Úc và Anh sẽ đơn giản hóa các yêu cầu về thị thực dành cho người lao động chuyên nghiệp và các khách du lịch trẻ tuổi, theo một thỏa thuận thương mại mới đang được thảo luận giữa hai quốc gia.

 

Úc và Anh sẽ đơn giản hóa các yêu cầu về thị thực dành cho người lao động chuyên nghiệp và các khách du lịch trẻ tuổi, theo một thỏa thuận thương mại mới đang được thảo luận giữa hai quốc gia.

 

Trong bài viết đăng tải trên tờ The Age của Úc, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss cho biết, những cải cách mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân Úc đang sống và làm việc tại Anh, đồng thời cũng là một bước phát triển quan trọng của ngành dịch vụ, một trong những lĩnh vực xương sống tại cả hai nền kinh tế.

 

Bà Truss lên tiếng chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ, khẳng định xu hướng này sẽ làm xói mòn các nền kinh tế, trong khi thương mại tự do là cánh cửa “rất hữu ích giúp nền kinh tế toàn cầu hồi phục và giảm bớt các rào cản thương mại”.

Bà nói: “Một trong những điều thực sự quan trọng mà chúng ta có thể làm để phục hồi từ đại dịch, đó là chiến đấu chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở một số quốc gia. Đây là một khía cạnh mà Úc và Anh luôn đồng thuận”.

 

Ngày 17/6, Úc và Anh đã thông qua việc bắt đầu tiến trình đàm phán chính thức thỏa thuận thương mại song phương, với mục đích tạo ra một thỏa thuận làm giảm chi phí thương mại, kích thích hàng tỷ đô la đầu tư và cho phép các công ty dịch vụ chuyên nghiệp tại hai quốc gia các khả năng tiếp cận thị trường và cạnh tranh bình đẳng.

 

Bà Truss tiết lộ đàm phán sẽ bao hàm một hệ thống di chuyển tự do, cho phép công dân hai nước được qua lại không cần xin thị thực. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế nhận định đây là khả năng khó có thể xảy ra. Thay vào đó, đàm phán sẽ tập trung vào việc sửa đổi các biện pháp hạn chế thị thực hiện có để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người dân hai nước đi lại và làm việc.

 

Theo Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh, hiện quá trình đàm phán chính thức chưa được bắt đầu nên chưa thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra, nhưng bà tin chắc chắn việc đi lại với mục đích thương mại sẽ được xem xét đến trong nội dung đàm phán.

 

Các nhà đàm phán dự kiến sẽ thiết kế lại một số quy tắc thị thực hiện có để khuyến khích sự di chuyển nhiều hơn của nhóm những lao động có tay nghề cao tại cả hai nước. Thỏa thuận cũng có nghĩa là một loạt các bằng cấp chuyên môn đạt được tại quốc gia này sẽ được công nhận tại quốc gia còn lại.

 

Bên cạnh đó, loại thị thực dành cho thanh niên (Youth Mobility Visa), vốn cho phép những người trẻ tuổi Úc được làm việc tại Anh trong vòng hai năm, sẽ được xem xét điều chỉnh, giúp cho nhiều hơn nữa các sinh viên Úc  tốt nghiệp tại Anh có cơ hội ở lại làm việc, trước khi bước sang tuổi 30.

 

Thời hạn hết hiệu lực của thị thực này dự kiến cũng được nới lỏng, hoặc xét duyệt nhiều hơn một lần, phụ thuộc vào loại hình công việc mà họ đăng ký.

 

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết, Canberra kỳ vọng thỏa thuận sẽ cho phép những lao động tay nghề cao được phép đi lại giữa hai quốc gia một cách dễ dàng hơn. Ông nói: “Úc và Anh đã có một lịch sử trao đổi việc làm và du lịch thành công và tôi hy vọng rằng thỏa thuận sẽ giúp cổ vũ hơn nữa giới trẻ tiếp tục được hưởng những quyền lợi chính đáng đó”.

 

Theo đánh giá của nhà báo kinh tế Bevan Shields, đại diện tại châu Âu của tập đoàn truyền thông Herald, Anh đặc biệt mong muốn đảm bảo một chiến thắng nhanh chóng, vì điều này cho phép Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson có thêm niềm tin với kế hoạch độc lập kinh tế sau khi Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

 

“Anh đang ở ngưỡng cửa của một mối quan hệ hoàn toàn mới với phần còn lại của thế giới”, bà Truss nói, “đây là một khoảnh khắc lớn cho nước Anh”.

