Một hình ảnh được cung cấp, thu thập vào Thứ Bảy, ngày 12 tháng 7 năm 2025, cho thấy hình ảnh từ trên không của chiếc xe van bị bỏ lại của Carolina Wilga. Ảnh Nguồn: AAP / Được cung cấp bởi Lực lượng Cảnh sát Tây Úc) Credit: SUPPLIED BY WESTERN AUSTRALIA POLICE FORCE/PR IMAGE
Các cơ quan hữu trách và chuyên gia đang kêu gọi du khách tại Úc tuân thủ những biện pháp an toàn và sinh tồn quan trọng khi mạo hiểm đến các khu vực hẻo lánh. Lời cảnh báo được đưa ra, sau vụ một nữ du khách ba lô trẻ người Đức, mới đây được tìm thấy sau khi sống sót sau 11 đêm, trong vùng hẻo lánh rộng lớn ở Tây Úc.
Nạn nhân là Carolina Wilga, 26 tuổi, đầu đã bị đập vào xe sau khi lạc tay lái chiếc xe van, sau đó đi lang thang khỏi chiếc xe bị sa lầy và chống chọi với cái lạnh thấu xương cùng điều kiện khắc nghiệt, trước khi được giải cứu vào ngày thứ Sáu tuần trước
Quyền Phó thanh tra cảnh sát Jessica Securo thuộc lực lượng cảnh sát Tây Úc, trong cuộc họp báo cuối tuần qua cho biết.
"Cô ấy ở lại với chiếc xe trong một ngày sau khi xe bị sa lầy, rồi sau đó rời khỏi đó. Như vậy là cô ấy thực sự ở ngoài vùng hoang dã suốt 11 đêm – điều này là rất đáng kể và cho thấy cô ấy thật may mắn khi được tìm thấy an toàn và khỏe mạnh. Cô ấy đã nhìn theo hướng mặt trời và cố gắng đi về hướng tây, nghĩ rằng đó là cơ hội tốt nhất để gặp ai đó hoặc tìm thấy con đường."
Bà mô tả chi tiết cách mà nữ du khách ba lô người Đức, 26 tuổi, đã sống sót một mình trong cuộc hành trình đầy thử thách kéo dài 12 ngày nơi hoang dã.
Được biết, Carolina Wilga hiện đang hồi phục tại một bệnh viện ở Perth, sau gần hai tuần bị lạc ở vùng hẻo lánh của Tây Úc.
Carolina Wilga trong lúc được điều trị trong nhà thương (Ảnh: Cảnh sát Tiểu bang Tây Úc – ABC News)
Cô đang được điều trị tình trạng mất nước và một số vết thương nhẹ, hiện đã an toàn, đi lại được và cuối tuần qua đã đoàn tụ với người thân.
Phó thanh tra Securo cho biết, gia đình cô ở Đức rất xúc động.
"Họ không thể tin rằng, cả một cộng đồng lại có thể cùng nhau huy động mọi nguồn lực, để tìm kiếm con gái của họ."
Từ bệnh viện, cô Wilga chia sẻ lý do vì sao cô rời khỏi chiếc xe, cho biết cô đã bị đập đầu vào xe sau khi lạc tay lái và buộc phải rời khỏi chiếc xe sa lầy, trong trạng thái hoang mang.
Trong một tuyên bố từ cảnh sát, cô Wilga cũng bày tỏ lòng cảm ơn đến người tài xế đã phát hiện ra cô vào thứ Sáu tuần trước, cũng như cảm ơn lực lượng cảnh sát, đội tìm kiếm và các nhân viên y tế.
Tania là người phụ nữ đã phát hiện ra cô.
Bà kể lại với ABC khoảnh khắc thấy cô Wilga.
"Tôi nhận ra cô ấy ngay lập tức. Lúc đó tôi đang quay về từ Beacon, vì vừa đi lấy rơ-moóc và vâng, cô ấy đứng bên vệ đường vẫy tay.”
Được biết cô Wilga rời quê nhà Castrop-Rauxel [[KUSS-trop ROWKS-ill]] ở Đức, với ước mơ lớn lao là muốn khám phá mọi ngóc ngách của đất nước rộng lớn này.
Cô đã đi bộ suốt 11 ngày, ngủ trong hang, sống sót bằng cách uống nước mưa và nước đọng trên mặt đất.
