Source: SBS

 

 

 

 

 

 

 

Khảo sát cho thấy một phần ba phụ nữ di cư và tị nạn sống tại Úc đã từng bị bạo hành gia đình. Nghiên cứu mới do trường Đại học Monash thực hiện cũng cho thấy rằng, đối với những người giữ thị thực tạm thời, họ đối mặt các mức độ lạm dụng cao hơn liên quan đến tình trạng di trú của mình.

 

 

Bạo lực gia đình đã trở thành một lẽ thường tình của Maya trong suốt 18 năm kết hôn.

 

“Tôi có thể nói, đó là sự cô lập với xã hội, kiểm soát về tài chính và lạm dụng về cảm xúc. Tất cả những điều đó đã xảy ra, cùng với bạo lực thể chất nữa.”

 

Câu chuyện của Maya đã quá quen thuộc đối với nhiều người, theo một nghiên cứu quốc gia về việc phụ nữ di cư và tị nạn cảm thấy an toàn như thế nào tại Úc.

 

 

 

Trong số gần 1,400 người được khảo sát, 33% đã từng trải qua một số hình thức bạo lực gia đình, trong đó hành vi kiểm soát và bạo lực thể chất hoặc tình dục là phổ biến nhất.

 

 

Phúc trình của trường Đại học Monash và Harmony Alliance được công bố bởi chủ tịch của Harmony Alliance Nyadol Nyuon.

 

“Chúng tôi thực hiện cuộc khảo sát vì chúng tôi muốn bắt đầu tạo ra nền tảng dữ liệu vững chắc, mà có thể ảnh hưởng đến chính sách, cùng như các quy trình đưa ra quyết định có tác động đến phụ nữ di cư và tị nạn. Theo một cách khác, tôi nghĩ chúng tôi cũng muốn nói về những vấn đề thực chất trong quá trình định cư.”

 

 

 

Các nhà nghiên cứu cho biết nhiều người trả lời khảo sát tiết lộ tình trạng nhập cư của họ đã được sử dụng để kiểm soát họ.

 

 

 

Bà Nyuon nói rằng kết quả khảo sát cho thấy những người có thị thực tạm thời là đối tượng có nguy cơ cao nhất.

 

"Họ báo cáo cho chúng tôi biết một mức độ cao hơn về bạo lực gia đình. Trong đó có các sự việc liên quan đến hành vi kiểm soát liên quan đến di trú. Thí dụ, nếu người phụ nữ đó đang ở trên một thị thực tạm thời, thì các mối đe dọa đó là họ có thể bị trục xuất hoặc họ sẽ bị tách khỏi con cái của họ. Ngay cả khi con cái của họ là công dân Úc."

 

"Một số người trong số họ, nếu họ không phải là thường trú nhân, đồng nghĩa với việc họ không nhận được bất kỳ hỗ trợ tài chính nào khi ở trong các tình huống đó."

 

“Nhưng rõ ràng là rất nhiều phụ nữ di cư và tị nạn làm công việc phù động, không được bảo đảm về mặt việc làm và do đó tác động đối với họ lớn hơn rất nhiều.”

 

 

 

40% người được khảo sát cho biết họ đã từng trải qua bạo lực gia đình, so với con số 32% công dân Úc và 28% những người có thị thực thường trú.

 

 

Phó giáo sư Marie Segrave, tác giả chính của cuộc nghiên cứu cho biết chỉ 22% số người được hỏi cảm thấy tự tin về các quyền lợi trong thị thực của họ.

 

“Một phần là vì bạn không chắc chắn về việc liệu khi mà kẻ lạm dụng nói rằng họ có thể trục xuất bạn, liệu điều đó có đúng không. Nhưng một vấn đề khác đó là xung quanh hệ thống hỗ trợ. Và những người có thị thực tạm thời không thể tiếp cận những hỗ trợ mà công dân Úc được nhận.”

 

 

 

Báo cáo cũng nhấn mạnh sự thiếu tin tưởng vào cảnh sát, đặc biệt là ở nhóm phụ nữ dưới 30 tuổi.

 

 

 

Maya nói rằng cô cũng cảm thấy như vậy, do những rào cản văn hóa.

 

“Đối với chúng tôi, việc bước ra ngoài và báo với cảnh sát về những gì chúng tôi trải qua không phải là chuyện dễ dàng.”

"Nó sẽ mất rất nhiều năm, để chúng tôi hiểu chuyện gì đang xẩy ra với chúng tôi, để đứng lên và đến báo cảnh sát. Tôi nghĩ rằng hệ thống cần hiểu tốt hơn về điều đó và hệ thống tại Úc thiếu điều này.”

 

 

 

Nghiên cứu được công bố trước Hội nghị Thượng đỉnh Quốc gia về An toàn của Phụ nữ dự kiến diễn ra trong hai ngày của tháng 7.

 

 

Tại đó các cơ quan chính phủ và các bên liên quan cùng nhau hình thành kế hoạch quốc gia tiếp theo, nhằm giảm bạo lực đối với phụ nữ.

 

 

Trong bản Ngân sách mới đây nhất, Chính phủ đã cam kết 2.5 triệu đô-la để hỗ trợ những người có thị thực tạm thời bị bạo lực gia đình, và cho biết họ sẽ xem xét các kết quả nghiên cứu trên trong quá trình đưa ra quyết định cho các bước đi tiếp theo.