Ngày 27/9, Úc đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) việc Trung Quốc áp thuế 218% đối với các nhà sản xuất rượu của nước này, cho rằng Bắc Kinh bỏ qua các quy tắc thương mại toàn cầu.
Rượu vang của Úc được bày bán tại một cửa hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP
Tương tự như đã làm trong vụ tranh chấp với Trung Quốc về xuất cảng lúa mạch, Canberra đề nghị thành lập một hội đồng trọng tài để đánh giá vụ việc. Trong một thông báo gửi tới WTO, Canberra nêu rõ Bắc Kinh đã không đưa ra được bằng chứng cho thấy rượu vang của Úc bị “bán phá giá” tại thị trường quốc gia châu Á này để chứng minh cho những tác động đối với ngành rượu vang Trung Quốc và không cho các nhà cung cấp rượu vang Úc xem xét các cáo buộc trước khi áp thuế.
Úc khiếu nại Trung Quốc ở bốn điểm chính: không tham khảo ý kiến một cách phù hợp trong quá trình điều tra, bỏ qua các số liệu mà các nhà sản xuất Úc cung cấp, dùng cơ sở so sánh giá sai và không chứng minh được rượu vang Úc đã làm tổn hại đến ngành công nghiệp trong nước. Tháng trước, giới chức hai nước đã tiến hành các cuộc tham vấn mà không giải quyết được các mối quan ngại của Úc.
Kim ngạch xuất cảng rượu vang của Úc sang Trung Quốc đã giảm từ 1,1 tỷ Úc kim (700 triệu Mỹ kim) xuống 20 triệu Úc kim (14 triệu Mỹ kim) sau khi Bắc Kinh bắt đầu áp thuế quan lần đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái. Bộ trưởng Thương mại Úc Đại Lợi, Dan Tehan, tuyên bố hành động của Trung Quốc không phù hợp với các nghĩa vụ của WTO. Canberra luôn sẵn sàng phối hợp với Bắc Kinh một cách thiện chí để giải quyết bất đồng trước khi vấn đề được đưa ra cơ quan quốc tế có thẩm quyền xem xét. Các chuyên gia cho biết, nếu Trung Quốc từ chối khiếu nại trên, Úc sẽ phải nộp đơn khiếu nại lần thứ hai vào tháng Mười để được giải quyết.
Ông Jeffrey Wilson, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Perth USAsia, Tây Úc, cho biết tranh chấp chủ yếu liên quan đến cách thức Trung Quốc sử dụng để tính giá rượu “bình thường” trong cáo buộc bán phá giá của Bắc Kinh. Tiến sĩ Wilson nhấn mạnh WTO có những quy định về thực hiện cách tính này nhưng Trung Quốc đã phớt lờ chúng và “phát minh” ra một phương pháp khác, tương tự như đã áp dụng đối với lúa mạch xuất cảng của Úc.
Trung Quốc đã thông báo có thể sẽ duy trì thuế quan đối với rượu vang của Úc trong 5 năm. Hiện nước này cũng áp mức thuế 80% đối với lúa mạch, cấm nhập cảng thịt đỏ từ các lò mổ lớn và hạn chế nhập cảng gỗ, tôm hùm bông, đồng, than và đường từ Úc.
Cho đến nay, theo các phân tích kinh tế, tác động của các lệnh trừng phạt thương mại của Trung Quốc là hạn chế, khi các nhà xuất cảng Úc đã tìm thấy thị trường thay thế cho hầu hết các sản phẩm bị ảnh hưởng.