Janice Petersen đọc tin thế  giới trong chương trình SBS World News với tấm đồ ở hậu cảnh. Ảnh: SBS

 

AUSTRALIA - Đó là phát hiện quan trọng từ khảo sát về sự đại diện giới của phụ nữ trong lĩnh vực Báo chí truyền thông (tiếng Anh là Women in Media Gender scorecard). Nghiên cứu này cũng dự đoán sự thiếu công bằng sẽ được thu hẹp trước năm 2034 nếu lĩnh vực này hành động nhanh chóng.

 

Từ lâu, người ta hiểu rằng tiếng nói và trích dẫn mà độc giả và thính giả tiêu thụ từ các phương tiện truyền thông báo chí sẽ ảnh hưởng đến cách họ nhìn nhận thế giới và các vấn đề họ đang tìm hiểu.

 

Nghiên cứu mới về chân dung và sự hiện diện của phụ nữ trên báo chí truyền thông, do iSentia thực hiện, phân tích gần 20.000 mẩu tin trên truyền hình, đài phát thanh và báo chí.

                                                                                     

Mặc dù bảng xếp hạng đã được cải thiện so với kết quả từ năm 2016, nhưng các chuyên gia cho rằng sự bình đẳng giới trong lĩnh vực báo chí ở Úc cần phải được khắc phục để bảo đảm mọi tiếng nói đều được lắng nghe.

 

Khảo sát cho thấy phụ nữ chiếm 30% nguồn tin được trích dẫn trong tin tức, tăng từ 23% vào năm 2016.

 

Nhà báo Catherine Fox làm việc tại tổ chức Women in Media và là một chuyên gia độc lập về bình đẳng giới.

 

Bà nói rằng việc thiếu tiếng nói của phụ nữ trong các cuộc thảo luận khiến khán giả đang bỏ lỡ những câu chuyện và tường thuật mà họ cần.

"Tôi nghĩ đối với các nhà tuyển dụng, điều quan trọng là chắc chắn rằng bạn có những phụ nữ được quyền đứng lên, được trích dẫn ý kiến. Trong lĩnh vực truyền thông, họ cần hiểu rằng những dòng tên đó có giá trị, quan trọng là phải theo dõi và giải quyết những lĩnh vực mà phụ nữ không được thể hiện hoặc tham gia đầy đủ."

 

Các phát hiện cũng chỉ ra rằng phụ nữ trong giới truyền thông có nhiều khả năng trích dẫn các nguồn tin của phụ nữ hơn nam giới. Mức độ này hầu như vẫn nhất quán với kết quả từ bảy năm trước.

 

Nam giới cũng là tác giả chiếm ưu thế, chỉ 43% số bài nghiên cứu được viết bởi phụ nữ.

 

Bà Fox cho biết đôi khi phụ nữ cảm thấy miễn cưỡng trả lời phỏng vấn và trích dẫn, không phải vì họ không có chuyên môn trong lĩnh vực của mình.

Bà nói “Bởi vì những phụ nữ ngẩng cao đầu, dám nói dám làm, được nhiều người biết đến, thường có thể thu hút nhiều lời chỉ trích, kể cả từ đồng nghiệp của họ.”

"Vì vậy tôi nghĩ rằng có một chút cảm xúc xung quanh việc này. Thật ngạc nhiên khi mặc dù đã phản ánh những bất công đã đã xảy ra trong lĩnh vực thể thao nữ, vậy mà vẫn có 82% nam giới trong lĩnh vực này và chỉ có 18% phụ nữ."

 

Bà cảnh báo rằng rủi ro rất cao nếu giới truyền thông không khắc phục được sự chênh lệch.

 

Một báo cáo trước đây từ Media Diversity Australia cho thấy năm ngoái, phụ nữ da trắng là nhóm chiếm ưu thế nhất khi xuất hiện trên truyền hình. Những người không có ngoại hình Châu Âu bị đánh giá thấp nghiêm trọng.

 

Bà Ngaire Crawford, giám đốc Thông tin tại iSentia đã tiến hành nghiên cứu.

 

Bà nhận thấy một số khác biệt dựa trên phạm vi đưa tin một số vấn đề cụ thể.

"Chúng tôi nhận thấy sự khác biệt nhiều hơn trong một số chủ đề tin tức. Chúng tôi nhận thấy có mức độ phụ nữ đại diện thấp trong các chủ đề như bán lẻ và thể thao,  bạn có thể thấy vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có nhiều phụ nữ được giới thiệu hơn trong các bài viết và tham gia vào quá trình sản xuất tin bài."

 

Bà Crawford lưu ý rằng những người chuyển giới và thuộc giới tính thứ ba thường chỉ chiếm một phần trăm trong báo cáo tin tức dựa trên các nghiên cứu khác.

 

Petra Buchanan, cố vấn chiến lược của Women in Media cho biết các nghiên cứu xác nhận rằng sự phân biệt giới tính vẫn tồn tại.