Chứng rối loại ăn uống có thể dẫn đến cái chết. Nguồn: Getty

 

 

Quá trình hồi phục sau chứng rối loạn ăn uống có thể mất vài tháng - hoặc thậm chí vài năm, tuy nhiên, nếu được chẩn đoán sớm, cơ hội khỏi bệnh sớm của bệnh nhân sẽ tăng lên đáng kể. Nhưng những thách thức và cơ hội liên quan đến việc can thiệp sớm trong việc điều trị chứng rối loạn ăn uống là gì?

 

Gemma là một thiếu niên khi lần đầu được mẹ đưa đến gặp bác sĩ GP, vì bà lo sợ con gái mình có thể đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.

 

Nhưng Gemma khi đó lại không nhận được lời khuyên nào từ bác sĩ.

“Khi mẹ tôi đưa tôi đến bác sĩ, căn bệnh đã không được xem xét kỹ. Mẹ tôi được bác sĩ nói rằng không cần lo lắng về điều đó, rằng tôi sẽ ổn thôi, rằng đây là vấn đề mà các cô gái tuổi teen thường gặp.”

 

Vài tháng sau, Gemma phải nhập viện và được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ăn uống.

“Tôi phải đi gặp bác sĩ rất nhiều lần cho đến khi một tháng sau đó tôi mới được nhập viện. Tôi đoán là bác sĩ của tôi đã được học về bệnh này sau lần đầu gặp tôi, và có lẽ vì thế sức khoẻ của tôi không trở nên quá nghiêm trọng như những trường hợp xảy ra trước đây.”

 

Can thiệp sớm nghĩa là cố gắng cung cấp hỗ trợ chuyên khoa cho một người đang trải qua hoặc biểu hiện các triệu chứng ban đầu của bệnh tâm thần.

 

Với khoảng 4% dân số Úc đang phải sống chung với chứng rối loạn ăn uống tại bất kỳ thời điểm nào, việc xác định sớm được coi là rất quan trọng trong việc điều trị căn bệnh này.

 

Tổ chức về Rối loạn Ăn uống ở Victoria là một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, thông tin và hướng dẫn cho những người bị ảnh hưởng.

 

Giám đốc điều hành Belinda Caldwell cho biết can thiệp sớm có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi.

“Sự can thiệp sớm tạo nên sự khác biệt trong việc điều trị chứng rối loạn ăn uống. Nếu mắc chứng rối loạn ăn uống và được điều trị sớm một cách hiệu quả, chúng tôi sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn. Và việc phục hồi là hoàn toàn có thể.”

 

Gemma hiện đã khá hơn sau gần mười năm hồi phục, nhưng những rào cản đối với việc can thiệp sớm vẫn còn tồn tại.

 

Như bà Christine từng trải qua những khó khăn tương tự khi tìm kiếm sự hỗ trợ cho con gái vài năm trước.

“Chúng tôi được cho về nhà và nói rằng "không có dấu hiệu của vấn đề sức khỏe tâm thần trung bình hoặc nghiêm trọng ở đây". Chúng tôi đã mất từ ​​sáu đến tám tháng để có thể tìm được sự chữa trị trong hệ thống y tế.”

 

Trong nhiều tháng, bà đã đi gặp và liên lạc với các chuyên gia y tế khác nhau trước khi nhận được chẩn đoán chính thức.

“Chúng tôi đã cố gắng để con gái được trợ giúp trong bốn hoặc năm tháng. Trong lúc không biết làm gì, không biết đi đâu và không chắc chắn khi trình bày về căn bệnh của con gái tôi, thì chúng tôi phải hoàn toàn dựa vào các dịch vụ và hy vọng họ đem lại câu trả lời chính xác.”

 

Điều đó thật không dễ dàng và bà Christine thường cảm thấy bất lực vì không thể hỗ trợ nhiều hơn cho con gái mình.

“Có lẽ khoảng thời gian khó khăn và mệt mỏi nhất đối với tôi là khi tôi cố gắng tìm sự trợ giúp thích hợp cho con gái. Tôi đã phải chịu đựng sự lo lắng khủng khiếp vào thời điểm đó mà tôi chưa từng trải qua trong đời.”

