Biến đổi khí hậu có thể bắt đầu đang tác động đến chuỗi cung ứng thực phẩm khi nông dân phải đối diện với khó khăn. Nguồn: AAP
AUSTRALIA - Biến đổi khí hậu đang gây ra hệ thống thời tiết khắc nghiệt trên khắp đất nước, và đến nay hậu quả của thời tiết đã lan tới chuỗi cung ứng thực phẩm. Giá cả tại các siêu thị đang tăng lên, nhiều chuyên gia kêu gọi một phương cách tiếp cận tích cực hơn đối với sự nóng lên của Trái đất, nhằm bảo vệ tương lai của nông gia Úc, nông sản và nông nghiệp.
Người Úc đang phải trả nhiều tiền hơn cho thịt, bánh mì, sữa và trái cây, theo một phúc trình mới do Ủy ban Hành động vì Khí hậu của Nông gia ủy quyền, trong đó cho hay nguyên nhân giá thực phẩm tăng lên là do sự biến đổi khí hậu.
Phúc trình có tên gọi ‘Khoảnh khắc quyết định: Tác động của biến đổi khí hậu đối với nguồn cung ứng thực phẩm.’ Trong đó, tiết lộ các chuỗi cung ứng hiện nay vốn được phát triển dựa trên các dạng thời tiết có thể dự đoán được.
Tuy nhiên cùng với sự nóng lên của Trái đất đã xảy ra những thay đổi bất ngờ, nhanh chóng và không thể lường trước được, từ đó khiến con đường dẫn từ các trang trại đến bàn ăn của mỗi gia đình đang gặp phải một vài sự gián đoạn trầm trọng.
Phúc trình do Stephen Bartos lập ra.
Ông là một chuyên gia quốc tế về quản trị khu vực công, tài chính, chiến lược và rủi ro.
Ông cũng là tác giả của nhiều phúc trình gởi đến cho chính phủ liên bang kiểm tra về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng quốc gia.
Ông Bartos nói sự biến đổi khí hậu đã gây ra sự bất định về các hiện tượng thời tiết trong tương lai, do đó làm tăng thêm chi phí cung ứng lương thực thực phẩm nói chung.
Điều kiện khí hậu không thể dự đoán đã làm tăng them chi phí tài chánh và bảo hiểm, bởi vì rõ ràng các công ty bảo hiểm lo ngại về tác động của biến đổi khí hậu, từ đó khiến tất cả những nhà kinh doanh trong lĩnh vực cung ứng thực phẩm khó có thể bảo hiểm cho doanh nghiệp của họ. Và những chi phí phụ trội đó đã đội thêm cho người tiêu dung.
Những ảnh hưởng của hệ thống thời tiết khắc nghiệt đối với việc cung ứng thực phẩm trên cả nước được cảm nhận ngay từ điểm đầu tiên của chuỗi cung ứng, đó là các nông gia, họ đã phải vật lộn với các điều kiện làm nông nghiệp khó khăn.
Ông Gavin Scurr là giám đốc điều hành của Piñata Farms, một doanh nghiệp gia đình chuyên trồng xoài, thơm và các loại trái cây khác trong hơn 60 năm.
Ông nói lũ lụt và hạn hán đã ảnh hưởng đến khả năng sinh sản tối đa của cây ăn trái.
Trong một vài trường hợp lũ lụt, cây cối bị ngập nước đều sẽ chết, và bị thiệt hại toàn bộ. Nhưng ngay cả những cây không bị ngập dưới nước thì cũng bị úng và yếu ớt, khiến cây không thể đạt được năng suất tối đa như các mùa trước.
Ông Scurr nói nông gia thường không thể đối mặt với tình hình khí hậu khó lường trước.
Là những người nông dân, nhiệm vụ của chúng tôi là sản xuất lương thực thực phẩm cho người Úc, và đó là điều chúng tôi nghĩ đến trước tiên khi bước ra khỏi giường mỗi sáng. Chúng tôi yêu thích nghề nông. Tuy nhiên khi gặp những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, thì mọi thứ đều trở nên khó khăn và đầy thách thức.
Ảnh hưởng còn được cảm nhận sâu sắc hơn trong chuỗi cung ứng, khi các siêu thị nhận thấy chi phí các mặt hàng tươi sống đã tăng lên.
Alyce Naylor là người quản lý của siêu thị I-G-A tại Nam Úc.
Cô nói siêu thị của cô đang phải gánh chịu chi phí đội lên do bị gián đoạn chuỗi cung ứng.
Tất cả công việc định giá với một doanh nghiệp độc lập như chúng tôi đều phụ thuộc vào chính chúng tôi. Vì vậy, tại thời điểm này, chúng tôi xác định rằng chúng tôi đang phải định giá cho những khách hàng đến siêu thị mua hàng chứ không còn định giá cho chúng tôi nữa. Bởi vì thật không công bằng khi họ phải trải qua sự đấu tranh nội tâm chỉ vì muốn cố gắng mua một món thực phẩm. Vì vậy, chúng tôi đang phải đối mặt với sự tăng giá thông qua các mặt hàng tạp hóa khô và các sản phẩm từ sữa. Với trái cây và rau thì bạn mua mỗi ngày và thị trường thì thay đổi hàng ngày, vì vậy chúng tôi vẫn giữ trái cây và rau của mình ở mức giá tổng mà chúng tôi đang có.
