Sau mức tăng lương gần đây của chính phủ, nhiều nhân viên chăm sóc người cao niên có mức lương hơn $40/giờ.

 

 

Hội phụ nữ Việt Úc đang nỗ lực đào tạo và chuyển dịch lực lượng lao động gốc Việt làm hãng sang nghề chăm sóc người già. Người Việt nổi tiếng với sự tận tụy, kỹ năng chăm sóc, kính trên nhường dưới và đang là nhóm được tìm kiếm trong ngành đòi hỏi nguồn lực con người vô hạn này. Nhiều công nhân người Việt từng làm hãng, nay tìm ra cơ hội mới trong lĩnh vực chăm sóc.

 

 

‘Từ làm hãng…đến một sự nghiệp đầy tự hào’

Chị Trần Thanh Nhạc, 42 tuổi, sống tại St Albans, hiện làm việc tại Australian Multicultural Community Services (AMCS) với vai trò nhân viên chăm sóc người cao niên tại gia.

 

Trước khi tìm được công việc mang lại cho chị niềm vui và hạnh phúc như hiện tại, chị từng làm công nhân ở một hãng giặt.

 

Trong suốt 4 năm làm việc ở đây, chị chia sẻ phải chịu đựng sự chèn ép của người quản lý, với mức lương khiêm tốn là $23 một giờ, trong điều kiện làm việc nguy hiểm, không an toàn.

 

“Em làm công việc gói đồ, em làm việc trong suốt 4 năm, bị họ bắt nạt, chèn ép. Họ bắt em làm những việc không an toàn, sửa máy móc.”

 

Họ bắt tụi em ký vào một hợp đồng bắt làm việc 3 năm mà chỉ tăng 32 xu mỗi giờ. Em rất thất vọng, ngày nào em cũng làm quá giờ 10 tiếng, em làm luôn cả vào ngày thứ Bảy.

 

Làm riết tay em bị giãn tĩnh mạch. Em đi khám bác sĩ thì bác sĩ nói phải coi lại công việc hiện tại, nhưng em không có lựa chọn. Em chỉ biết khóc thôi, không biết ai để nói chuyện quá, lúc đó em rất nản và tính chuyện chuyển qua hãng khác làm.

 

Chị Thanh Nhạc nói “Vị trí của em làm cần hai người mà chỉ có một mình em đứng làm, em hỏi người quản lý thì họ quát em, họ nói thiếu người. Nhưng mà thiếu người gì mà thiếu hoài, thỉnh thoảng thì được, đằng này một mình em phải làm việc của hai người.”

 

chị Thanh Nhạc nói với SBS “Nhiều khi máy bị kẹt, người quản lý bắt em sửa, nhưng đó không phải việc của em. Khi có mấy anh thợ đến sửa máy, em có hỏi họ thì họ bảo em không được đào tạo để có thể làm việc này”.

 

Chị Trần Thanh Nhạc chia sẻ niềm hạnh phúc và tự hào khi theo đuổi công việc chăm sóc người già. Ảnh: SBS

 

 

Rào cản về ngôn ngữ khiến chị không thể tìm được một công việc khác tốt hơn.

 

“Em không tự tin về tiếng Anh nên không biết phải làm ở đâu. Rồi em nói chuyện với một chị bạn, chị bạn động viên em đi học chăm sóc cao niên ở hội (phụ nữ) đi, chỗ đó dạy bằng tiếng Việt, có thầy giáo nói tiếng Việt, không hiểu gì thì hỏi.”

 

Sau 8 tháng hoàn thành khóa học, chị Thanh Nhạc có công việc mới tại AMCS chỉ 3 tuần sau khi tốt nghiệp.

 

Công việc mới không chỉ mang lại cho chị nguồn thu nhập cao hơn, $44 một giờ, sau khi chính phủ tăng lương cho nhân viên trong lĩnh vực chăm sóc cao niên, mà còn mang lại cho chị cảm giác tự hào khi được làm một công việc có ý nghĩa.

