Thượng nghị sĩ tự do James Paterson đã lên tiếng chỉ trích phản ứng của chính quyền Albanese đối với phán quyết NZYQ của Tòa án tối cao. Nguồn: AAP / Mick Tsikas

 

 

Tòa án tối cao đã phán quyết rằng, việc bắt buộc những người nhập cư trước đây phải đeo vòng chân là vi hiến. Đây là một đòn giáng mạnh vào chính quyền Albanese và phản ứng của họ đối với phán quyết của Tòa án tối cao năm rồi, theo đó hàng trăm người được thả khỏi lệnh giam giữ vô thời hạn.

 

Một năm trước, Tòa án tối cao đã phán quyết rằng việc giam giữ vô thời hạn là bất hợp pháp.

 

Hàng trăm người không có triển vọng hợp lý về việc trục xuất, đã được thả khỏi trại giam nhập cư sau vụ án NZYQ, nhiều người trong số họ có tiền án.

 

Được biết Chính phủ đã thông qua luật khẩn cấp vào năm rồi để ứng phó với phán quyết này, áp đặt lệnh giới nghiêm và giám sát điện tử đối với phần lớn nhóm người nói trên.

 

Một trong những người đó một người tị nạn Eritrea, được gọi là YBFZ.

 

Các luật sư của ông lập luận rằng các điều kiện mà chính phủ áp đặt, chẳng hạn như buộc phải đeo vòng chân, là vi hiến và Tòa án tối cao đã đồng ý.

 

Luật sư David Manne, Giám đốc điều hành của Refugee Legal, người đại diện cho YBFZ cho biết chính phủ không có quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt.

David Manne nói, "Phán quyết của Tòa án Tối cao cho rằng, lệnh giới nghiêm và điều kiện đeo vòng đeo chân là bất hợp pháp, là một chiến thắng lớn cho các quyền tự do căn bản và pháp quyền tại Úc".

"Đây là một phán quyết thực sự quan trọng, vì nó nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản rằng đối với tất cả mọi người, dù là công dân hay không phải công dân, chính phủ không có quyền trừng phạt mọi người bằng cách tước đi các quyền tự do và phẩm giá căn bản của họ”

"Tòa án đã phán quyết rằng, lệnh đeo vòng đeo chân và điều kiện giới nghiêm cấu thành hình phạt, hạn chế nghiêm trọng quyền tự do của khách hàng và không thể do chính phủ áp dụng, vì chính phủ không có quyền làm như vậy".

"Theo Hiến pháp nước Úc, chỉ có tòa án chứ không phải chính phủ, mới có thể áp dụng hình phạt”.

 

 

Trong khi đó phát ngôn nhân phe đối lập về Nội vụ, là James Paterson, cho biết đây là một đòn giáng vào chính phủ.

 

James Paterson nói, "Đây là một thất bại đáng xấu hổ đối với chính quyền Albanese".

"Họ đã nhiều lần bảo đảm với chúng tôi, trong suốt quá trình lập pháp về dự luật này rằng nó hợp hiến, rằng họ đã được tư vấn pháp lý, rằng họ tin tưởng rằng nó sẽ vượt qua mọi thách thức pháp lý".

"Điều này sẽ gây lo ngại cho công chúng Úc, vì hiện có 215 người không phải là công dân, đã phạm tội bạo lực, được thả ra trong cộng đồng mà không có bất kỳ hạn chế nào, không có lệnh giới nghiêm, không có giám sát điện tử, cũng như không có hạn chế nào”.

 

Được biết gần 150 người được thả ra như một phần của nhóm NZYQ, đã được đeo vòng đeo tay theo dõi điện tử, trong đó 126 người phải chịu lệnh giới nghiêm.

 

Bộ Nội vụ đã xác nhận vào đầu tuần này, các loại tội phạm mà nhóm này đã phạm phải.


Một thượng nghị sĩ hỏi, "Vậy thì sự phân chia cập nhật của nhóm 215 người đó theo loại tội phạm là gì, đó là giết người và cố ý giết người phải không?”,

" Có 12 người", Bộ Nội vụ.
 

"12 người, còn tội phạm tình dục, bao gồm tội phạm tình dục trẻ em là bao nhiêu?".
 

"66 người".
 

"Còn hành hung và các tội khác v.v?".
 

"97 trường hợp".
 

"Còn bạo lực gia đình là bao nhiêu trường hợp?".
 

"Có 15".
 

"Về tội phạm ma túy nghiêm trọng là bao nhiêu?".
 

"15 người".
 

"Còn phạm tội buôn người là bao nhiêu?”.
 

"5 trường hợp".
 

"Và có mức độ có tội phạm thấp hay không?”.
 

"Cũng 5 người".

 

 

Trong khi đó các viên chức của Bộ cũng cho biết, họ đã chuẩn bị cho phán quyết của tòa án.
 

Một thượng nghị sĩ nỏi,  "Thế Bộ trưởng đã được thông báo về những tác động, nếu chính phủ thua kiện chưa?",
 

"Có, ông ấy đã được thông báo”, Bộ Nội Vụ.
 

"Và chính phủ có những kế hoạch dự phòng nào, để giải quyết vấn đề này?".
 

"Chúng tôi đã lập kế hoạch rất chi tiết, cho mọi kết quả có thể xảy ra.
 

"Bao gồm cả luật pháp, phải không?".
 

"Việc đó tùy thuộc vào lý do, mà đó là kết quả có thể xảy ra”.

 

 

Trong khi đó phát ngôn nhân của phe đối lập về vấn đề nhập cư, là ông Dan Tehan, cho biết chính phủ cần phác thảo cách họ sẽ phản ứng với phán quyết này.

 

Dan Tehan nói, "Chính phủ Úc cần có khả năng trả lời một câu hỏi đơn giản mà người dân Úc hiện muốn biết, đó là chính phủ sẽ giữ an toàn cho cộng đồng Úc khỏi 215 tên tội phạm cứng đầu này như thế nào?".

"Họ có kế hoạch gì, có những phương án dự phòng nào và sẽ giữ an toàn cho cộng đồng Úc như thế nào?".

 

Ông Manne cho biết ưu tiên của chính phủ, là xóa bỏ các hạn chế đối với nhóm còn lại.

 

David Manne nói, "Họ cần phải hành động ngay lập tức, vì Tòa án Tối cao đã phán quyết rằng các điều kiện hiện đang được áp dụng cho thân chủ của chúng tôi và theo hàm ý, cho khá nhiều người khác, là vi hiến".

"Đó là bất hợp pháp và điều đó có nghĩa là chúng phải bị loại bỏ ngay lập tức, vì chúng không nên được áp dụng, là bất hợp pháp và chúng phải bị loại bỏ”.

 

Chính phủ đã không trả lời yêu cầu bình luận, cho đến thời điểm hiện nay.