Thủ tướng Quốc Đảo Solomon Islands và thủ tướng Trung Quốc. Nguồn: AAP
AUSTRALIA - Chính phủ Liên bang nói họ không thể buộc nước khác làm theo ý mình sau việc Quần đảo Solomon ở Thái Bình Dương ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc. Đảng Lao Động gọi hiệp ước này là "sai lầm trong chính sách đối ngoại lớn nhất của Úc kể từ Thế chiến thứ hai", trong khi đó Mỹ và New Zealand đều bày tỏ lo ngại.
Trong vùng biển yên tĩnh cách bờ biển phía đông của Úc khoảng 2000 km, một hiệp ước an ninh đang tạo ra một cơn bão quốc tế.
Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon nói rằng thỏa thuận của nước này với Trung Quốc là vì lợi ích tốt nhất của nước này.
"Tôi muốn bảo đảm rằng việc ký kết hợp tác an ninh với Trung Quốc được thực hiện vì lợi ích tốt nhất của đất nước và nó không chỉ bổ sung mà còn hỗ trợ các thỏa thuận gìn giữ hòa bình khu vực cũng như các hiệp định song phương liên quan đến mối quan tâm của các đối tác an ninh khu vực của chúng ta"
Nhưng nó đang gây lo ngại cho các đồng minh phương Tây - bao gồm Mỹ, New Zealand và Úc.
Thỏa thuận này mở ra khả năng về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc, gần các bờ biển của Úc.
Lãnh đạo Lao động Anthony Albanese nói rằng phần lớn trách nhiệm nằm ở chính phủ liên bang.
"Đây là một thất bại lớn của Thủ tướng trong việc giám sát các chính sách đối ngoại - một thất bại lớn về chính sách đối ngoại - một thất bại mà họ đã được cảnh báo. Đây không phải là điều mới nảy sinh, nó đã nằm trong kế hoạch một khoảng thời gian và rõ ràng là các mối quan hệ đã tan vỡ."
Tuy nhiên, Thủ tướng biện hộ rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực không phải là điều ngạc nhiên.
"Trong suốt ba năm qua, tôi đã dành một khoảng thời gian đáng kể với tất cả các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương. Nguy cơ Trung Quốc tìm cách can thiệp vào khu vực của chúng ta, tôi đã biết và đã có những hành động mạnh mẽ."
Tuần trước, chính phủ đã cử Bộ trưởng Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương Zed Seselja đến Honiara, trong một nỗ lực cuối cùng để ngăn chặn thỏa thuận.
Phát ngôn viên về ngoại giao của phe đối lập, Penny Wong, nói rằng chính phủ lẽ ra phải hành động khẩn trương hơn và cử một đại diện cấp cao hơn.
"Lãnh đạo phe đối lập của Quần đảo Solomon đã cảnh báo chính phủ Úc vào năm ngoái rằng Trung Quốc đang đàm phán một thỏa thuận an ninh nhưng ông Morrison đã làm gì, ông ấy có chịu trách nhiệm không? Ông ấy có động tịnh gì không? Không, ông ấy lại bỏ lỡ một lần nữa. Bạn thấy đấy, việc cử một bộ trưởng non cơ trong cơ hội cuối cùng với hy vọng có thể thay đổi ý kiến của ai đó là điều không hay."
Nhưng Scott Morrison nói rằng Úc không thể buộc quốc gia này hành động theo ý mình.
"Chúng tôi đối xử gia đình Thái Bình Dương như anh chị em ruột thịt và - chúng tôi coi như một gia đình. Quan điểm của chúng tôi là bạn không đi loanh quanh để nói với các nhà lãnh đạo ở Quần đảo Thái Bình Dương những gì họ nên và không nên làm. Bạn làm việc với họ một cách tôn trọng và cẩn thận."
Và trong một tuần lễ đang nóng lên bởi các chiến dịch hù dọa, Liên Đảng đang cáo buộc đảng Lao động gây ra nỗi sợ hãi về tiền lương.
Vào năm 2020, chính phủ đã xem xét luật Quan hệ lao động cho phép người sử dụng lao động thương lượng hợp đồng tiền lương với nhân viên của họ khi không hội đủ các điều kiện chung.
Đạo luật đó không được thông qua, nhưng đảng Lao động đã chụp lấy sau khi chính phủ chần chừ không xác định được liệu đưa thỏa thuận ra bỏ phiếu lại một lần nữa hay không.
Phát ngôn viên phụ trách Công nghiệp của đảng Lao động, là Tony Burke, nói "Chúng tôi sẽ tạm dừng quy định về hội đủ các điều kiện chung trong đó dựa trên các điểm lợi hại để quyết định và điều đó làm tình hình mọi người trở nên tồi tệ hơn. Chính phủ đã nói rõ mức lương thấp là một đặc điểm thiết kế có chủ ý trong việc quản lý nền kinh tế của họ."
Nhưng Scott Morrison nói rằng không còn cần đến quy định đó nữa vì đại dịch đã qua, và ông tìm cách đẩy vấn đề trở lại phe đối lập.
Ông Scott Morrison nói "Nếu bạn không có kế hoạch kinh tế, bạn sẽ tiến hành các chiến dịch hù dọa nhằm chống lại đối thủ của mình. Vì vậy, mỗi khi bạn nghe đảng Lao động đưa ra những tuyên bố phi lý này, đó là sự thừa nhận của họ rằng họ không có kế hoạch kinh tế."