Tiến sĩ Graziela Miot da Silva (ở giữa) hy vọng sẽ có thêm nhiều phao nữa sẽ được đặt trong dự án. (Ảnh: Tiến sĩ Graziela Miot da Silva)

 

 

 

 

NAM ÚC - Ba phao đã được đặt ngoài khơi bờ biển Adelaide để thu thập dữ liệu giúp dự đoán tương lai của các bờ duyên hải tiểu bang Nam Úc.

 

 

Kể từ những năm 1970, bờ biển của đô thị Adelaide đã luôn được duy trì bằng sức người với các chương trình bồi đắp cát của chính quyền tiểu bang vì các vấn đề liên quan đến xói mòn bờ biển.

 

 

Vấn đề xói mòn bị tạo ra bởi sự chuyển động của cát theo lực sóng nước chảy lên phía bắc, đã trở nên trầm trọng hơn do sự biến mất của rong biển trong quá khứ đã làm gia tăng sự tích tụ trầm tích ở các bãi biển phía bắc và mất dần đi dọc theo đến những phần ở miền trung và ở miền nam của bờ biển.

 

 

Chuyên gia địa chất biển Graziela Miot da Silva cho biết dự án kéo dài hai năm sẽ theo dõi những sự thay đổi trong các tình huống khác nhau.

 

 

Tiến sĩ Miot da Silva, giảng viên lâu năm môn địa chất biển tại Đại học Flinders, cho biết: “Việc cung cấp dữ liệu chính xác các con sóng là rất quan trọng để nâng cao hiểu biết của chúng ta về những sự biến đổi của quá trình thủy động lực học mà nó tạo nên đường bờ biển của chúng ta”.

 

"Điều này sẽ cung cấp thông tin thực tiễn tốt nhất về quản lý  vùng duyên hải, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp biển và giúp thúc đẩy và hỗ trợ du lịch."

 

 

Trong khi những chiếc phao này sẽ giám sát bờ biển Gulf St Vincent, các chuyên gia nghiên cứu có kế hoạch lắp đặt phao giám sát ở các đường bờ biển khác trong tương lai.

 

 

 

 

 

Chiếc phao này sẽ đo dữ liệu sóng theo thời gian thực ở Gulf St Vincent. (Ảnh: Graziela Miot da Silva)

 

 

 

 

Tiến sĩ Miot da Silva nói: “Những chiếc phao này sẽ thông báo chính xác những gì đang xảy ra ở vịnh Gulf St Vincent.”

 

"Chúng tôi hy vọng sẽ mở rộng dự án này và có được những chiếc phao khác và sẽ lắp đặt chúng ở những nơi khác trong tiểu bang như Port Lincoln, Bờ Tây (West Coast) và Đông Nam (South East)."

 

 

Là một phần của dự án, hai chiếc phao đã được đặt ở ngoài khơi Biển Semaphore và Biển Brighton, thuộc thành phố Adelaide, hồi tháng Tám.

 

 

Chiếc phao thứ ba đã được lắp đặt ở eo biển Investigator (Investigator Strait) hồi tháng Chín để đo đạc những con sóng lớn đánh vào vùng vịnh từ Nam Đại Dương (Southern Ocean).

 

 

 

Dữ liệu thu thập được từ dự án sẽ được sử dụng để dự đoán những thay đổi trong tương lai đối với đường bờ biển của đô thị Adelaide. (Cung cấp: Tiến sĩ Graziela Miot da Silva)

 

 

Dữ liệu từ ba chiếc phao này sẽ cung cấp thông  tin cho các mô hình động lực học để dự đoán những thay đổi trong tương lai của đường bờ biển ở đô thị Adelaide do biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.

 

 

Mô hình sẽ được sử dụng để phát triển các phương pháp quản lý bờ biển, bao gồm cả việc phục hồi rong biển và rạn san hô.

 

Tiến sĩ Miot da Silva nói: “Để giải quyết việc chuyển động của cát ven biển đang diễn ra, chúng ta cần hiểu rõ hơn về chuyển động của sóng một cách chi tiết hơn nhiều.”

 

 

Trước đây chỉ có một phao đo và cung cấp dữ liệu sóng ở tiểu bang Nam Úc, nằm ngoài khơi Đảo Kangaroo.

 

 

Tiến sĩ Miot da Silva nói: “Sau cùng, điều này sẽ mang lại lợi ích cho các sáng kiến ​​quản lý bờ duyên hải quan trọng - đặc biệt là các hoạt động bồi đắt trầm tích để duy trì các bờ biển ở đô thị Adelaide.”

 

 

Dự án là sự hợp tác giữa Đại học Flinders, Học Viện Nghiên cứu và Phát triển Tiểu bang Nam Úc (South Australian Research and Development Institute - SARDI), sở cấp nước tiể bang Nam Úc (SA Water), Cơ Quan Bảo Vệ Môi Sinh (EPA), và Hệ thống Quan sát Biển Tích hợp (Integrated Marine Observing System - IMOS).

 

 

Nghiên cứu này đã nhận được 55.000 đô-la từ Bộ Môi trường và Nước (Department of Environment and Water) để tài trợ mua phao, dụng cụ lắp đặt phao, giấy phép truyền dữ liệu theo thời gian thực và cho công cán lắp đặt phao.