Chính phủ Liên bang cung cấp khoản tài trợ một triệu đô-la nhằm cải thiện tính bền vững trong ngành công nghiệp thời trang ở Úc. Nguồn: Getty

 

 

 

 

Ngành kỹ nghệ thời trang trị giá hàng tỷ đô-la nay phải đối mặt với những tính toán về môi trường. Cứ mỗi 10 phút, có khoảng sáu tấn quần áo bị thải vào các thùng rác ở Úc. Chính phủ Liên bang sẽ có hành động nhằm cắt giảm lượng rác thải thời trang trong 10 năm tới.

 

 

Phong toả đã qua và Giáng sinh sắp đến, người Úc một lần nữa lại làm mới tủ quần áo của mình.

 

 

Tuy nhiên những món hàng thời trang bây giờ không chỉ đẹp mà còn phải mang tính bền vững nữa.

 

Tôi nghĩ điều thật sự quan trọng lúc này mà bạn bè của tôi, những người thuộc nhóm tuổi của tôi, cũng như tất cả chúng ta đều đang tìm kiếm đó là chất lượng phải thật sự tốt và những mặt hàng tồn tại được trong 10 đến 15 năm tới.

 

 

Cô Mary Lou Ryan, người đồng sáng lập thương hiệu Bassike của Úc, nói đây là tâm lý chung của khách hàng.

 

Chúng tôi ngày càng nghe thấy điều này nhiều hơn tại các cửa hàng. Khách hàng có ý thức hơn về sản phẩm mà họ mua, họ muốn biết nguyên liệu lấy từ đâu, họ muốn biết ai đang sản xuất món hàng may mặc của họ.

 

 

 

Tại Úc, thời trang là một ngành kỹ nghệ trị giá 27 tỷ đô-la, và kỹ nghệ này đã thay đổi với sự xuất hiện của những cửa hàng thời trang nhanh, cung cấp những phong cách thời trang mới nhất với giá rẻ.

 

 

Trong 10 năm vừa qua, các thương hiệu thời trang nhanh, chủ yếu đến từ nước ngoài, đã thành công rực rỡ trên các đại lộ của Úc.

 

 

Nhưng các thương hiệu này cũng bị cho là đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng môi trường ngày càng gia tăng, bị cáo buộc là đã tạo ra một số lượng lớn quần áo rẻ tiền bị vứt bỏ ngay sau một vài lần sử dụng và kết thúc vòng đời nhanh chóng tại các bãi rác.

 

 

Tổng trưởng Môi sinh Sussan Ley nói lĩnh vực này có thể làm tốt hơn.

 

Có quá nhiều hàng thời trang của Úc là loại sử dụng nhanh, kém chất lượng và dễ dàng bị vứt bỏ. Người Úc trung bình mua 27 ký quần áo mỗi năm và vứt đi 23 ký.

 

 

Chính phủ Liên bang đặt mục tiêu khôi phục 80% chất thải, bao gồm hàng dệt may vào năm 2030.

 

 

Một triệu đô-la đã công bố đầu tư cho hội đồng thời trang Úc để kỹ nghệ này cùng nhau giải quyết vấn đề.

 

 

Lời tuyên bố chào mừng đến từ Aleasha McCallion - một nhà nghiên cứu tại Học Viện Phát triển Bền vững Monash:

 

Vâng, đây hoàn toàn là một sự khởi đầu tuyệt vời. Nó vốn đã quá hạn, và thật tuyệt vời khi thấy chính phủ liên bang cam kết hỗ trợ mối quan hệ hợp tác, tập hợp các chuyên gia trong ngành, do hội đồng thời trang Úc dẫn đầu. Và chúng tôi biết rằng sẽ làm được nhiều điều hơn nữa, vì vậy đây hoàn toàn là một sự khởi đầu tuyệt vời.

 

 

Trọng tâm của kế hoạch là sẽ quản lý về sự tác động môi trường của quần áo, trong suốt vòng đời của sản phẩm, từ khi sản xuất đến lúc tái chế.