Trong khi đó Caro Ryan là Phó chỉ huy đơn vị tìm kiếm và cứu nạn rừng núi của SES, thuộc tiểu bang New South Wales.
Bà khuyến nghị, người ưa phiêu lưu mạo hiễm nên áp dụng phương pháp TREK, khi du lịch tại Úc.
“Từ viết tắt TREK nghĩa là: T – Take everything you need – mang theo tất cả những gì bạn cần. Gồm thực phẩm, nước uống, mang dư ra một chút đề phòng bị trì hoãn. Mang theo bộ sơ cứu, quần áo ấm, bản đồ và la bàn, hoặc ứng dụng định vị tốt. Nhất định phải có pin dự phòng, sạc điện thoại để điện thoại luôn hoạt động.”
Bà cho biết bản đồ giấy cũng rất hữu ích và có nhiều danh sách đồ cần mang trên mạng.
"R là Register your intention, tức thông báo dự định của bạn. Tức là nói rõ cho ai đó biết bạn sẽ đi đâu, theo tuyến đường nào, gửi xe ở đâu, đi bao lâu và cũng thông báo khi bạn trở về."
Bà Ryan nhấn mạnh, việc mang theo thiết bị định vị cá nhân hay PLB, có thể cứu mạng.
"E là Emergency communications – liên lạc khẩn cấp. Ở những nơi hoang dã tại Úc, rất nhiều nơi không có sóng điện thoại. Vì vậy, thiết bị như PLB hay máy định vị cá nhân, là thiết bị nhỏ gọn trong lòng bàn tay, có thể mua hoặc thuê, và thực sự có thể cứu mạng."
Và cuối cùng là làm quen với hành trình dự định.
"K là Know your route and stick to it – biết rõ tuyến đường của bạn và đi đúng lộ trình đó. Tức là lên kế hoạch phù hợp với kinh nghiệm, thể lực và kỹ năng của bản thân. Ở Úc, có hệ thống phân loại đường đi bộ từ cấp 1 đến cấp 5, trong đó cấp 5 là khó khăn nhất."
Còn Trung sĩ Jim Armstrong thuộc Đội Ứng phó Khẩn cấp Cảnh sát Tây Úc cho biết, việc nghiên cứu và chuẩn bị là chìa khóa, từ việc thông báo với người khác đến việc chọn quần áo và thiết bị phù hợp.
Trung sĩ Jim Armstrong nói, “Một điều chúng tôi khuyến nghị là, dùng bản đồ ngoại tuyến hay offline mapping. Với hầu hết điện thoại có Google Maps, trong phần cài đặt bạn có thể tải trước bản đồ khu vực định đi, để vẫn dùng được dù không có sóng.”
Trung sĩ Armstrong nói rằng, nhiều người thường mạo hiểm làm những điều vượt quá khả năng của họ.
"Chúng tôi thường thấy, người ta cố gắng làm những chuyến off-road nghiêm trọng bằng xe thường, vốn hoàn toàn không phù hợp với địa hình. Nên điều quan trọng là xe phải phù hợp và được kiểm tra kỹ trước khi khởi hành. Khi lên kế hoạch, hãy xem xét các nguồn lực bạn có và chuẩn bị phương án tự cứu, nếu có trường hợp bất trắc xảy ra."
Luôn được khuyến nghị là nên ở lại với xe, nhưng nếu điều đó không khả thi, ông nói nên để lại dấu vết rõ ràng.
"Nếu đến ngã ba hoặc phải chọn đi trái hay phải, hãy để một đống đá trên đường với mũi tên làm từ que gỗ chỉ hướng bạn đã đi. Điều đó sẽ giúp đội tìm kiếm dễ dàng xác định hướng. Khi dừng lại nghỉ qua đêm, hãy đốt lửa nhỏ – tất nhiên là phải kiểm soát không để cháy lan – nhưng khói và ánh sáng từ lửa có thể giúp máy bay hoặc trực thăng dễ phát hiện."
Trung sĩ Armstrong cho biết bất kỳ vật phản chiếu nào như gương, cũng có thể thu hút sự chú ý về vị trí của bạn.
Bất chấp tất cả những gì đã trải qua, cảnh sát Tây Úc cho biết cô Wilga vẫn yêu nước Úc và dự định sẽ tiếp tục hành trình, bao gồm cả chuyến đi sang bờ đông đất nước.