Còn bà Fiona Davis, Giám đốc điều hành Ủy ban Hành động vì Khí hậu của Nông gia cho hay một trong những xáo trộn lớn của chuỗi cung ứng do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gây ra là việc đóng cửa hệ thống đường ray xe lửa.
Vì vậy, chúng tôi không thể đưa thực phẩm ra khỏi trang trại và sau đó không thể đưa thực phẩm vào các siêu thị cho người dân, bạn biết đấy đường xe lửa có thể bị đóng bởi lũ lụt, có thể bị chặn lại bởi cháy rừng, và bạn biết đấy chúng tôi đã nhìn thấy cả hai chuyện này chỉ trong năm nay.
Những trận lũ lụt mới đây tại miền đông nam Queensland đã gây ra sự chậm trễ trong vận chuyển hàng hóa, các vụ đất bị lật đất, hố sụt và mất điện đã khiến mạng lưới đường xe lửa trong khu vực bị gián đoạn.
Cô Naylor nói nguồn cung cấp rượu trên toàn quốc đã bị ảnh hưởng.
Lũ lụt tràn qua Brisbane đã làm ngập nhà máy Four X, vốn một nhà cung cấp bia quan trọng trên cả nước, vì vậy chúng ta thực sự không thể mua bia vào lúc này, bởi vì tất cả bia đều đang chìm dưới nước.
Đối với ông Scurr, một cách nhằm giảm tối thiểu tác động của các hình thái thời tiết ngày càng khó lường đó là trồng các loại cây trồng rải rác trên khắp đất nước chứ không tập trung tại một vùng.
Trong số bảy trang trại Pinata tại Lãnh thổ Bắc Úc, Queensland và Tasmania, chỉ có hai trang trại bị gián đoạn bởi các trận lũ lụt vừa qua.
Lý do mà chúng tôi đa dạng hóa các loại cây trồng, từ loại nhiệt đới đến các cây thuộc khí hậu ôn hòa hơn, là nhằm đa dạng hóa rủi ro của chúng tôi, và sau đó chúng tôi còn đa dạng hoá khu vực trồng trọt ở khắp các vùng và khu vực. Vì vậy khi một khu vực bị đánh úp thì hy vọng những phần còn lại không bị ảnh hưởng.
Stephen Bartos nói rằng để xây dựng khả năng phục hồi, điều quan trọng là Úc phải bắt đầu rút ngắn chuỗi cung ứng.
Nếu bạn có nhiều chuỗi cung ứng ngắn, mỗi chuỗi cung ứng trong số đó có thể bị tổn thương như nhau trước lũ lụt, nhưng nếu bạn có nhiều chuỗi cung ứng đa dạng thay vì chỉ có một chuỗi lớn và dài, thì bạn có thể chia nhỏ rủi ro cho mình. Lợi thế khác của việc có nhiều chuỗi cung ứng ngắn là thực phẩm tươi ngon hơn sẽ đến tay người tiêu dùng.
Ở cấp độ chính sách, bà Davis nói chính phủ cần phải tích cực hơn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu để tránh tình trạng thiếu lương thực tiềm ẩn trong tương lai.
Chúng tôi muốn cả hai phe của chính phủ cam kết thực hiện cắt giảm mức phát thải sâu hơn trong thập niên này, chúng ta biết là phải cắt giảm mức phát thải theo một phương cách bền vững nhưng ta cần thực hiện càng nhanh càng tốt, bởi vì điều này giúp chúng ta chuẩn bị tốt cho tương lai, giúp giảm bớt nguy cơ xảy ra những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và nguy cơ hệ thống cung ứng thực phẩm bị phá vỡ.
Ông Bartos nói cắt giảm khí thải mang lại nhiều lợi thế cho ngành nông nghiệp của Úc.
Rất nhiều điều có thể làm nhằm giảm tối thiểu tác động của biến đổi khí hậu và nâng cao năng suất trang trại. Kỹ nghệ thịt đỏ đã thông qua mục tiêu trung tính carbon vào năm 2030 - vượt xa mục tiêu của Chính phủ Liên bang – và họ làm điều này vì họ xem đây là nhu cầu thương mại trong ngành của họ. Nhưng họ cũng nhận thấy rằng nhiều biện pháp chẳng hạn cải thiện đàn gia súc, trồng cây chắn gió, vận chuyển tốt hơn, đều khiến năng suất tăng lên. Vì vậy, họ có được sản phẩm tốt hơn cho người tiêu dùng đồng thời giảm khí thải nhà kính.