Một đoàn tàu lửa chở đầy than chạy ngang qua vùng ngoại ô Singleton, tiểu bang NSW. Nguồn: AAP

 

 

 

 

AUSTRALA - Nhiên liệu hóa thạch sẽ là chủ đề chính của hội nghị COP-26 và việc Úc phụ thuộc vào than đá có thể bị xem xét kỹ lưỡng. Nhưng nếu ngành kỹ nghệ than đá bị buộc ngừng hoạt động thì các thị trấn khai mỏ, như Singleton ở vùng Hunter của New South Wales sẽ đi đâu về đâu?

 

 

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc tại Glasgow đang gần kề. Mặc dù Thủ tướng Scott Morrison đã xác nhận ông sẽ tham dự, vẫn chưa rõ liệu ông có cam kết Úc sẽ có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hay không.

 

 

Câu hỏi về tương lai của than đá được đặt ra rất nhiều ở Singleton, một thị trấn mà nhiều thế hệ dân địa phương sống phụ thuộc vào ngành khai mỏ.

 

 

Một người dân địa phương là Murray sống tại Singleton đã làm việc trong ngành khai mỏ, trực tiếp và gián tiếp, suốt 20 năm qua.

 

Cha anh cũng làm việc trong hầm mỏ.

 

"Việc này không chỉ ảnh hưởng đến công ăn việc làm trực tiếp trong ngành khai mỏ mà còn tác động đến tất cả các doanh nghiệp có liên quan. Với một thị trấn như Singleton, nếu các mỏ đóng cửa, nó có lẽ sẽ không tồn tại nữa."

 

 

Ở Singleton và các thị trấn khác trên khắp các thung lũng rộng lớn của Hunter, than vẫn là nguồn thu nhập chính, cung cấp hơn một phần ba số việc làm trong khu vực.

 

 

Thị trưởng Sue Moore cho biết có khoảng 17 mỏ than đang hoạt động. Mặc dù một số mỏ gần hết tuổi thọ để khai thác, những mỏ khác có giấy phép và hoạt động trong nhiều thập kỷ.

 

 

 

“Nhiều mỏ than trong số này đã được phê duyệt khai thác trong 20 năm nữa, nhiều mỏ vẫn đang được gia hạn. Vì vậy, không thể đóng cửa việc khai thác than vào ngày mai.”

 

 

 

Giống như nhiều người dân địa phương, bà Sue Moore chấp nhận sự thay đổi sắp đến nhưng nói rằng khai mỏ sẽ vẫn còn tồn tại ở Hunter trong một thời gian.

 

 

Tuy nhiên, Giáo sư Will Steffen từ Hội đồng Khí hậu tin rằng điều đó có thể diễn ra sớm hơn dự kiến, đặc biệt nếu Thủ tướng Scott Morrison cam kết Úc sẽ không phát thải.

 

"Khi chúng ta nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề khí hậu, mức độ nghiêm trọng của rủi ro, chúng ta có thể muốn tăng tốc, bằng cách loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch, có nghĩa là chúng ta có thể cần phải đóng cửa các mỏ than sớm hơn dự định.
 

 


Gần 90% lượng than khai thác ở Thung lũng Hunter được xuất cảng và sử dụng ở châu Á.

 

 

Nghị sĩ Joel Fitzgibbon, từ vùng Hunter, cho biết mục tiêu phát thải ròng bằng không sẽ không ảnh hưởng đến ngành khai mỏ.

 

"Việc đóng cửa các mỏ than ở Hunter sẽ là một thiệt hại khủng khiếp cho nền kinh tế vùng ngoại ô và cho công ăn việc làm. Nhưng các cam kết của chúng ta ở Glasgow sẽ không buộc chúng ta phải đóng cửa các mỏ than của mình. Phần lớn than của chúng ta sẽ được xuất cảng."

 

 

Tuy nhiên, Giáo sư Will Steffen lập luận việc đốt than ở đâu là không liên quan đến mục tiêu hành động vì biến đổi khí hậu, đồng thời cho rằng Úc nên ưu tiên chuyển đổi ngành năng lượng của mình. 

 

 

 

 “Không có gì hay nếu núp sau lời bào chữa người khác sẽ đốt than, còn ta chỉ sản xuất mà thôi.”

 

 

 

"Chúng ta có quyền kiểm soát điều này. Chúng ta không cần phải khai thác và xuất khẩu than nữa. Thay vào đó chúng ta có thể phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo của mình nhanh chóng hơn nhiều."

 

Nhiều ngành kỹ nghệ tại Hunter đã và đang chuẩn bị cho một tương lai không có than.

 

 

Hunter Jobs Alliance là một liên minh nghiệp đoàn và môi trường được thành lập vào năm ngoái để vận động cho các việc làm bền vững.

 

 

Điều phối viên Warwick Jordan cho biết nhiều người ở vùng ngoại ô nhận ra cần phải chuyển đổi.

 

"Rất nhiều người nhìn thấy những gì sắp xảy ra, sau những thay đổi lớn về cơ cấu kinh tế. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng có những cơ hội rất lớn."

 

 

Công ty sản xuất địa phương AMPControl trong nhiều thập kỷ qua đã là nhà cung cấp lớn cho lĩnh vực tài nguyên, nhưng giàm đốc điều hành Rod Henderson cho biết mô hình kinh doanh hiện đang thay đổi.

 

"Chúng tôi sẽ đào tạo lại rất nhiều nhân viên của chúng tôi vào cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, cũng sẽ có cơ hội cho sinh viên tốt nghiệp ngành nghề khác có thể làm việc.”

 

“Chúng tôi nhận thấy cần phải chuyển một số nhân viên trong lĩnh vực khai thác mỏ qua lĩnh vực khai thác năng lượng."

 

 

Thị trưởng Singleton Sue Moore nói rằng người dân địa phương cảm thấy lo lắng khi họ nghe thấy từ "chuyển tiếp".

 

"Đặc biệt là xung quanh ngành khai thác than, họ tự hỏi công việc của họ sẽ ra sao. Vì vậy, chúng tôi muốn sử dụng thuật ngữ 'sự phát triển kinh tế'."

 

 

Mặc dù điều đó sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng Thị trưởng Moore tin rằng việc thay đổi có thể xảy ra với sự giúp đỡ của chính phủ liên bang và tiểu bang.

 

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh, việc lập kế hoạch cần phải bắt đầu ngay từ bây giờ.