Ahmad Shah Shahi, cựu thông dịch viên của Lực Lượng Quốc Phòng Úc Đại Lợi. Nguồn: SBS

 

 

 

 

 

 

Trong việc thay đổi chính sách vào giờ phút chót, Bộ Ngoại Giao Úc đã nới lỏng các đòi hỏi trong visa dành cho người tỵ nạn. Sự thay đổi nầy giúp cho các nhân viên canh gác toà đại sứ Úc ở Kabul trong hơn một thập niên nay, có thể nạp đơn xin visa nhân đạo.

 

 

Sau những năm tháng chờ đợi mỏi mòn, những nhân viên người A Phú Hãn (Afgahnistan) canh gác toà đại sứ Úc tại Kabul, quả hết sức vui mừng trước tin tức là họ có thể đến được Úc.

 

 

Một nhân viên bảo vệ A Phú Hãn “Chúng tôi thực sự vui mừng, khi họ hứa hẹn làm một số việc cho chúng tôi”.

 

 

Người đàn ông này làm nhân viên canh gác toà đại sứ Úc tại Kabul trong 6 năm qua.

 

 

Danh tính của ông này không được tiết lộ, vì công việc của ông và an nguy của gia đình sẽ gặp nguy hiểm, trong một cuộc tấn công của Taliban.

 

 

Một nhân viên bảo vệ khác nói “Chúng tôi không lo lắng cho chính bản thân, mà gia đình mới là quan trọng hơn".

 

"Nếu có gì xảy ra cho gia đình tôi, thì thật là tệ hại vì tại sao chúng tôi không tìm cách ra đi, vì chẳng an toàn cho họ chút nào”.

 

 

Khi chính phủ Úc loan báo sẽ đóng cửa tòa đại sứ vào tuần nầy, các nhân viên bảo vệ được thông báo là ‘những người A Phú Hãn sẽ không được định cư, nếu họ làm việc cho một công ty bảo vệ tư nhân’.

 

 

Thế nhưng chỉ qua đêm, theo sau áp lực từ nhiều phía đặc biệt là giới truyền thông, Bộ Ngoại Giao Úc đã gởi một email cải chính và cho biết, hãy theo dõi phần đính kèm trong đó nói rằng ‘các nhà thầu và nhân viên bảo vệ cũng có thể nạp đơn xin Visa thuộc diện nhân đạo của các Nhân viên Địa phương gặp Nguy hiểm’.

 

 

Thế nhưng được phép nạp đơn không có nghĩa là bảo đảm thành công và visa có thể mất nhiều năm để duyệt xét, có nghĩa là tương lai của các nhân viên bảo vệ vẫn chưa được rõ ràng.

 

 

Mọi chuyện còn khó khăn hơn, khi họ nay thất nghiệp theo sau việc tòa đại sứ đóng cửa.

 

 

Một nhân viên bảo vệ thứ ba nói “Mỗi phút trôi qua, chúng tôi không chắc chắn những gì xảy ra trên đất nước nầy, nếu có thể chúng tôi muốn di chuyển gia đình ra khỏi nơi đây để đến bất cứ nơi nào trên thế giới ngay lập tức, bởi vì nếu bọn chúng bắt được thì chúng sẽ giết chúng tôi ngay lập tức”.

 

 

Cựu thông dịch viên cho quân đội Úc, là ông Ahmad Shad Shahi, đã chờ đợi 7 năm để đơn xin visa của ông được cứu xét, cuối cùng ông nầy đã đến Úc 18 tháng trước.

 

“Trọn 7 năm qua, tôi sống trong nỗi lo sợ khi chờ đợi đơn xin visa".

 

Ông Ahmad Shad Shahi nói "Tôi không thể ra khỏi nhà, vì vậy cảm thấy như bị tù, tôi không thể đến các cửa hàng và mua sắm cho gia đình tôi”.

 

 

Ông cho biết, mỗi ngày chính phủ đình hoãn trong việc duyệt xét đơn xin visa, là thêm một ngày ông có thể bị giết vì công việc làm cho quân đội Úc.

 

Ông Ahmad Shad Shahi nói  “Quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng Vệ Úc sẽ rút khỏi A Phú Hãn, vì vậy chẳng có ai để bảo vệ họ, chắc chắn là họ sẽ lâm nguy 100 phần trăm, nên họ cần có visa càng sớm càng tốt”.

 

 

Trong khi đó, tiến sĩ John Blaxland là giáo sư về môn An ninh Quốc tế tại Đại học Quốc gia Úc cho biết: “Thật xúc động khi thấy có sự thay đổi trong chính sách, để cho phép những người nầy đến Úc với visa thích hợp".

 

"Vấn đề khó khăn là toà đại sứ sẽ đóng cửa và sẽ tạo khó khăn thêm cho họ, so với trong quá khứ”.

 

 

Được biết tòa đại sứ Úc tại Kabul đóng cửa vô thời hạn kể từ thứ sáu ngày 26 tháng 5, do các quan ngại về an ninh.

 

Ông John Blaxland nói “Không có toà đại sứ, khiến cho việc thu xếp gặp nhiều khó khăn, để theo đúng các thủ tục tại A Phú Hãn hầu họ có thể ra đi đến Úc, đó là một thử thách đáng kể”.

 

 

Người lính Úc cuối cùng sẽ rời khỏi A Phú Hãn vào tháng 9.

 

 

Vào năm 2001, quân đội Úc tham gia cuộc chiến chống khủng bố do Hoa kỳ hướng dẫn tại Afghanistan và nó trở thành cuộc chiến lâu dài nhất của Úc.

 

 

Trong khi chiến đấu tại A Phú Hãn, quân đội Úc phải lệ thuộc vào các nhân viên địa phương.

 

 

Các thông dịch viên mặc quân phục Úc và giúp quân nhân Úc, trong nhiều việc với mức độ khác nhau.

 

 

Đến tháng chạp năm 2013, Úc chấm dứt sứ mạng chiến đấu và rút quân khỏi A Phú Hãn.

 

 

Quyết định nầy khiến nhiều nhân viên địa phương, gặp nguy hiểm đáng kể .

 

 

Cựu thông dịch viên cho quân đội Úc, ông Ahmad Shad Shahi hiểu rõ công việc cộng tác với quân đội Úc, sẽ đặt tính mạng ông và gia đình vào chỗ hiểm nguy lớn lao.

 

 

Ông cho biết việc rút quân của Úc, đã tạo nên một tác dụng tiêu cực, không chỉ cho ông mà cả những người A Phú Hãn nói chung.

 

 

Vào cuối năm 2012, chính phủ Úc loan báo sẽ cho định cư những nhân viên địa phương cộng tác với quân đội Úc, đang gặp nguy hiểm.

 

 

Kể từ khi chương trình bắt đầu, có hơn một ngàn nhà thầu cũ với quân đội Úc và gia đình, được chuyển sang Úc.

 

 

Sau thời gian chờ đợi gần 7 năm, ông Ahmad Shad Shahi và gia đình cuối cùng đã đến Úc.

 

 

Mỗi ngày, người Afghanistan hy vọng và cầu nguyện cho hòa bình, sẽ đến với đất nước của họ.

 

 

Mới đây Hoa kỳ đạt được một thỏa thuận với Taliban, trong việc rút quân Mỹ ra khỏi A Phú Hãn, thế nhưng nhiều người địa phương quan ngại cho tương lai một khi quân đội Mỹ ra khỏi nơi này, vì chưa biết tương lai sẽ ra sao, liệu có được hòa bình theo cách họ mong muốn hay không.