Một nhân viên y tế đang cầm một ống vắc-xin được thử nghiệm trong giai đoạn 3 của hãng dược phẩm Pfizer và hãng BioNTech. Credit: Anadolu Agency/Anadolu Agency via Getty Images
Bất chấp hy vọng về vắc-xin COVID-19 có thể sẽ có vào đầu năm tới, phân tích mới vào cuối tuần trước cho thấy hơn 10% người Úc miễn cưỡng tiêm vắc-xin.
Nhưng liệu sếp của bạn có thể khiến bạn phải đi tiêm vắc-xin không?
Câu hỏi này ngày càng được nhiều người mang ra tranh cãi giữa lúc có tin tức rằng vắc-xin Pfizer có thể sẵn sàng ra mắt vào đầu tháng Ba năm sau.
Phân tích của Đại học Quốc gia Úc Đại Lợi - Australian National University - cho thấy chỉ một phần ba trong số hàng nghìn người được khảo sát hồi đầu năm nay cho biết họ sẽ tiêm vắc-xin ngay khi có sẵn.
Một phần ba số người nữa lại nói rằng họ muốn nói chuyện với bác sĩ trước tiêm vắc-xin.
Nhưng, sáu phần trăm số người được khảo sát nói rằng họ chắc chắn sẽ không tiêm vắc-xin, và bảy phần trăm khác nói rằng họ “có thể sẽ không tiêm vắc-xin”.
'Do dự tiêm vắc-xin'
Đồng tác giả nghiên cứu, Phó Giáo sư Ben Edwards cho biết: “Nhìn chung, có nhiều mức độ do dự hoặc không muốn tiêm vắc-xin trong toàn xã hội Úc.”
Miễn cưỡng khi ở trong nhà là một chuyện, nhưng ở nơi làm việc thì sao?
Nhân viên có thể được yêu cầu tiêm vắc-xin COVID-19 như một phần yêu cầu trong công việc của họ không?
Các chuyên gia nói rằng nó phụ thuộc vào nơi làm việc.
Việc tiêm vắc-xin có thể là điều bắt buộc không?
Đầu năm nay, Thủ tướng Scott Morrison đã gợi ý rằng vắc-xin Covid-19 có thể là bắt buộc đối với tất cả mọi người, nhưng đã rút lại ý kiến này rất nhanh sau đó vài giờ và cho biết việc tiêm vắc-xin Covid sẽ là điều không bắt buộc.
Tuần này, một phát ngôn viên của Bộ trưởng Liên Bang về Quan Hệ Lao Động (Federal Minister for Industrial Relations), Christian Porter , nói với hãng truyền thông 7NEWS rằng các chi tiết xung quanh việc triển khai vắc-xin vẫn chưa được hoàn thành.
Phát ngôn viên này cho biết: “Đương nhiên sẽ có một số vấn đề cần được xem xét để chuẩn bị cho việc triển khai tiêm chủng, một số vấn đề trong số đó sẽ chỉ dành riêng cho những nơi làm việc cụ thể”.
“Chính phủ sẽ đưa ra những thông báo liên quan vào thời điểm thích hợp.”
Hướng dẫn cộng đồng
Một phát ngôn viên của cơ quan Fair Work Ombudsman cho biết “dự kiến rằng các cơ quan an toàn và sức khỏe của Chính phủ Liên bang, chính quyền các Tiểu bang và Vùng lãnh thổ sẽ cung cấp lời khuyên và / hoặc hướng dẫn thích hợp cho cộng đồng”.
Phát ngôn viên này cho biết: “Như một đề xuất chung, nhân viên được yêu cầu tuân thủ các hướng dẫn hợp pháp và hợp lý của người sử dụng lao động của họ.
"Liệu một hướng dẫn hoặc yêu cầu như vậy có hợp lý hay không sẽ phụ thuộc vào các trường hợp cụ thể."
Thư ký của Hội đồng Nghiệp đoàn Úc Đại Lợi - ACTU - Sally McManus cho biết tổ chức nghiệp đoàn này khuyến khích “mọi người nên chủng ngừa ngay khi vắc-xin được phê chuẩn và có sẵn”.
