Tariq Zia. Ảnh: SBS

 

AUSTRALIA - Người tỵ nạn có khả năng về ngành cầu đường hiện bắt đầu sự nghiệp mới, qua việc xây dựng hệ thống giao thông quan trọng tại Victoria. Một chương trình huấn luyện mới về đường xá, sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa những người có khả năng ở ngoại quốc chưa được nhìn nhận và ngành kỹ nghệ đang thiếu hụt công nhân có tay nghề.

 

Tariq Zia trong bộ quần áo lao động phản quang, đội mũ bảo hộ, mang kính an toàn và đôi giày bốt có mũi thép, mang theo một bản đồ dài với đường xá tại vùng đông nam Melbourne.

 

Với nụ cười trên môi, ông cho biết khác biệt lớn nhất trong việc xây dựng đường xá tại Úc và tại Afghanistan (A Phú Hãn) là các biện pháp an toàn.

Tariq Zia nói “Tôi làm việc khoảng ba năm với tư cách là một kỹ sư thiết kế kết cấu, tôi chưa bao giờ mang ủng an toàn khi làm việc ở Afghanistan".

"Ở đây mọi thứ bắt đầu với sự an toàn và kết thúc với sự an toàn, để bảo đảm rằng mọi người đều an toàn, hạnh phúc và cuối ngày sẽ trở về nhà êm ấm của họ”.

 

Sau khi tốt nghiệp với bằng Kỹ sư Cầu Đường tại đại học Dawat ở A Phú Hãn năm 2015, ông bắt đầu công việc tại Bộ Phát triển Đô thị và Điền Địa Afghanistan.

 

Thế nhưng công việc cho chính phủ khiến ông trở thành mục tiêu cho bọn quá khích qua các vụ tấn công cảm tử.

Ông nói “Một vụ nổ bom xe xảy ra bên trong bãi đậu xe, tôi may mắn sống sót nhờ được những chiếc xe khác che chắn".

"Tôi bị thương nhẹ nhưng đã chứng kiến ​​rất nhiều đồng nghiệp thiệt mạng và bị thương trong vụ việc đó".

"Tôi nhìn thấy rất nhiều người đang bị thiêu sống, la hét và chuyện đó giống như một cơn ác mộng đối với tôi”.

 

Sau vụ nổ năm 2018, ông quyết định tiếp tục làm việc thế nhưng tin đồn nhanh chóng loan truyền hồi năm rồi về việc quân đội Liên minh sẽ rút quân, khiến ông biết là phải đi lánh nạn.

 

Ông đến Úc với chiếu khán nhân đạo vào tháng 6 năm 2021, với hy vọng bắt đầu sự nghiệp kỹ sư của mình, thế nhưng chỉ tìm thấy khả năng và kinh nghiệm của mình bị bác bỏ.

Ông nói “Chúng tôi nghĩ sẽ có một cuộc sống rất dễ dàng nhưng khi tôi đến Úc, tôi thấy ý kiến ​​đó là sai lầm".

"Nó không phải là dễ dàng, bạn phải chiến đấu, phải làm việc chăm chỉ hơn và cật lực hơn để có được một công việc tốt, được công nhận bằng cấp của mình”.

 

Đó cũng là nỗi thất vọng mà ông Abdulwahed Salloum biết rất rõ.

Ông Abdulwahed Salloum nói “Tôi đã xin việc hàng trăm lần mà chẳng có đến một lần được phỏng vấn. Chẳng hề có một cơ may để nói về mình, mà chỉ là vài dòng trong bản sơ yếu lý lịch mà thôi”.

 

Được biết ước mơ trở thành kỹ sư được đặt ra khi mới 5 tuổi, lúc ông được tặng bộ đồ chơi xếp gạch Lego đầu tiên của mình.

 

Thế nhưng sau nhiều năm bị phân biệt đối xử về tôn giáo và sắc tộc, gia đình ông đã chạy trốn khỏi Syria để tìm kiếm an bình và cơ hội kiếm sống.

 

Ông đã học đại học ở Malaysia và Vương quốc Anh trước khi đến Úc vào năm 2018, với thị thực tốt nghiệp có tay nghề cao, vốn được thiết kế để tạo điều kiện cho các kỹ sư làm việc tại Úc.

 

Thế nhưng không có kinh nghiệm hoặc mối quan hệ địa phương, ông nói rằng công việc duy nhất có thể nhận được là trên dây chuyền sản xuất, đóng gói hoặc giao thực phẩm.

Ông  Abdulwahed Salloum nói “Cả một tháng trời tôi hầu như không ăn bất cứ thứ gì, có thể là một miếng bánh mì nướng với Nutella mỗi ngày một lần, cho đến khi tôi may mắn nhận được một công việc ca tối ở một công ty và tôi có thể bắt đầu thở được".

"Tôi không ngại làm công việc đó, và sẽ làm bất kỳ công việc nào".

 

"Mặc dù khi tôi đến đây, tôi chỉ muốn trở thành một kỹ sư nhưng điều đó nhanh chóng biến mất”.

 

Đó là những kinh nghiệm nẩy sinh sự thành lập Chương trình Huấn luyện về Đường Xá, với nhiều dự án quan trọng về hạ tầng cơ sở của tiểu bang Victoria.

 

Ban đầu, các học viên được tuyển chọn vào việc dở bỏ các đường xe lửa băng qua những đường lộ, trên khắp tiểu bang.

 

Ông Rajiv Ramanathan thuộc Chương trình Kiều Lộ Quan trọng của Victoria nói rằng, đây là đợt đầu tiên của các ứng viên được đào tạo ở ngoại quốc, nhằm xây dựng những đường xá mới tại Victoria.

Ông Rajiv Ramanathan nói “Các ứng viên này liên tục nhận được sự phản đối giống nhau rằng, họ không có kinh nghiệm địa phương, không có bằng cấp tại Úc".

"Vì vậy, chương trình này được tạo ra, đặc biệt để thu hẹp rào cản đó, cung cấp kinh nghiệm địa phương và trình độ chuyên môn của địa phương”.

 

Được biết các nghiên cứu của tổ chức quốc tế có tên gọi tắt là HOST, vốn là một tổ chức từ thiện giúp định cư người tỵ nạn, cho thấy cứ 5 di dân có tay nghề tại Úc, thì chỉ có một người được công nhận khả năng tại Úc.

 

Ông Ramanathan cho biết, nhiều ngành kỹ nghệ tiếp tục phấn đấu với sự thiếu hụt tay nghề, nên các chương trình như thế này nhằm nối kết các công nhân với các ngành kỹ nghệ rất cần đến họ, do mọi chuyện trở nên vô giá không thể đo lường được.

Ông nói “Vì vậy, có một lượng lớn công việc đang diễn ra trên khắp Victoria, trên đường bộ, đường sắt và xây dựng cầu cống".

"Chúng tôi cần thêm người và đây là một đội ngũ tài năng chưa được khai thác, họ đang ngồi trong sân sau của chính chúng tôi”.

 

Mô tả chương trình này là đôi bên cùng có lợi, ông nói rằng các học viên được nhận lương, chứng chỉ kỹ sư tốt nghiệp và quan trọng là kinh nghiệm làm việc tại Úc.

 

Khoảng 70 học viên kỹ thuật đã được nhận vào các chương trình tương tự trong hai năm qua, với các tiểu bang và ngành công nghiệp khác ,đang đàm phán để nhân rộng chương trình.

 

Phó Giám đốc điều hành HOST Quốc tế, là Mitra Khakbaz cho biết, câu trả lời cho tình trạng thiếu kỹ năng của Úc đã diễn ở đất nước này.

Bà Mitra Khakbaz nói “Bất chấp kỹ năng của họ, cũng như sự sẵn lòng của mọi người muốn làm việc, rồi cả năng lực ngôn ngữ, thế nhưng họ thực sự khó có thể nhận được vào công việc vốn đã làm việc và có kinh nghiệm".

"Họ có thể lấp đầy những thiếu hụt kỹ năng, mà chúng ta đang đối diện”.

 

Được biết điều này đòi hỏi việc suy nghĩ lại, về việc làm thế nào các kỹ nghệ và giới chủ nhân nhìn vào những người mới đến Úc, để bảo đảm những người tỵ nạn không chỉ được chỉ định một công việc, mà còn có cơ hội thiết lập cuộc sống và một sự nghiệp mới.

Bà Mitra Khakbaz nói “Chúng ta cần suy nghĩ nhiều hơn, ngoài sự đa dạng và hòa nhập, cũng như về việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia, hỗ trợ mọi người mang lại kinh nghiệm và học tập từ đất nước của họ, hầu tạo điều kiện chuyển đổi sang cộng đồng mới”.

 

Trong khi đó ông Tariq Zia cho biết, ông có kế hoạch hoàn tất bằng cấp của mình và tiếp tục dấn thân trong nghề kỹ sư tại Úc.

 

Với 3 chị em gái và cha mẹ hãy còn ở Afghanistan và sống dưới chế độ Taliban, ông hy vọng một ngày nào đó có thể mang họ sang Úc.

Ông nói “Tôi là người lo lắng về tài chính duy nhất của gia đình tôi. Lúc nào tôi cũng lo âu về điều gì sẽ xảy ra với gia đình vào ngày hôm sau".

"Hy vọng rằng, chính phủ sẽ cho phép tôi đưa họ đến Úc vào một ngày nào đó”.

 

Còn đối với ông Abdulwahed Salloum, chương trình huấn luyện ứng viên giúp ông đạt được mục tiêu cả đời là trở thành một kỹ sư cầu đường, cũng như cơ hội để lại một di sản lâu dài trong ngôi nhà mới của mình.

Ông Abdulwahed Salloum nói “Hãy nhìn các kim tự tháp, khi bạn nói về chúng như là một dự án cơ sở hạ tầng, bạn đang để lại dấu ấn của mình ở đó".

 

"Tên của tôi sẽ bị lãng quên vào một ngày nào đó, nhưng tôi biết chắc chắn rằng tôi đã đóng góp một cái gì đó, để xây dựng nên và để lại trên bản đồ di sản”.

 

Rõ ràng là chương trình huấn luyện mang lại cơ hội cho những người tỵ nạn phát triển và hy vọng, ngoài chuyện sống còn.