Chương trình tiếng Việt của trường tiểu học Richmond West, Nguồn: Richmond West Primary School
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng học song ngữ có thể là một cuộc đua, một sự cạnh tranh giữa tiếng Anh và một ngôn ngữ khác. Thế nhưng tại ngôi trường này, chương trình tiếng Việt rất quan trọng. Việc học tốt ngôn ngữ thứ hai giúp các em học tốt ngôn ngữ thứ nhất của mình và tiến bộ ở các môn học khác.
Các lớp tiếng Việt vẫn "sáng đèn"
Những âm thanh sống động tại một lớp học tiếng Việt trực tuyến của trường tiểu học Richmond West.
Cô và trò cùng gặp nhau qua Google Meet.
Các em nhỏ ê a tập đánh vần, và thực tập đặt các câu hỏi phỏng vấn và trả lời bằng tiếng Việt về chủ đề môn thể thao mà em yêu thích.
Để có thể duy trì những lớp học tiếng Việt như vậy trong mùa dịch một cách hiệu quả và cuốn hút với các em độ tuổi tiểu học là một cố gắng không hề nhỏ với các thầy cô.
Một buổi học tiếng Việt qua mạng trong thời gian phong tỏa của trường tiểu học Richmond West. Nguồn: Tam Foot
Cô Tip Kennedy, hiệu trưởng của trường tiểu học Richmond West chia sẻ những thách thức mà trường đối mặt trong đại dịch suốt hơn một năm qua.
Cô Tip nói với SBS "Thử thách lớn nhất là có ít thời gian để thực tập kỹ năng ngôn ngữ cho trẻ. Và chương trình này dựa vào sự phát triển bằng lời nói trong những năm tháng đầu đời, thông qua các hoạt động theo nhóm như ca hát, trò chơi, nhảy múa.”
“Chúng tôi may mắn có những giáo viên rất giỏi, như cô Tâm, một ví dụ về sự nỗ lực và đam mê với việc giảng dạy. Cô ấy hiểu học sinh của mình, và cố gắng lôi kéo các em tham gia vào buổi học thông qua các hoạt động trực tuyến. Nhờ vậy mà các em vẫn có thể học hỏi và tiến bộ về ngôn ngữ. Nếu không có sự nỗ lực từ phía thầy cô, thì việc học trực tuyến sẽ không thể thành công"
Trả lời phỏng vấn của SBS Vietnamese, cô Tip Kennedy nhấn mạnh sự nỗ lực của phụ huynh và nhà trường.
"Đây là quãng thời gian khó khăn. Trẻ phải học ở nhà, cha mẹ cũng làm việc tại nhà. Một số cha mẹ có thể hỗ trợ con học trên mạng. Một số trẻ phải chia sẻ không gian học với anh chị em ruột. Trẻ không có đủ phương tiện kỹ thuật.”
“Tôi biết các phụ huynh đều rất cảm kích sự cố gắng của thầy cô và sau một thời gian họ đã hiểu các em đang học tại nhà như thế nào. Họ có thể thấy con mình tiến bộ và tự lập hơn trong việc học.”
“Tôi luôn nói với cha mẹ đừng quá lo lắng về việcc con mình sẽ bỏ lỡ mọi thứ khi học tại nhà. Thay vào đó hãy cùng tham gia với con, nhìn vào những kỹ năng mà con đang học hỏi.”
“Với chúng tôi, việc giúp các em hạnh phúc, vui vẻ là điều rất quan trọng. Khi các em quay trở lại trường, chúng tôi sẽ tận tình hướng dẫn các em trong quá trình học tập".
Trường tiểu học Richmond West là một ngôi trường hiếm hoi tại Victoria còn duy trì chương trình song ngữ Anh Việt. Nguồn: Richmond West Primary School
Việc tiếp tục duy trì chương trình song ngữ trong thời gian khó khăn này có ý nghĩa như thế nào?.
Hiệu trưởng trường tiểu học Richmond West khẳng định "Chúng tôi có ít học sinh hơn tham gia vào các chương trình song ngữ của trường, nhưng đây vẫn luôn là chương trình cốt lõi và mạnh mẽ nhất từ trước đến nay".
