Hình ảnh một người phụ nữ lớn tuổi ngã xuống sàn. Ảnh: Getty / RealPeopleGroup/Getty Images
Té ngã được xem là một ám ảnh của người cao niên, nếu không nói là một thảm họa khi xảy ra. Các bậc cao niên thường khó phục hồi các chức năng như cũ sau khi bị té ngã, do tai nạn nầy đi liền với nhẹ nhất là thương vong bên ngoài và nặng hơn là có thể dẫn đến gãy xương, thường xảy ra nhất là xương chậu. Nguyên nhân té ngã là do đâu và biện pháp đề phòng tai họa nầy ở giới cao niên là gì. Bác sĩ Trần Thị Xuyên, tại Cabramatta, thuộc tiểu bang NSW, cho biết thêm với những thông tin bên dưới.
Các nguyên nhân bên ngoài thường là vấp té do có nhiều đồ vật để trong phòng, hay trong nhà không đủ ánh sáng để các bậc cao niên nhận rõ khi đi lại.
Quần áo nên mặc thoải mái, nhất là quần không nên quá dài có thể gây vướng víu và vấp té.
Nguyên nhân nội tạng gồm có mắt nhìn không rõ, bắp thịt chân và đùi yếu đi do lão hóa nên không giữ được thăng bằng, các loại bệnh khiến việc đi lại gặp khó khăn và dễ gây té ngã.
Ngoài ra người cao tuổi thường hay đi tiểu nhất là về đêm và bắp thịt ở bàng quan không giữ chặt như lúc còn trẻ, nên các vị cao niên thường hấp tấp đi vào phòng vệ sinh, trước khi làm ướt quần và như vậy các trường hợp té ngả thường xảy ra.
Bác sĩ Trần Thị Xuyên nói “Quan trọng nhất vẫn là nên đi bộ và tập thể dục thường xuyên.”
Phụ nữ cũng như phái nam đều có mức độ té ngã như nhau, mặc dù nhiều người cho là các cụ bà thường dễ té ngã hơn cụ ông.
Việc phòng ngừa té ngã về mặt vật chất là nên dọn đồ đạc gọn gàng trong nhà, nên có tay vịn trong lối đi trong các phòng cũng như trong phòng vệ sinh, cần có đủ ánh sáng để các vị cao niên thấy rõ lối đi an toàn.
Về mặt thuốc men, nên uống thuốc chống loãng xương sau khi đi khán nghiệm.
Cần uống vitamin D cùng với calcium để xương được rắn chắc, thế nhưng quan trọng nhất là đi bộ và tập thể dục đều đặn, ăn uống và ngủ nghỉ đầy đủ và đủ giấc.