 

Các nhóm vận động cho rằng các chuyên gia trong ngành chăm sóc sức khỏe cần nhận thức rõ hơn về chứng rối loạn ăn uống.

 

Giám đốc y tế tại tổ chức Butterfly Foundation, Ranjani Utpala, cho biết việc bỏ qua các dấu hiệu của chứng rối loạn ăn uống có thể khiến người tìm kiếm sự giúp đỡ chán nản.

“Lý do là mọi người không có đủ hiểu biết và không được giáo dục đầy đủ về chứng rối loạn ăn uống, ngay cả trong nhân viên y tế. Vì vậy, khi có ai đó cảm thấy không khoẻ vì chứng rối loạn ăn uống, họ thường đến gặp bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ tâm lý hoặc thậm chí đến phòng cấp cứu, nhưng bác sĩ và nhân viên y tế ở những nơi đó không thực sự có đủ kiến​​thức và đào tạo về chứng rối loạn ăn uống. Và nếu họ phủ nhận vấn đề của người đó, điều đó có thể gây tổn thương cho người đang tìm kiếm sự giúp đỡ.”

 

Khi cần can thiệp sớm, bác sĩ gia đình có thể thực hiện đánh giá ban đầu và sắp xếp giới thiệu đến bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia khác để đánh giá.

 

Tuy nhiên, bác sĩ gia đình không phải lúc nào cũng có thể xác định các triệu chứng của rối loạn ăn uống.

 

Đại học Bác sĩ Đa khoa Hoàng gia Úc là nơi chịu trách nhiệm duy trì các tiêu chuẩn về chất lượng thực hành lâm sàng, giáo dục và đào tạo, và nghiên cứu trong thực hành đa khoa của Úc.

 

Phát ngôn viên của trường, Tiến sĩ Caroline Johnson cho biết không dễ dàng để bác sĩ gia đình chẩn đoán ai đó mắc chứng rối loạn ăn uống nếu họ không có tiền sử bệnh nhân.

“Bác sĩ đa khoa luôn được yêu cầu dành một chút thời gian để bảo đảm rằng họ chắc chắn về kết quả chẩn đoán. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rất nhiều người có triệu chứng có thể liên quan đến chứng rối loạn ăn uống giai đoạn đầu hoặc một vấn đề sức khỏe tâm thần nào đó, nhưng họ vẫn chưa hẳn là bị rối loạn ăn uống. Vì vậy, đó là một vấn đề bác sĩ phải chắc chắn rằng không gắn nhãn ai đó quá sớm.”

 

Và đó không phải là thách thức duy nhất.

“Một vấn đề khác khó khăn hơn nhiều thường xảy ra tôi từng thấy đó là, người có các triệu chứng lại chưa sẵn sàng muốn tiết lộ. Ví dụ, một người trẻ có thể thừa nhận rằng họ đang cảm thấy căng thẳng hoặc họ đang cảm thấy lo lắng, nhưng nếu chúng ta vội vàng tập trung hoặc quá khẳng định vào các vấn đề xung quanh việc ăn uống, thì sẽ có nguy cơ người đó sẽ phản đối và phủ nhận những vấn đề của họ.”

 

Tổ chức Hợp tác Quốc gia về Rối loạn Ăn uống đã phát triển các phần học trực tuyến miễn phí cung cấp thông tin cho bác sĩ GP trong việc cung cấp phương pháp chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân mắc chứng rối loạn ăn uống.

 

Bác sĩ GP có thể tìm hiểu về cách xác định sớm, phản ứng ban đầu, chăm sóc chung, điều trị y tế và hỗ trợ phục hồi.

 

Tại đây có các công cụ trực tuyến và bảng câu hỏi sàng lọc mà mọi người có thể truy cập để thảo luận nhiều hơn với bác sĩ đa khoa của họ.

 

Bà Caldwell nói rằng bác sĩ đa khoa có thể tin tưởng những người chăm sóc khi họ bày tỏ mối quan tâm về những người thân yêu của họ.

“Chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng điều thực sự quan trọng là bác sĩ đa khoa không theo dõi và chờ đợi nếu cha mẹ bày tỏ sự lo lắng về việc ăn uống hoặc tập thể dục của con cái họ. Bác sĩ cần phải lắng nghe một cách nghiêm túc. Chúng ta không mất gì cả trong việc nhìn nhận ra các dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh rối loạn ăn uống nói chung. Mọi ngườ cần hành động kịp thời khi có mối lo ngại.”

 

Tiến sĩ Johnson nói rằng người chăm sóc và bác sĩ nên làm việc cùng nhau để bảo đảm bệnh nhân nhận được sự giúp đỡ họ cần.

“Đối với chúng tôi, những người huấn luyện bác sĩ đa khoa, chúng tôi luôn nói nếu cha mẹ của bệnh nhân lo lắng, thì bác sĩ cần phải xem xét điều đó một cách nghiêm túc, vì cha mẹ là người sống với bệnh nhân đang trải qua các triệu chứng. Lời khuyên của tôi dành cho các bác sĩ trẻ là cố gắng hiểu vấn đề từ quan điểm của người khác. Nếu bạn vào đại học và thực tập tạibệnh viện và sau đó làm nghiên cứu sinh, bạn sẽ học được cách trở thành người có năng lực. Bạn sẽ học cách trở thành một bác sĩ an toàn và không gây hại cho mọi người. Bước tiếp theo để giải quyết vấn đề này là thực sự hiểu nó như thế nào từ kinh nghiệm của người đó và những người quan tâm đến họ.”

 

Bà nói rằng việc quan tâm đến những người có liên quan có thể giúp bác sĩ đa khoa hiểu rõ hơn vấn đề của bệnh nhân.

“Bước đầu tiên của tôi là, nếu tôi gặp một người bị mắc chứng rối loạn ăn uống và đã khỏi bệnh và họ sẵn sàng muốn chia sẻ kinh nghiệm của họ với tôi, thì tôi thực sự lắng nghe - điều gì đã hiệu quả với bạn? Điều gì không hiệu quả? Tôi nghĩ phải hiểu trải nghiệm của mọi người và cố gắng sử dụng tất cả các kỹ năng của chúng tôi để thực sự giúp họ bày tỏ những gì họ cần và làm việc với họ và gia đình để có được sự hỗ trợ kịp thời.”

 

Bất chấp những thách thức xung quanh việc can thiệp sớm, bà Utpala kêu gọi cộng đồng hãy tiếp tục hy vọng.

“Chứng rối loạn ăn uống có thể được điều trị. Vấn đề này không dành cho cuộc sống. Với phương pháp điều trị thích hợp, với loại phương pháp điều trị phù hợp, mọi người có thể sẽ khỏi bệnh.”

 

Hành trình của Gemma chứng minh rằng việc phục hồi, dù khó khăn đến đâu cũng là điều hoàn toàn có thể.

 

Hiện cô đang làm y tá, cống hiến hết mình để giúp đỡ những người đang phải sống chung với căn bệnh quái ác này.

 

Cô cũng tình nguyện dành thời gian của mình để chia sẻ hành trình hồi phục của mình để mang lại hy vọng cho những người khác.

“Khi tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh và hồi phục và sống cuộc sống tốt nhất của mình, tôi biết rằng tôi phải trả lại cho cộng đồng đã hỗ trợ tôi trong quá trình phục hồi của chính tôi và đặc biệt cho những người gặp chứng rối loạn ăn uống để mang lại cảm giác hy vọng, và trấn an họ rằng sự phục hồi là có thể cho dù mọi thứ có thể khó khăn đến mức nào. Nó mang lại ý nghĩa cho hành trình của tôi và giúp tôi biết rằng tôi không phải trải qua điều này một cách vô nghĩa, mà tôi có thể sử dụng kinh nghiệm của mình để giúp đỡ người khác và giúp họ sống cuộc sống mà họ cũng xứng đáng được sống.”

 

Những thính giả đang tìm kiếm thông tin và hỗ trợ về chứng rối loạn ăn uống có thể liên hệ với Quỹ Butterfly Foundation theo số 1800 334 673 hoặc tại trang mạng www.butterfly.org.au