Hiệp hội các nhà bán lẻ Úc ước tính người Úc sẽ chi 1,25 tỷ đô-la vào Ngày tặng quà năm 2023. Nguồn: AAP / AAP

 

 

AUSTRALIA - Những người săn hàng giảm giá dịp cuối năm đang được nhắc nhở về quyền lợi của họ, bao gồm việc họ có quyền yêu cầu hoàn tiền đối với các mặt hàng giảm giá giống như đối với các sản phẩm nguyên giá.

 

Khi hàng ngàn người đổ xô đến các cửa hàng để săn “sale” vào dịp cuối năm, người tiêu dùng được khuyên nên tìm hiểu quyền lợi của mình để không bị thiệt thòi khi mua phải sản phẩm kém chất lượng.

 

Hiệp hội các nhà bán lẻ Úc ước tính người Úc sẽ chi 1,25 tỷ đô-la cho các giao dịch “chưa từng có”, với người mua sắm hy vọng kiếm được nhiều món hời trong đợt giảm giá Boxing Day.

 

Còn ngân hàng lớn nhất nước Úc thì ước tính cứ hai người thì có một người tham gia mua sắm, với chi tiêu tổng cộng khoảng 4,6 tỷ đô-la.

 

Chuyên gia tài chính cá nhân Jess Irvine thuộc Ngân hàng Commonwealth cho biết, trong khi nhiều người dự định mua sắm trong dịp giảm giá Boxing Day hơn những năm trước, thì số tiền chi tiêu theo kế hoạch lại ít hơn.

 

Mức chi tiêu trung bình theo kế hoạch trong năm nay là $475,70, so với $483,20 trong năm 2022 và $557,05 trong năm 2021.

 

 

Các chuyên gia trong ngành bán lẻ cho biết không phải mọi người bất chấp áp lực chi phí sinh hoạt nhưng tại vì mọi người muốn chi tiêu thoải mái cho dịp lễ Ngày Tặng quà. Nguồn: AAP/aap

 

 

Cho dù sản phẩm có được giảm giá hay không, khách hàng vẫn có quyền được hoàn tiền như nhau.

 

Theo chính phủ Victoria, các cửa hàng tuyên bố không hoàn tiền cho các mặt hàng giảm giá hoặc quà tặng, có thể đang gây hiểu lầm và lừa đảo theo Luật Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Úc.

 

Sau đây là những điều bạn cần biết về quyền lợi người tiêu dùng.

 

 

Khi nào thì bạn có thể yêu cầu hoàn tiền?

Khi mua một sản phẩm được giảm giá, người mua vẫn có các quyền lợi giống như khi mua sản phẩm nguyên giá.

 

Nếu nó bị lỗi, người mua có quyền yêu cầu sửa chữa, thay thế hoặc hoàn tiền.

 

Tuy nhiên, nếu khách hàng đã được thông báo về lỗi của sản phẩm trước khi mua, thì họ không thể yêu cầu hoàn tiền cho lỗi đó.

 

Cửa hàng cũng có thể từ chối hoàn tiền, đổi hàng hoặc sửa chữa nếu khách hàng đổi ý, hoặc nếu sản phẩm bị lỗi do sử dụng sai mục đích.

 

Quyền Ủy viên Thương mại Công bằng NSW, ông John Tansey, cho biết “Các nhà bán lẻ có trách nhiệm bảo đảm sản phẩm của họ đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc, nhưng người tiêu dùng cũng cần phải tự tìm hiểu trước khi mua, nếu không họ có thể lâm vào tình huống khó khăn.”

 

Các doanh nghiệp cũng có thể đang gây hiểu lầm cho người tiêu dùng nếu họ khăng khăng yêu cầu hoàn lại tiền dưới dạng điểm tín dụng (credit).

 

Và nếu bạn được ai đó tặng một sản phẩm vào dịp Giáng sinh, bạn cũng có các quyền tương tự như người mua.

 

 

Thẻ quà tặng có thời hạn ba năm

Mặc dù thẻ quà tặng thường có ngày hết hạn, nhưng bạn không cần phải sử dụng chúng ngay lập tức.

 

Ngay cả khi thẻ hết hạn trong vòng một năm, bạn vẫn có ít nhất ba năm để sử dụng chúng theo sự bảo đảm của Luật Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Úc.

 

Ngoài ra, các doanh nghiệp không được tính phí sau khi mua hàng hoặc phí quản lý như phí kích hoạt, phí giữ tài khoản hoặc phí kiểm tra số dư. Tuy nhiên, họ vẫn có thể tính những khoản như phí giao dịch ở nước ngoài, phí đặt chỗ hoặc phụ phí thanh toán.

 

 

Hãy cảnh giác với các gói bảo hành mở rộng

Khách hàng nên kiểm tra xem họ có được hưởng các lợi ích do gói bảo hành mở rộng mang lại hay không trước khi quyết định mua chúng.

 

Khách hàng cũng nên cảnh giác khi nhà cung cấp hoặc nhà sản xuất tư vấn cho người tiêu dùng rằng thời gian bảo hành mở rộng sẽ mang lại sự bảo vệ bổ sung mà người tiêu dùng sẽ không có được trừ khi họ mua nó.

 

 

 

 

-- Giải thích về Luật Người Tiêu Dùng Úc.

Bạn có biết Bảo Đảm Người Tiêu Dùng áp dụng cho bất kỳ hàng hóa hoặc dịch vụ nào được bán ở Úc không?

 

 

 

 

Hãy là người tiêu dùng thông minh

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề của người tiêu dùng ở Victoria, bà Gabrielle Williams, kêu gọi người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi của mình, đồng thời nói thêm rằng thời gian nghỉ lễ là để thư giãn chứ không phải đểđối phó với “lừa đảo”.

“Mặc dù không có lý do gì để biện hộ cho việc nhà bán lẻ không biết nghĩa vụ của mình, nhưng chúng tôi kêu gọi người tiêu dùng nên biết quyền lợi của mình và lên tiếng nếu thấy điều đó sai trái.”

 

Theo ông Tansey, nếu mua hàng bị lỗi, khách hàng có quyền yêu cầu sửa chữa, thay thế hoặc hoàn tiền theo Luật Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Úc.

 

Ông nói “Việc mua sắm thông minh vẫn có lợi,”

“Bạn có thể tránh sự thất vọng trong mùa lễ hội bằng cách kiểm tra chính sách hoàn trả của cửa hàng cũng như đọc các điều khoản và điều kiện của cửa hàng trực tuyến trước khi thêm hàng vào giỏ, và giữ kỹ biên lai phòng trường hợp sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.”