Anh sẽ phải “niêm phong” các điều khoản thương mại tự do mới với một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản và Australia, sau khi nước này rời khỏi EU vào cuối năm nay. Việc bổ sung ký kết các thỏa thuận thương mại song phương sẽ giúp tăng trưởng kinh tế của Anh không bị ảnh hưởng do ly khai với EU.

 

Tài liệu từ Chính phủ Anh cho thấy một thỏa thuận thương mại với Úc có thể mang lại 0,02% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho Anh, tương đương 500 triệu bảng Anh (610 triệu Mỹ kim). Xuất khẩu từ Anh sang Australia được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 3,6-7,4%. Ngược lại, GDP của Úc cũng có thể tăng tới 700 triệu bảng Anh (850 triệu Mỹ kim) nhờ thỏa thuận miễn thuế hai bên.

 

Các ngành dịch vụ như ngân hàng, giáo dục và du lịch có thể được hưởng những lợi ích tài chính từ thỏa thuận thương mại Anh-Úc.

 

Hiện Anh đang là đối tác dịch vụ lớn thứ ba của Úc, với giá trị thương mại vào khoảng 15,2 tỷ Úc kim (10,2 tỷ Mỹ kim) trong năm tài chính 2019. Về tổng quan, Anh là đối tác thương mại lớn thứ bảy của Úc, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 30,3 tỷ Úc kim (20,3 tỷ Mỹ kim) trong giai đoạn 2018-2019.

 

Các cuộc đàm phán với Úc của Chính phủ Thủ tướng Johnson đã bị ngăn chặn một cách hợp pháp trước khi Anh rời khỏi EU vào tháng Một năm nay. Tuy nhiên, thỏa thuận thương mại song phương dự kiến sẽ không mất nhiều thời gian để đàm phán vì cả hai nước đã có các cuộc trao đổi không chính thức từ hai năm nay và là hai đối tác quen thuộc trong nhiều lĩnh vực.

 

Ông Birmingham tin tưởng thỏa thuận Úc-Anh sẽ đạt được vào cuối năm nay, mặc dù bà Truss đã từ chối khẳng định điều tương tự.

 

Bà Truss tiết lộ Anh đã có các cuộc thảo luận với tất cả 11 thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một thỏa thuận thương mại khổng lồ được hồi sinh sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận tiền thân là Thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 

Tuy nhiên, viễn cảnh Anh tham gia vào CPTPP làm gia tăng sự chú ý trong khu vực, do Anh bị cô lập về mặt địa lý. Lý giải về điều này, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh nói: “Có lẽ đó là một sự kéo dài của định nghĩa về Thái Bình Dương.

 

CPTPP hiện tại chiếm tới 13% GDP toàn cầu. Nếu có thêm sự gia nhập của Anh, thì tỷ lệ này sẽ tăng lên thành 16%. Chúng tôi tin rằng đây là một cơ hội tốt cho nước Anh để tiếp cận được với một thị trường Thái Bình Dương rộng lớn hơn.”


Bà cho rằng những thỏa thuận song phương mà Anh sẽ ký kết với Úc, Nhật Bản và New Zealand sẽ dọn đường cho nước này dễ dàng gia nhập vào mối quan hệ đối tác thương mại khu vực rộng lớn hơn.

 

Điều này cũng là động lực giúp Thủ tướng Johnson đạt được tuyên bố trước cuộc bầu cử rằng thương mại của Anh sẽ đảm bảo duy trì được 80% các thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit, trong vòng ba năm tới.

 

Đồng thuận với ý kiến của bà Truss, Bộ trưởng Thương mại Úc Đại Lợi nhấn mạnh thương mại tự do nên được cổ vũ khi nền kinh tế toàn cầu khôi phục lại từ cú sốc của COVID-19. Ông nói: “Tính biểu tượng và lợi ích chính sách đang diễn ra của việc ký kết một thỏa thuận đầy tham vọng vào thời điểm hiện tại, có lẽ quan trọng hơn so với nhiều năm trước đây.

 

Tôi tin rằng thỏa thuận và những kỳ vọng của cả Anh lẫn Úc vào lúc này sẽ thúc đẩy sự tín nhiệm giữa hai quốc gia, đồng thời là một ví dụ để các quốc gia khác thoát khỏi sự cám dỗ của việc theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ".