Hình ảnh một góc của Tòa Nghị Viện ở Thủ đô Canberra. Nguồn: AAP / Lukas Coch

 

 

AUSTRALIA - Các vấn đề được quan tâm bao gồm việc thành viên các nhóm cánh hữu lan truyền chủ nghĩa nam giới độc hại, chủ nghĩa bài Do Thái ngày càng gia tăng và thiếu cơ sở dữ liệu minh bạch về tội phạm thù hận.

 

 

Chủ nghĩa cực đoan cực hữu là gì?

 

Thuật ngữ này đề cập đến những người hoặc tổ chức thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc cực đoan nhằm loại trừ một số nhóm nhất định.

 

Loại chủ nghĩa cực đoan này có thể phản đối các nguyên tắc và quy trình dân chủ, có thể bao gồm các nhóm coi bạo lực là cách hợp pháp để đạt được mục tiêu của họ.

 

Một cuộc điều tra của Nghị viện đang xem xét các mối đe dọa do các phong trào cực đoan này gây ra và nguy cơ bạo lực của chúng.

 

Giáo sư Michele Grossman, là Giám đốc Trung tâm Resilient and Inclusive Societies.

Bà nói với cuộc điều tra rằng có bằng chứng cho thấy mọi người ở mọi lứa tuổi ngày càng dính líu nhiều hơn đến các hệ tư tưởng cực đoan.

Bà nói "Chủ nghĩa cực đoan cực hữu gia tăng ở Úc và trên toàn thế giới, được hỗ trợ bởi các kết nối xã hội, hoạt động và tài chính kỹ thuật số.”

“Ngoài ra còn có sự giao thoa ngày càng tăng giữa các phong trào cực đoan cực hữu và các hệ tư tưởng liên kết với thuyết âm mưu, chủ nghĩa hận thù cực đoan, thái độ khinh thường phụ nữ cực độ và tác động phân cực của thông tin sai lệch về chính trị, tạo ra một môi trường thiếu sự thật, không chắc chắn, ngờ vực và phẫn uất.”

 

Lydia Khalil đến từ Mạng lưới giải quyết chủ nghĩa cực đoan bạo lực và cực đoan hóa thành chủ nghĩa khủng bố AVERT.

 

Cô nói với cuộc điều tra rằng Internet và sự thay đổi xã hội to lớn mà nó mang lại là một phần của vấn đề.

"Những thay đổi này tương ứng với sự phát triển của chủ nghĩa dân túy cực hữu, sự bất mãn với nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản toàn cầu, điều này cũng làm tăng sự mất lòng tin vào các chính phủ và thể chế dân chủ.”

“Úc có mức phúc lợi cao, tuy nhiên không tránh khỏi những động lực này trong sự phát triển, kèm với các xu hướng cực đoan và cực hữu.”

“Bạo lực cực đoan cánh hữu là mối quan ngại lớn. Nó thường có ranh giới lỏng lẻo giữa tội phạm hận thù và khủng bố có tổ chức. Bạo lực biểu hiện dưới dạng tội ác căm thù bên cạnh những trường hợp hiếm hoi của các cuộc tấn công gây thương vong hàng loạt nhắm vào dân chúng."

 

 

Úc đối diện với làn sóng cực hữu từ sự thay đổi nhân khẩu học

 

Tiến sĩ Khalil nói rằng việc thay đổi nhân khẩu học ở Úc có nghĩa là chủ nghĩa cực đoan cánh hữu không chỉ là một hiện tượng văn hóa đơn lẻ.

"Chúng ta thường nghĩ chủ nghĩa cực đoan cánh hữu là hiện tượng ở nam giới người Anh da trắng. Tuy nhiên, không may là biểu hiện của chủ nghĩa cực đoan cánh hữu được thể hiện trên các khía cạnh khác nhau của xã hội đa văn hóa.”

“Đó có thể là sự trỗi dậy của những người theo đạo Hindu do chủ nghĩa cực đoan, hoặc những người ủng hộ Putin, hoặc những cách diễn đạt theo chủ nghĩa phát xít cực đoan của người Croatia.”

“Điều quan trọng phải hiểu rằng những ý tưởng đó thể hiện qua các sắc tộc khắp các cộng đồng, cả ở Úc và trên toàn cầu cũng vậy."

 

Ông Itamar Livne, thay mặt Hiệp hội Dân chủ Do Thái Úc, nói với cuộc điều tra rằng cộng đồng Do Thái ở Úc vẫn là mục tiêu của chủ nghĩa cực đoan cánh hữu.

 

Hiệp hội đang kêu gọi Úc phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia và đưa ra định nghĩa về tội ác hận thù thay vì dựa vào các tổ chức phi lợi nhuận hoặc tình nguyện viên để cung cấp dữ liệu.

 

Hiện tại vẫn rất khó để xác định chính xác những gì đang xảy ra trên khắp đất nước.

 

Các tiểu bang và vùng lãnh thổ không có các phương pháp tương tự, điều này gây khó khăn cho việc xác định tội phạm thù hận.   

 

Ông Livne cho biết cùng với chủ nghĩa bài Do Thái ngày càng gia tăng, cũng có những lo ngại về sự hiện diện của các phần tử cánh hữu trong chính cộng đồng Do Thái.

