Ảnh: Unsplash / Kristina Litvjak
AUSTRALIA - Nếu bảo lãnh bạn đời lần thứ hai, thì thời gian quen nhau có được tính khi chưa ký giấy ly hôn mối quan hệ trước hay không? Có những khó khăn gì khi người được bảo lãnh lần một là nữ và lần hai là nam? Và nếu người phụ nữ được bảo lãnh sang Úc theo dạng partner visa, thì con riêng có được đi kèm không?
1. Hồ sơ bảo lãnh bạn đời lần thứ hai cần lưu ý những điểm gì?
a. Thời hạn 5 năm. Điều 1.20J của luật Di trú quy định khoảng cách giữa hai lần bảo lãnh là 5 năm. Từ lúc lãnh người trước đến lúc lãnh người sau, hoặc từ lúc bản thân mình được bảo lãnh đến lúc mình có thể bảo lãnh bạn đời của mình.
b. Tối đa 2 lần bảo lãnh. Mỗi người chỉ được phép bảo lãnh 2 người bạn đời. Người đem từ ngoài Úc vào cũng như giữ người đang ở trong nước Úc ở lại định cư (ví dụ lấy người du lịch, du học…). Chỉ khi nào được cấp visa mới tính (TR 300, 309, 820 hoặc PR 100, 801). Có thể xin ngoại lệ nếu có tình tiết đặc biệt đáng thương.
c. Đổ vỡ với người trước và đến với người sau: nguyên nhân, thời gian và trình tự. Có người thôi lâu mới quen lại người sau, có người rất nhanh đã quen lại người sau, lại có khi ngoại tình… Duy chỉ có đa hôn là không được.
2. Nếu bảo lãnh bạn đời lần thứ hai, thì thời gian quen nhau có được tính khi chưa ký giấy ly hôn mối quan hệ trước hay không?
Không có luật nào quy định một người có thể bắt đầu yêu bao lâu sau cuộc hôn nhân cũ. Có những mối quan hệ bắt đầu ngay tại thời điểm mối quan hệ cũ chấm dứt.
Thời gian quen nhau trong khi một trong hai người, hoặc cả hai người chưa chính thức ly hôn (nhưng đã ly thân) với người cũ sẽ được tính vào thời gian quen nhau.
3. Có những khó khăn gì khi người được bảo lãnh lần một là nữ và lần hai là nam?
Tình yêu đồng giới hiện là chủ đề rất nóng, và chính phủ đang hết sức thận trọng, một phần vì kiến thức về tình yêu đồng giới đang còn gây tranh cãi và người ta chưa thực sự hiểu rõ về nó để khẳng định điều gì. Một người đồng tính có thể vì áp lực xã hội mà phải kết hôn rồi có con, một số khác lại lưỡng tính và yêu cả nam lẫn nữ… Vậy nên không thể chỉ nhìn vào mối quan hệ lần trước để suy ra tính chân thực của mối quan hệ lần sau.
4. Nếu đã có con riêng thì khi bảo lãnh bạn đời lần hai cần lưu ý những gì? Nếu mẹ được bảo lãnh sang Úc theo dạng partner visa, thì con có được đi kèm không?
Việc kết hôn và đem theo con đi định cư là một thực trạng phổ biến, đến mức Bộ Nội vụ còn công khai quan điểm hồ sơ có phụ đơn có động lực làm giả nhiều hơn hồ sơ không có phụ đơn. Tuy không phải ai đem theo con cũng sẽ bị từ chối, nhưng rất có thể hồ sơ ấy sẽ thu hút nhiều sự chú ý và bị giám sát kỹ hơn. Hồ sơ con phụ thuộc dưới 18 tuổi sẽ đơn giản hơn nhiều so với con phụ thuộc trên 18 tuổi.
Điều quan trọng là con phụ thuộc sẽ phải đi học, mà đi học khi đang giữ visa tạm trú thì thường phải đóng tiền như du học sinh. Vậy nên các bậc cha mẹ phải cân nhắc xem mình có sẵn sàng về mặt tài chính để đem con đi theo, hay đợi vào thường trú rồi mới bảo lãnh con sang Úc.