Cô nói với hãng truyền thông 7NEWS: “Một lá chắn hiệu quả chống lại loại virus này sẽ làm cho những người lao động tuyến đầu ứng phó tốt với đại dịch, họ làm những người đã đưa đất nước chúng ta vượt qua cuộc khủng hoảng này.
“Càng nhiều người được chủng ngừa, mọi người càng an toàn”.
Vấn đề phức tạp
Về mặt pháp lý, việc này là vấn đề phức tạp - và một lần nữa, nó phụ thuộc vào nơi làm việc.
Luật sư trưởng về quan hệ lao động của hãng luật Slater + Gordon Lawyers , Andrew Rich, nói: “Không có câu trả lời nào phù hợp cho tất cả mọi người trong vấn đền này”.
Ông nói thêm “Nhưng nghĩa vụ cơ bản của một nhân viên là tuân thủ chỉ đạo hợp pháp [từ người sử dụng lao động của họ] nếu hướng dẫn đó là hợp lý và hợp pháp,”
Nhưng Ông Rich lưu ý rằng việc tiêm phòng bắt buộc không phải là điều xa lạ ở các nơi làm việc ở Úc, với việc Chính Quyền tiểu bang Victoria hiện yêu cầu tiêm vắc-xin cúm cho các nhân viên y tế tuyến đầu.
Ông cũng chỉ ra rằng có nhiều công việc mà nhân viên cần phải gặp gỡ mặt đối mặt với khách hàng, trong khi có những công việc mà người lao động không nhất thiết phải tiếp xúc với người khác thường xuyên.
Ông nói: “Đó là do từng loại công việc một và chúng rất khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau.”
Những ai sẽ phản đối?
Phong trào chống vắc-xin có thể là nhóm phản đối đầu tiên khi mọi người nghĩ về việc chống tiêm chủng.
Kế tiếp, có những người có thể có phản ứng bất lợi về sức khỏe khi tiêm vắc-xin.
Nhưng đối với nhiều người, nguồn gốc của vắc-xin có thể dẫn đến sự phản đối vắc-xin vì lý do tôn giáo.
Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca / Đại học Oxford (mà Chính phủ Liên bang đã thỏa thuận cho 25 triệu liều nếu nó được chứng minh là có hiệu quả), sử dụng tế bào gốc được thu hoạch từ bào thai bị phá thai.
Đó là một vấn đề lớn đối với nhiều nhóm tôn giáo.
Vào tháng Tám, Tổng giám mục Công giáo thành phố Sydney, Anthony Fisher, Tổng giám mục Anh giáo thành phố Sydney và Vùng Thủ đô của tiểu bang NSW, Tiến sĩ Glenn Davies, và Tổng Giám Mục của Tổng giáo phận Chính thống giáo Hy Lạp của Úc, Tổng giám mục Makarios đã viết thư cho thủ tướng để bày tỏ quan ngại về khả năng xảy ra việc tiêm chủng bắt buộc.
Ông Rich nói “Đó sẽ là việc cân nhắc lợi hại về các đặc quyền nhân sinh. Không có một câu trả lời nào mà nó không làm nảy sinh ra nhiều vấn đề.”
Phát ngôn viên của Hội đồng Tự do Dân sự (Council for Civil Liberties) tiểu bang NSW, Stephen Blanks, đồng ý rằng đây là vấn đề phức tạp.
Ông nói với 7NEWS rằng “Nó phụ thuộc vào hoàn cảnh của việc làm và nhân viên; không có quy tắc chung cho tất cả mọi người, ”
“Có thể có nhiều lời biện minh hơn [đối với việc phải bắt buộc tiêm chủng] cho các nhân viên làm việc trong môi trường có nguy cơ cao tiếp xúc với nhiều người, nhưng cần phải thừa nhận rằng một số nhân viên có thể có lý do chính đáng để không tiêm vắc xin. “
Ông Blanks nói thêm: “Những điều này có thể được xếp vào lý do niềm tin tôn giáo cho đến lý do sức khỏe cá nhân, nghĩa là vắc xin không phù hợp với những người này.”
BBT.
Theo 7news.