Đưa dụng cụ đặt trong vào động mạch đùi. Nguồn: Universal Images Group Editorial

 

Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra sự thành công trong việc điều trị cho những người đã bị đột quỵ có phần tùy thuộc vào nguồn gốc sắc tộc của họ.

 

Hai năm trước, Andrew Reynolds, một người ở Geelong, khi đang ở trong bếp thì đột ngột ngã quỵ.

“Lúc đó khoảng 6.30 tối, tôi đang đặt thức ăn thì bị ngã xuống sàn và tôi không thể đứng dậy được, không thể cử động tay phải và chân phải, vợ tôi chạy đến và tôi nói rằng tôi bị đột quỵ hoặc đau tim và cô ấy đã gọi xe cấp cứu.”

 

Lúc đó ông Reynolds 60 tuổi và ông bị đột quỵ.

 

Ông được đưa đến bệnh viện địa phương, và được tiêm chất làm loãng máu. Sau đó ông được đưa đến Melbourne để phẫu thuật.

 

Chỉ sáu giờ sau khi bị ngã, ông đã có thể gọi điện thoại cho vợ để báo rằng mình ổn.

“Bác sĩ của tôi nói nếu chuyện này xảy ra 10 năm trước, tôi sẽ không có kết cục như bây giờ. Tôi đã tiếp tục trở lại làm việc trong 12 tháng và tôi vừa nghỉ hưu, có thể lái xe, tập thể dục.”

 

Tai biến mạch máu não xảy ra khi dòng máu lên não bị tắc nghẽn bởi cục máu đông.

 

Việc sử dụng các phương pháp điều trị kết hợp - thuốc làm loãng máu và phẫu thuật - là trọng tâm của một nghiên cứu quốc tế trên 300 bệnh nhân từ New Zealand, Úc, Trung Quốc và Việt Nam.

 

Giáo sư Peter Mitchell từ Bệnh viện Hoàng gia Melbourne đã tham gia vào cuộc nghiên cứu. Ông nói rằng nghiên cứu này rất quan trọng vì không phải tất cả bệnh nhân đột quỵ trên toàn cầu đều được điều trị cả hai phương pháp.

“Mặc dù cả hai phương pháp đều được coi là liệu pháp kết hợp và đó là tiêu chuẩn vàng, nhưng đã có xu hướng muốn ngừng sử dụng chất làm loãng máu.”

 

Nhưng nghiên cứu đã khẳng định cách tốt nhất để điều trị đột quỵ là sử dụng cả thuốc làm loãng máu và phẫu thuật.

“Đây là thông tin quan trọng nên có trong các hướng dẫn điều trị đột quỵ, và nên loại bỏ ý kiến ​​cho rằng không nên cho thuốc làm loãng máu. Chúng ta nên dùng cả hai liệu pháp và điều này phải được xem là nguyên tắc.”

 

Nghiên cứu cũng cho thấy nguồn gốc sắc tộc của một người có thể đóng một vai trò trong việc xác định mức độ phản ứng với thuốc của người đó.

 

Nghiên cứu cho thấy 55 phần trăm những người chỉ được điều trị bằng phẫu thuật có kết quả tốt, so với 61 phần trăm được dùng thêm thuốc làm loãng máu.

 

Nhưng đối với các bệnh nhân châu Á, lợi ích của việc tiếp nhận cả hai phương pháp điều trị thậm chí còn rõ ràng hơn.

 

34 phần trăm bệnh nhân châu Á chỉ làm phẫu thuật có kết quả tốt, so với 57 phần trăm người đã điều trị cả hai phương pháp này.

 

Giáo sư Brendan Yan, người nằm trong nhóm nghiên cứu, giải thích:

“Tất cả chúng ta đều bị chi phối bởi gen. Chúng tôi đã biết rằng ở những bệnh nhân châu Á có một số loại thuốc mà họ dùng cho kết quả tốt hơn so với những người không phải châu Á, và chúng tôi nghĩ rằng phát hiện này cung cấp cho chúng tôi nền tảng để từ đó chúng tôi có thể đào sâu nghiên cứu thêm.”