạng các bong bóng cá nhân nhỏ đòi hỏi nguồn lực khổng lồ.”

 

Phúc trình về Kinh tế Tuần hoàn năm 2022 của trang bán hàng trực tuyến Gumtree Australia cho thấy 86% người Úc có những món đồ không mong muốn và ít sử dụng.

 

Hầu hết các hộ gia đình đều có khoảng 21 vật dụng loại này trong nhà, với tổng giá trị gần $7.000.

 

 

Vì sao không có thêm nhiều thư viện đồ gia dụng hơn?

Các thư viện này được điều hành bởi đội ngũ thiện nguyện viên, điều đó có nghĩa là có những hạn chế nhất định.

 

Cô Henchion nói “Hầu hết chúng tôi là những bậc cha mẹ đang đi làm và có con nhỏ và chúng tôi không có nhiều thời gian.”

 

Cô tin rằng thư viện Make-Do có tiềm năng trở thành trung tâm tổ chức các hội thảo và sự kiện cộng đồng cũng như điều hành một “quán cà phê sửa đồ hư”, nhưng không có kinh phí để trả lương cho nhân viên, còn các thiện nguyện viên thì không có thời gian và nguồn lực.

 

Việc tìm kiếm địa điểm cố định để hoạt động cũng có thể là một thách thức đối với các tổ chức phi lợi nhuận.

 

Cô Henchion cho biết thư viện Make-Do gặp rất nhiều khó khăn “để có được một mái nhà”, và đã phải dời địa điểm một lần.

 

Thư viện hiện nằm cùng vị trí với một tổ chức văn học, nơi họ phải trả một phần tiền thuê.

 

Cô nói “Tôi cho rằng chính quyền địa phương nên cho những dịch vụ như thế này thuê địa điểm miễn phí.”

 

Đại dịch COVID-19 cũng đã khiến thư viện Make-Do phải đóng cửa trong hơn một năm.

 

Cô Henchion muốn thấy nhiều cộng đồng hơn tạo ra các dịch vụ tương tự.

 

Những người đứng sau Share Shed đã và đang hỗ trợ một số nhóm khác ở Tây Úc khởi đầu bằng cách chia sẻ thông tin về cách họ hoạt động và kinh nghiệm xin tài trợ thành công.