Ngày 16-4, Tòa án Liên bang Úc ra phán quyết cho rằng Google đã lừa dối người dùng về việc thu thập dữ liệu vị trí cá nhân thông qua các thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android.

 

 

 

Do vậy, dù người dùng từ chối chia sẻ thông tin vị trí, những thông tin này vẫn có thể bị Google thu thập và sử dụng. Theo ABC News, Google có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới hàng triệu USD sau phán quyết nói trên.

 

 

 

Trước đó, Google đã bị Ủy Hội Cạnh Tranh và Người Tiêu Dùng Úc Đại Lợi (ACCC) khởi kiện với cáo buộc công ty thu thập dữ liệu vị trí người dùng trái phép qua điện thoại Android trong các năm 2017 và 2018. Vụ việc tập trung vào hai cài đặt cụ thể của Google đã ảnh hưởng đến việc thu thập dữ liệu vị trí đó là “lịch sử vị trí” và “hoạt động web và ứng dụng”.

 

 

 

 

 

Trụ sở chính của Google ở Mountain View, California, Hoa Kỳ. Ảnh: theonlinecitizen.com

 

 

 

 

 

 

Google từng tuyên bố, hãng chỉ thu thập thông tin từ tính năng lịch sử vị trí trên các thiết bị của người dùng từ tháng 1-2017 đến 12-2018. Tuy nhiên, khi người dùng bật tính năng kiểm soát hoạt động duyệt web và sử dụng ứng dụng, cũng sẽ đồng thời mặc định cho phép Google thu thập, lưu trữ và sử dụng số dữ liệu này. Google không báo cho người dùng rằng họ cần phải tắt cả hai tính năng này thì mới ngăn được công ty tiếp tục thu thập dữ liệu.

 

 

 

Phán quyết ngày 16-4 của Tòa án Liên bang Úc đã đứng về phía ACCC khi cho rằng Google đã vi phạm luật tiêu dùng Úc khi thu thập lịch sử vị trí của một số người dùng kể cả khi họ đã từ chối chia sẻ thông tin. Tuy vậy, Thẩm phán Tòa án Liên bang Thomas Thawley chỉ đồng ý một phần với vụ kiện chống Google của ACCC, cho rằng không phải tất cả người tiêu dùng đều bị Google lừa dối.

 

 

Trước đây, đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra vấn đề dữ liệu vị trí vẫn bị thu thập thông qua các thiết bị Android và iPhone, kể cả sau khi người dùng tin rằng họ đã không cho phép điều này. Các nhà quảng cáo cần có những dữ liệu giá trị này để tìm cách thúc đẩy doanh số bán hàng và dịch vụ liên quan đến vị trí. Tuy nhiên, ACCC, cơ quan khởi kiện Google, khẳng định phán quyết trên là hành động pháp lý đầu tiên trên thế giới về vấn đề này. Theo Chủ tịch ACCC, Rod Sims, đây là chiến thắng quan trọng đối với người tiêu dùng, đặc biệt là những ai đang lo ngại về quyền riêng tư trực tuyến. Quyết định của tòa đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới Google và các hãng công nghệ khác rằng các tập đoàn lớn không được lừa dối người tiêu dùng. Ông nhấn mạnh quyết định này là bước đi quan trọng nhằm bảo đảm các nền tảng số phải thông báo rõ ràng cho người tiêu dùng về mục đích sử dụng dữ liệu và họ cần làm gì để bảo vệ những thông tin này.

 

 

 

Đối với phán quyết trên của Tòa án Liên bang Úc, Google cho biết công ty đang xem xét nhiều phương án, trong đó có khả năng khiếu nại. Theo Google, công ty đã cung cấp biện pháp kiểm soát chặt đối với dữ liệu về vị trí, điển hình như lựa chọn xóa tự động lịch sử vị trí, tạo điều kiện cho người dùng kiểm soát dữ liệu dễ dàng hơn.

 

 

 

Theo nguồn tin ABC News, với vụ kiện này, Google có thể phải đối mặt với hình phạt lên tới 1,1 triệu đô-la cho mỗi vi phạm. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Google bị kiện vì hành vi thu thập vị trí người dùng dù không được phép. Nhiều đơn kiện trước đây đã cáo buộc gã khổng lồ công nghệ này theo dõi người dùng thông qua vị trí, hành vi duyệt web, thậm chí là thu thập thông tin cá nhân của trẻ em mà không có sự đồng ý của phụ huynh... Google đã phải chi hàng triệu đô-la chỉ riêng tại Mỹ cho các khoản tiền phạt về vi phạm quyền riêng tư, nhưng con số này không đáng là bao so với doanh thu khủng mỗi năm của gã khổng lồ này.