 

Chị Thanh Nhạc tâm sự. “Em rất thích công việc hiện giờ, đúng sở thích của em. Em vui lắm. Họ khen thưởng cho nhân viên giỏi, làm tốt.”

“Họ rất tôn trọng em, các bác lúc nào cũng cảm ơn em. Trách nhiệm của mình là nhân viên hỗ trợ, được hưởng lương đến chăm sóc các bác, nhưng mà các bác lúc nào cũng biết ơn. Công việc cũ em cống hiến hơn 4 năm, nhưng họ không bao giờ nói một lời cảm ơn”.

 

 

Người Việt có thể dẫn đầu trong lĩnh vực chăm sóc

Người Úc gốc Việt làm việc trong các nhà máy thường đảm nhận một vai trò trong dây chuyền sản xuất, đóng gói, vận hành máy móc, giết mổ gia súc. Nhiều người chấp nhận làm việc nhiều giờ trong điều kiện khó khăn để nuôi sống gia đình và xây dựng cuộc sống mới tại Úc.

 

Làm việc trong hãng là kinh nghiệm mang tính cộng đồng, nhiều người Việt tìm được việc làm hãng qua người quen giới thiệu. Những mạng lưới này giúp những người mới đến có được việc làm và vượt qua những thách thức đầu tiên tại Úc để hội nhập.

 

Năm 2023, 10 sinh viên tốt nghiệp trong số 62 sinh viên tốt nghiệp khóa chăm sóc cá nhân của AVWA đã chuyển từ nhà máy sang ngành chăm sóc người già và người khuyết tật.

 

 

Hội phụ nữ Việt Úc (AVWA), một tổ chức vô vụ lợi tại Melbourne nhận thấy một cơ hội mới cho lực lượng lao động gốc Việt tại các hãng xưởng. Bà Nicky Chung, CEO của hội chia sẻ tầm nhìn tuyệt vời trong việc giúp người Việt chuyển đổi từ công việc nhà máy sang chăm sóc người cao niên.
 

bà Nicky Chung, là giám đốc điều hành của Hội phụ nữ Việt Úc AVWA, nói “Ngôn ngữ không bao giờ nên là rào cản, ngăn mọi người đóng góp có ý nghĩa cho cộng đồng. Nhiều người Việt di cư đến Úc phải làm việc tại nhà máy do trình độ tiếng Anh hạn chế, thường là để hỗ trợ gia đình ở đây và gửi tiền về Việt Nam.”

“Chúng tôi mong muốn tạo ra cơ hội cho những người lao động này chuyển đổi từ công việc ở hãng sang một sự nghiệp có ý nghĩa, đáng trân trọng trong lĩnh vực chăm sóc người già, nơi họ thực sự có thể tìm thấy tiếng gọi của mình.”

 

Bà Nicky cho biết trở ngại chính mà người Việt phải đối mặt khi chuyển từ công việc nhà máy sang ngành chăm sóc người cao niên là ngôn ngữ và thời gian.

“Những trở ngại chính là trình độ ngôn ngữ, thời gian cũng như nỗ lực cần thiết để hoàn thành khóa học. Chứng chỉ III về Hỗ trợ Cá nhân (Người cao tuổi và Khuyết tật) của AVWA được công nhận trên toàn quốc và được giảng dạy bằng tiếng Anh. Khóa học mất từ 6 đến 8 tháng để hoàn thành, bao gồm 120 giờ thực tập, có thể là thách thức với những người đang đi làm để lo cho gia đình.”

“Đó là lý do chúng tôi đang thay đổi cách cung cấp chương trình đào tạo của mình, để phù hợp với những người vẫn cần duy trì thu nhập trong khi đi học.”

 

Mô hình học tập kết hợp (hybrid) giúp người học có thể kết hợp học trực tuyến và học vào buổi tối sau giờ làm việc, cho phép những người cha, người mẹ trong gia đình có thể đi làm ban ngày để kiếm tiền lo cho gia đình, kết hợp học ban đêm để hoàn thành chứng chỉ nghề.

 

Tại Úc, các ngành nghề lao động chân tay và nhà máy đang được chuyển dịch sang các nước đang phát triển hoặc tự động hóa, nhiều nhà máy tại Úc phải đóng cửa sau COVID, nhiều công nhân làm hãng đối mặt với việc bị sa thải. Trong khi đó, việc chăm sóc lại là ngành nghề đang ‘lên ngôi’ tại Úc, chỉ có thể thực hiện bằng tình yêu thương và sự tôn trọng.

 

Ông Lưu Ngọc Huy, giám đốc điều hành của AVWA nhận định người Việt có những tố chất tuyệt vời để dẫn đầu trong ngành nghề này.

Ông Lưu Ngọc Huy nói “Công việc này đòi hỏi sự quan tâm, tình yêu thương và niềm đam mê để giúp những người dễ bị tổn thương cảm thấy được tôn trọng, duy trì sức khỏe cũng như sự độc lập của họ trong cộng đồng lâu nhất có thể.”

“Người Việt chúng ta có bản tính thích chăm sóc người khác, kính trên nhường dưới, hãy nhìn cách những người mẹ chăm sóc con cái trong gia đình, cách con cháu cư xử với ông bà. Do đó, rất nhiều cộng đồng sắc tộc mong muốn được người Việt chúng ta chăm sóc cho họ.”

“Chúng tôi hiểu những thách thức mà công nhân nhà máy phải đối mặt khi tìm kiếm bằng cấp trong ngành chăm sóc. Để giải quyết những thách thức này, chúng tôi cung cấp các khóa học tiếng Anh và có đội ngũ nhân viên hỗ trợ đào tạo song ngữ để hỗ trợ sinh viên từ khi đăng ký đến khi thực tập và tìm kiếm việc làm”.

“Mô hình học tập kết hợp (hybrid) giúp người học có thể kết hợp học trực tuyến và học vào buổi tối sau giờ làm việc, cho phép những người cha, người mẹ trong gia đình có thể đi làm ban ngày để kiếm tiền lo cho gia đình, kết hợp học ban đêm để hoàn thành chứng chỉ nghề.”

 

Với chị Thanh Nhạc, cuộc sống nay đã trở nên vô cùng ý nghĩa khi chị tìm thấy một sự nghiệp cao quý và đáng tự hào.
“Em cảm thấy rất vui vì mình giúp được các bác cao niên được sống ở nhà, không phải vào viện dưỡng lão, gia đình các bác cũng thấy yên tâm. Em đến chăm sóc, tắm rửa, đưa các bác đi chơi. Cha mẹ em mất rồi nên giờ em được chăm sóc các bác em thấy rất quý.”

 

 

Câu chuyện của chị Trần Thanh Nhạc là minh chứng cho sức mạnh của sự kiên trì và lòng quyết tâm, khi dũng cảm từ bỏ một công việc áp lực để chinh phục một sự nghiệp mà chị yêu thích.


 

Hành trình vượt ra khỏi vùng an toàn của chị là một câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều người khác, đặc biệt là những người đang làm việc trong điều kiện khó khăn, để họ mơ ước và theo đuổi những cơ hội tốt đẹp hơn.

 

  • Năm 2023, 10 sinh viên tốt nghiệp trong số 62 sinh viên tốt nghiệp khóa chăm sóc cá nhân của AVWA đã chuyển từ nhà máy sang ngành chăm sóc người già và người khuyết tật. Gần 80% có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, nhiều người thậm chí có công việc trong thời gian thực tập.
  • Năm 2024, 26 sinh viên đã hoàn thành khóa học vào tháng 7-8 năm 2024. Có ít nhất 2-3 sinh viên tốt nghiệp đã nhận được lời mời làm việc từ các nhà cung cấp dịch vụ thực tập trong thời gian thực tập.
  • Nhiều sinh viên tốt nghiệp nhận được lời mời làm việc sau khi tốt nghiệp (cả từ AVWA HCP/ADS và các nhà cung cấp dịch vụ thực tập).