Siobhan O'Sullivan được chẩn đoán bị ung thư buồng trứng hồi năm 2022. Nguồn: SBS

 

 

AUSTRALIA - Thượng viện tiểu bang NSW đã tranh luận kéo dài 10 giờ trước khi cuối cùng thông qua dự luật hôm 19 tháng Năm với 24 phiếu thuận và 13 phiếu chống.

 

Bà Siobhan O'Sullivan được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng vào năm 2020 và được biết chỉ còn sống được một năm nữa. Người phụ nữ 48 tuổi này đã trải qua ba lần hóa trị và phẫu thuật lớn khác nhau. Bà O'Sullivan nói rằng bà cảm thấy nhẹ nhõm khi dự luật trợ tử đã được thông qua.

Bà O'Sullivan nói "Đối với tôi, đó là một niềm an ủi. Tôi chưa muốn chết. Tôi chưa bao giờ nghĩ trong một giây rằng mình sẽ mắc một căn bệnh ung thư thực sự giai đoạn cuối, nhưng nó đã xảy ra với tôi. Vì vậy, tôi không muốn chết, tôi muốn sống, nhưng tôi sắp chết vì căn bệnh ung thư này.”

"Và điều tôi muốn hơn hết là tránh được điều tồi tệ nhất của sự đau khổ. Nếu nỗi đau khổ của tôi không lớn, thì ý định của tôi là sống miễn là tôi có thể, nhưng nếu sự đau khổ của tôi thực sự lớn, thì đó là lúc những luật như thế này sẽ là niềm an ủi lớn cho tôi."

 

Hôm 19/05/2022 các chính trị gia và những người ủng hộ đã ăn mừng dự luật trợ tử được thông qua thành luật.

 

Dự luật đã được dân biểu độc lập của Đảng Xanh Alex Greenwich giới thiệu vào tháng Mười năm ngoái. Nó có số người đồng bảo trợ cao nhất cho bất kỳ dự luật nào tại Quốc hội Úc, với 28 dân biểu từ cả hai phe. Ông Greenwich đã cảm ơn những người tham gia.

"Hôm nay là một ngày lịch sử đối với New South Wales. Một ngày mà lòng nhân ái đã chiến thắng, và cái chết được trợ giúp một cách tự nguyện đã được chuyển thành luật ở New South Wales. Đây là một hành trình dài ở nơi này với nhiều nỗ lực trước đó. Và tôi muốn vinh danh công việc của các dân biểu Cate Faehrmann và Trevor Kahn, những người trước đây đã làm việc để đưa luật ra trước quốc hội. Quan trọng hơn, tôi muốn cảm ơn sự đa dạng của những người đồng bảo trợ đã làm việc cùng nhau trong các đảng để luật này được quốc hội New South Wales chấp nhận."

 

Dự luật áp dụng cho những người mắc bệnh nan y có thể chết trong vòng sáu tháng hoặc một năm vì tình trạng thoái hóa thần kinh. Người muốn được trợ giúp để chết cũng phải đã trải qua những đau khổ không thể giảm bớt, ví dụ bằng cách chăm sóc giảm nhẹ, và phải được hai bác sĩ độc lập xác nhận.

 

Giáo hội Công giáo đã chỉ trích dự luật thông qua thượng viện. Tổng giám mục Anthony Fisher của Tổng giáo phận Công giáo của Sydney đã gọi đó là "một ngày thực sự đen tối đối với New South Wales" và nói rằng ông "vô cùng đau buồn (dự luật) đã được quốc hội New South Wales thông qua.”

 

 

Bác sĩ Brendan Long là CEO của nhóm vận động hành lang Quyền được sống New South Wales nói, luật mới đi ngược lại những gì tổ chức của ông đại diện.

"Thật đáng xấu hổ, đó là một đạo luật đáng hổ thẹn vì nó không thực sự tôn trọng giá trị của cuộc sống con người, đó là điều mà tổ chức của chúng tôi đang bảo vệ. Thực sự, thông điệp mà các chính trị gia đang gửi đến người dân New South Wales là có hai loại công dân. Những người có cuộc sống đáng sống và những người không đáng sống. Dự luật này nói rằng, 'hãy uống thuốc độc đi vì cuộc đời của bạn không đáng sống.' Điều đó đi ngược lại với hệ tư tưởng của chúng ta, cách nhìn của chúng ta về thế giới, rằng mỗi giây của cuộc đời con người đều là quý giá."

 

Bác sĩ Long cho biết ông lo lắng về nguồn tài trợ để chăm sóc giảm nhẹ được hiệu quả. Thủ hiến Dominic Perrottet của tiểu bang đã cam kết cải thiện dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ.

 

New South Wales là tiểu bang cuối cùng thông qua luật trợ tử. Victoria đã thông qua luật tương tự vào năm 2017, tiếp theo là Tây Úc vào năm 2019. Tasmania, Nam Úc và Queensland đã thông qua luật vào năm ngoái.

 

Theo luật liên bang, trợ tử là bất hợp pháp ở lãnh thổ thủ đô ACT và Lãnh thổ phía Bắc. Mặc dù Lãnh thổ phía Bắc là đơn vị tài phán đầu tiên ở Úc hợp pháp hóa việc trợ tử vào năm 1995, nhưng chính phủ của cựu Thủ tướng John Howard đảo ngược luật này vào năm 1997. Đảng Lao Động đã cam kết xem xét lại luật pháp tại các vùng lãnh thổ.

 

Nay sẽ mất 18 tháng để luật mới có hiệu lực. Dân biểu Alex Greenwich nói rằng ông sẽ thúc đẩy quốc hội liên bang bảo đảm người dân trong các vùng lãnh thổ có cùng "sự lựa chọn cuối đời".

"Bây giờ trọng tâm của chúng tôi phải chuyển qua quốc hội liên bang. Các đồng nghiệp của chúng tôi trong Quốc hội Liên bang phải thông qua luật để cho phép các lãnh thổ có thể thực hiện cuộc cải cách luật pháp đầy nhân ái này."