Hiệp Hội Y Tế Hồi Giáo Úc (Australian Islamic Medical Association) đang khuyến khích mọi người hiến máu. Ảnh: SBS
AUSTRALIA - Cứ 18 giây lại cần một lần hiến máu ở Úc và một nhóm đang giúp khuyến khích mọi người xắn tay áo tham gia chuyện nầy. Cộng đồng Hồi giáo của Úc đã phát động một cuộc hiến máu trên toàn quốc, với hàng trăm người đăng ký tại các nhà thờ Hồi giáo, trên khắp đất nước.
“Ai có công cứu một mạng người, thì coi như đã cứu nhân loại”.
Đó là ông Kamel Hamed, là Trưởng giáo tại Nhà thờ Hồi giáo Rahma, ở phía tây Sydney.
Ông đang trích dẫn một cụm từ trong Kinh Koran, đó là bản chất của một chiến dịch hiến máu trên toàn quốc
Ông nói “Cho máu có thể là một hình thức "Zakat" hoặc từ thiện, một hình thức trả lại những gì đấng Allah đã ban cho".
"Trong quá khứ, điều này gần như là điều cấm kỵ. Không ai hiểu làm thế nào để phản ứng bằng cách cho máu, nhưng bây giờ tôi tin rằng, phần lớn người Hồi giáo hiểu là điều đó được cho phép”.
Được biết các tình nguyện viên đã đăng ký, tại các trạm Hồng Thập Tự được thiết lập tại hơn 40 nhà thờ Hồi giáo, trên khắp nước Úc.
Hiệp hội Y khoa Hồi giáo đang hy vọng, có hơn một ngàn lượt ghi danh trên tất cả các cộng đồng.
Bác sĩ Muhammad Kahloon là Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Hồi giáo cho biết.
Bác sĩ Muhammad Kahloon nói “Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người, tất cả trong số 6 triệu rưỡi người hiến tặng tiềm năng trong xã hội hãy tiến lên, hiến máu và tạo ra sự khác biệt".
"Chúng tôi nói về sự gắn kết và một xã hội hòa nhập, điều gì tốt hơn là dùng máu của mình, để hiến tặng và giúp đỡ người khác”.
Một lần hiến máu có khả năng cứu được tới ba mạng sống, vì vậy Tiến sĩ Kahloon nói rằng việc hiến máu này là rất quan trọng.
Tiến sĩ Khahloon nói “Nó có thể cứu đứa con nhỏ của ai đó, nó có thể cứu một người mẹ bị chảy máu sau khi sinh em bé, nó có thể cứu trụ cột gia đình duy nhất của ai đó".
"Xin hãy tiến lên và giúp đỡ xã hội".
"Giúp đỡ những người bệnh tật, giúp đỡ những người thiếu thốn và những điều tốt đẹp nhất để làm điều này, là hiến máu và máu tạo ra sự khác biệt".
"Và sự khác biệt đó là giữa sự sống và cái chết”.
Đó là một thông điệp được vang vọng và nghe thấy rõ ràng của những người hiến máu ở phía tây Sydney.
Bất kỳ người khỏe mạnh nào, trong độ tuổi từ 18 đến 75 đều đủ điều kiện, nhưng các chuyên gia cho biết cần có nhiều người hiến tặng hơn, đặc biệt là những người từ các cộng đồng đa văn hóa.
Bác sĩ Habib Bhurawala là phó chủ tịch Hiệp hội Y khoa Hồi giáo Úc.
Bác sĩ Habib Bhurawala nói “Chúng tôi cũng phải thừa nhận rằng do dân số Úc ngày càng đa dạng, nên cần có nhiều nhóm dân số khác nhau hiến máu, để phù hợp với một số nhóm máu hiếm".
"Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng mở rộng phạm vi tiếp cận của mình càng nhiều càng tốt và tiếp tục chiến dịch”.
Đó là động lực khiến cho Saad Kureshi 19 tuổi,
hiến tặng huyết tương lần đầu tiên và nói rằng, đó là một cảm giác khó tả.
Saad Kureshi nói “Có vẻ như bạn không thể diễn tả bằng lời, nhưng bạn có thể cảm nhận được cảm giác trong tim rằng, bạn đang giúp đỡ rất nhiều người".
"Và bố mẹ tôi, họ đến với tư cách là người nhập cư và giờ đây chúng tôi là một phần của cộng đồng lớn hơn, giúp đỡ nước Úc và giúp cho nhà của chúng tôi”.
Mặc dù có những người hiến tặng cứu người như Saad, nhưng chỉ có 3,5% dân số Úc chọn hiến tặng máu mà thôi.
Bà Carley Byrnes làm việc với Lifeblood tại Hội Hồng Thập Tự Úc.
Bà nói “Chúng tôi cần 33 ngàn lượt hiến máu mỗi tuần, để duy trì nguồn cung cấp máu của Úc và con số này đang tăng lên".
"Vì vậy sau đại dịch, chúng tôi đã chứng kiến các ca phẫu thuật tự chọn bắt đầu gia tăng, điều đó có nghĩa là chúng tôi cần nhiều máu và sản phẩm máu hơn, để bảo đảm bệnh nhân nhận được những gì họ cần”.
Còn cô Kiran Qayyun 26 tuổi, đang hiến máu đến năm thứ 6.
Cô ấy nói rằng, qua việc nầy cô có cảm tưởng trả lại những ân tình mà cô đã nhận lãnh, thuộc nhiều lãnh vực trong cuộc sống.
Cô nói “Biết rằng tôi đủ điều kiện hiến máu, có nghĩa là tôi có thể làm điều này vì đức tin của mình, nhưng đó cũng là điều sẽ tác động trực tiếp đến cộng đồng của tôi".
"Điều quan trọng là chúng ta phải cống hiến cho cộng đồng khi có thể, vì ngày hôm sau có thể hãy là người mà chúng ta yêu thương, đang cần được hiến máu”.
Việc hiến máu chỉ mất khoảng 45 phút, thế nhưng thời gian ngắn ngủi đó lại mang đến một tác động lâu dài.