 

Itamar Livne, Hiệp hội Dân chủ Do Thái Úc nói “Chúng tôi lo ngại về hoạt động của phe hoạt động cực hữu, bao gồm cả nỗ lực thâm nhập và chiêu mộ trong các cơ sở địa phương, cũng như việc tổ chức các sự kiện thu hút sự chú ý.”

"Thứ hai, chúng tôi lo ngại về mối quan hệ giữa một số bộ phận nhất định của cộng đồng Do Thái với các nhóm và hệ tư tưởng cực đoan, cánh hữu của Israel. Đặc biệt, chúng tôi lo ngại về mối liên hệ chính trị và tài chính giữa một số tổ chức Do Thái địa phương và các nhóm cực đoan ở Israel và vùng lãnh thổ bị chiếm đóng."

 

Ông Livne cho rằng những nhóm này gây ra mối đe dọa cho sự gắn kết xã hội.

“Hội đồng điều hành của người Do Thái Úc gần đây đã lên tiếng mạnh mẽ chống lại một tổ chức như vậy. Chúng tôi thấy ở Châu Âu và Hoa Kỳ ủng hộ chủ nghĩa cực đoan dân tộc như vậy.”

“Ở Hoa Kỳ, sự ủng hộ đến từ những người theo chủ nghĩa Phục quốc Thiên chúa giáo cánh hữu và những người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái cánh hữu, những người tin rằng người Palestine không có chỗ đứng trên vùng đất thánh.”

“Chúng tôi lo ngại rằng ở Úc sẽ xảy ra trường hợp tương tự, các mối liên hệ địa phương với các hệ tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Israel gây ra mối đe dọa cho sự gắn kết xã hội ở Úc, đặc biệt là khi căng thẳng gia tăng về vấn đề Israel-Palestine."

 

 

Gia đình là nền tảng để xóa bỏ chủ nghĩa cực đoan

Các nền tảng chơi game trực tuyến được những kẻ cực đoan sử dụng để khiến trẻ em và thanh thiếu niên tiếp xúc với những hệ tư tưởng cực đoan.

 

Cùng với các nền tảng chơi game dùng những câu chuyện bạo lực, nam tính độc hại cũng đóng một vai trò trong việc tạo ra các thành viên nhóm cánh hữu.

 

Giáo sư Josh Roose, từ Đại học Deakin, cho biết các cuộc điều tra quan trọng hiện đang được thực hiện để làm việc với các bé trai và nam giới là những tác nhân chính gây ra chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

"Chúng tôi biết rằng sự tức giận là động lực cốt lõi dẫn đến chủ nghĩa cực đoan bạo lực, do đó, có rất nhiều công việc đang diễn ra, đặc biệt ở đất nước này, trong bối cảnh có quan niệm sai lầm về bạo lực.”

“Các câu hỏi không chỉ về bạo lực gia đình, vẫn còn gây tranh cãi về mối liên hệ của nó với chủ nghĩa cực đoan, nhưng rộng hơn là vấn đề xoay quanh việc tại sao nam giới bị lôi kéo vào những nhóm này.”

“Nghiên cứu của riêng tôi đã xem xét việc sử dụng nam tính như một cơ chế tuyển dụng, nó được những kẻ tuyển mộ nhắm đến khi nói về sự tức giận, xấu hổ bằng cách gia nhập các nhóm và thuộc về một thứ gì đó lớn hơn chính bạn."

 

 

Phillip Galea (ở giữa) tại một cuộc biểu tình của nhóm cực hữu diễn ra ở Melbourne hồi năm 2016. Nguồn: AAP

 

 

Giáo sư Roose cho biết các chương trình giáo dục này tập trung tích cực vào cách đàn ông có thể đóng góp cho xã hội, cách thể hiện sự tôn trọng phụ nữ - những bước quan trọng trong việc giải quyết những bất bình đẳng tiềm ẩn trong tương lai có thể khiến các nhóm cánh hữu trở nên hấp dẫn.

 

Rana Ebrahimi, Giám đốc Quốc gia của Mạng lưới Vận động Thanh thiếu niên Đa văn hóa Úc, cho biết các chiến dịch giáo dục cần phải làm việc với các gia đình chứ không chỉ với giới trẻ.

 

Rana Ebrahimi nói, "Phòng ngừa và giáo dục là cách tốt nhất. Chúng ta không chỉ là giáo dục cho giới trẻ và phòng ngừa cho thế hệ trẻ, mà còn phải bao trùm các gia đình, đặc biệt là các bà mẹ vì họ có mối quan hệ thường xuyên với đứa trẻ. Họ có thể thấy những dấu hiệu thay đổi trong hành vi."

“Những người cha là những tấm gương, đặc biệt là trong những hành vi không đúng mực, cả gia đình và nhà trường cần được giáo dục và cung cấp thông tin để thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Đó là cuộc trò chuyện của cả quốc gia.”

 

Các phiên điều trần công khai vẫn đang tiếp tục.

 

Ủy ban Tham khảo Các vấn đề Hiến pháp và Pháp lý để điều tra phải báo cáo kết quả của mình trước tháng 12/2024.