 

 

Kellie Hush là quyền giám đốc điều hành của hội đồng thời trang Úc.

 

Chúng ta cần bắt đầu quyết định có ý thức hơn về việc mua sắm của mình. Và thật sự nghĩ về những gì chúng ta đang mặc, nơi sản xuất và kết thúc của sản phẩm sẽ là như thế nào, bởi vì đây sẽ thật sự là cội nguồn, là cái nôi của một nền thời trang mà chúng ta muốn tạo ra, ngay từ đầu quá trình là phải không gây ô nhiễm, và vào cuối quá trình cũng không gây ô nhiễm.

 

 

Julie Bolton, đến từ Học Viện Phát triển Bền vững Monash, giải thích rằng thời trang bền vững không chỉ có tái chế.

 

 

Mà một quy trình sản xuất sạch cũng rất cần thiết.

 

Nếu bạn muốn liên kết thời trang với khí hậu và các tham vọng về khí hậu, thì tôi nghĩ chúng ta đã quên mất nguồn gốc của chuyện này. Tất cả đều đến từ một chỗ nào đó. Và để biến nó trờ thành một điều gì đó, thì quá trình phải diễn ra như thế nào? Chúng ta sẽ phải làm gì? Sử dụng hỗn hợp năng lượng gì? Với quần áo cũng vậy, chẳng hạn quần áo sẽ phát triển ở đâu, chất liệu được trồng như thế nào? Được chuyển đến nhà máy ở đâu? Quy trình nó được sản xuất thành mảnh vải để dệt thành quần áo đó? Nó sẽ được vận chuyển đến Úc như thế nào? Hay nó sẽ được thực hiện trong nước? Hay một phần được thực hiện ở nước ngoài? Tất cả những yếu tố này, đúng vậy, tất cả đều ảnh hưởng đến lượng khí thải carbon của một món quần áo.

 

 

Chuyên gia thiết kế thời trang và giảng viên trường Đại học UTS tại Sydney, Timo Rissanen, cũng hoan nghênh hành động từ chính phủ.

 

 

Nhưng ông nói đã lâu lắm rồi chúng ta mới suy nghĩ lại về cách chúng ta đã mua quần áo như thế nào.

 

 

Ông cảnh báo các mô hình kinh doanh thời trang nhanh, ưu tiên sự hài lòng tức thì, sẽ phải bị thử thách để tạo ra những tác động tích cực cho môi trường.

 

Trong 20 năm qua, việc sản xuất và tiêu thụ quần áo trên toàn cầu đã tăng gấp đôi. Và do đó, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ quần áo đã vượt qua tốc độ tăng dân số. Điều này nói lên một khía cạnh của nền văn hóa tiêu thụ mà chúng ta cần phải đối phó.

 

 

 

Bà Hush đồng ý và nói chúng ta cần phải suy nghĩ lại về mối liên hệ với quần áo mình đang mặc.

 

Khi thời trang nhanh đi đến đất nước này, chúng tôi được dạy rằng đó là về việc bạn mua một mặt hàng giá rẻ, rồi hầu như sẽ quay lại vào tuần sau và tìm kiếm một món khác, và bạn biết đấy, một lần nữa, bạn biết đấy, phụ nữ đặc biệt sẽ mua một chiếc váy cho một sự kiện, và sau đó không bao giờ mặc lại nó nữa. Và bạn biết đấy, chúng ta cần phải chấm dứt điều này. Tôi nghĩ chúng ta cần nói chuyện với những người tiêu dung, đặc biệt là người trẻ tuổi để họ biết rằng, họ cần đầu tư vào một thứ gì đó sẽ tồn tại lâu dài, chứ không phải chỉ mất năm phút cho một lần mặc.

 

 

Bí quyết bán hàng đơn giản – đó là sự bền vững sẽ không bao giờ lỗi thời.