Cô Tip chia sẻ với SBS "Giống như cha mẹ hiểu hơn về con mình, các giáo viên cũng hiểu học trò của mình hơn khi dạy trực tuyến. các thấy cô cũng đã học hỏi thêm nhiều kỹ năng mới để có thể giảng dạy từ xa và truyền đạt kiến thức cho các em, những kỹ năng này sẽ hữu ích rất nhiều khi các em quay trở lại trường học.
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng học song ngữ có thể là một cuộc đua, một sự cạnh tranh giữa tiếng Anh và một ngôn ngữ khác. Thế nhưng tại ngôi trường này, các chương trình song ngữ mới nổi rất quan trọng.
Việc học tốt ngôn ngữ thứ hai giúp các em học tốt ngôn ngữ thứ nhất của mình. Có nhiều dẫn chứng chỉ ra rằng trẻ sẽ là một người học hỏi tốt hơn khi biết thêm một ngôn ngữ.
Việc tiếp tục duy trì việc học ngôn ngữ từ xa rất quan trọng, không để các em bị đứt quãng, khi chúng ta coi trọng việc giảng dạy, các em cũng sẽ đánh giá cao việc học"
Đại dịch kéo dài một năm cũng gây ảnh hưởng đến sỉ số của các lớp học, một số gia đình quyết định rời khỏi khu vực nội ô thành phố như Richmond và chuyển về vùng ngoại ô, nơi có sân vườn và không gian sống rộng rãi hơn.
Cách mọi người nhìn cuộc sống thay đổi, khiến họ muốn tránh xa những nơi quá đông đúc và lựa chọn một phong cách sống khác.
Cô giáo dạy tiếng Việt duy nhất của trường Tâm Foot chia sẻ quá trình phong tỏa cũng ảnh hưởng lớn đến việc phụ huynh tiếp cận để hiểu thêm chương trình song ngữ của trường
“Trước khi dịch bệnh diễn ra, trường tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa, kết nối với cộng đồng gốc Việt địa phương như tết trung thu, tết nguyên đán, cho các em trình diễn văn nghệ và tham gia các sinh hoạt cộng đồng. Do đó nhiều phụ huynh biết về chương trình song ngữ của trường tiểu học Richmond West. Tuy nhiên, hiện nay rất tiếc lại không có các hoạt động này”.
Đại dịch không thể làm gián đoạn niềm say mê của các em với tiếng Việt tại hải ngoại. Trong những nỗ lực đó, không thể quên sự đóng góp của các phụ huynh nhà trường trong việc tạo dựng một môi trường sinh hoạt, duy trì và phát huy văn hóa Việt Nam tại hải ngoại.
Chị Kim Xuân, mẹ của bé Phương Chip lớp 3 chia sẻ với SBS chị đã từng hoài nghi về việc học tiếng Việt của con, nhưng nay chị rất tự tin.
“Con của mình có kết quả NAPLAN rất cao, trong nhóm đầu. Mình nghĩ đó là nhờ chương trình song ngữ của trường. Việc học ngôn ngữ thứ hai giúp đầu óc các con linh hoạt và bổ trợ cho các môn học khác. Trước đây, mình cứ lo con sẽ không học được tiếng Anh, vì khi còn 3-4 tuổi con mình vẫn chưa biết một chữ tiếng Anh nào. Mình mong muốn giữ được chương trình tiếng Việt để con trai nhỏ của mình sau này cũng có thể theo học”.
Chị Thảo Lê, mẹ của bé Lan Dương, học sinh lớp 4 cho biết chị là người Việt thế hệ thứ hai tại Úc và chị khao khát "thế hệ thứ ba trong gia đình" có thể giữ được tiếng Việt trong gia đình.
“Bé Lan có thể nói tiếng Việt và giao tiếp trôi chảy với ông bà, bé có thể đánh vần và đọc rất rõ ràng. Mình qua Úc từ năm 10 tuổi, tiếng Việt của mình không tốt lắm. Mình nghĩ rằng học một ngôn ngữ khác rất quan trọng cho sự phát triển của bé".
Xin được dùng những thanh âm trong trẻo của tiếng Việt từ buổi học của các em nhỏ trường tiểu học Richmond West làm lời kết cho tiết mục Nuôi con ở Úc tuần này.
Tiếng Việt còn
Là nước non còn…