Anh Lương, đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực robot với việc phát minh ra một ‘art bot’ được thiết kế để hỗ trợ những người khuyết tật vẽ.
Bất chấp những lo ngại ngày càng tăng xung quanh việc sử dụng trí tuệ nhân tạo hay còn gọi là AI, các nhà giáo dục cho biết việc dạy trẻ em lập trình robot có thể mang lại lợi ích học tập lâu dài.
Những nhà phát minh trẻ đang trình diễn những cỗ máy tuyệt vời của họ tại một trung tâm cộng đồng ở Sydney. Những thiết kế đầy màu sắc đang hình thành trên giấy, khi ‘art bot’ của cô bé 10 tuổi Anh Luong tạo ra một bức tranh.
"Bạn gắn bút hoặc cọ ở đây vào bất kỳ công cụ nghệ thuật nào bạn muốn sử dụng để vẽ, sau đó bạn chỉ cần đặt robot lên khung vẽ và bắt đầu vẽ. Bạn có thể tạo các mẫu khác nhau, như hình tròn, nửa hình tròn, một đường ngoằn ngoèo, theo dõi các đường, và sau đó là di chuyển bút lên. Và đây là di chuyển bút xuống."
Nghe có vẻ như trò chơi trẻ con - nhưng Anh cho biết thiết bị này có mục đích cao cả hơn.
Cô bé nói "Cháu đã thiết kế ‘art bot’ cho những người khuyết tật để họ có thể vẽ bằng robot. Đối với những người bị mất tay thuận, họ có thể điều khiển robot bằng tay không thuận của mình."
Cậu bé 12 tuổi Harrison Ractivand bắt đầu nghiên cứu người máy từ năm 6 tuổi và gần đây đã thiết kế một nguyên mẫu, một ngày nào đó có thể được nhân rộng để giúp chữa cháy, có thể điều khiển từ xa có vòi nước, đèn và camera.
"Robot này được thiết kế để cứu mạng những người lính cứu hỏa. Vì vậy, từ một thiết bị thông minh, người điều khiển có thể nhìn xuyên qua camera. Mục đích là để những người lính cứu hỏa không cần phải vào trong tòa nhà nếu nó có thể nguy hiểm."
Các giám khảo ở Hàn Quốc đã trao giải nhất cho 'bot lính cứu hỏa' của Harrison tại một cuộc thi người máy quốc tế gần đây – ấn tượng bởi khả năng cứu người của nó.
"Vâng, cháu chắc chắn nghĩ rằng đây là sáng tạo tốt nhất của cháu. Cháu cảm thấy rất tự hào vì cháu chắc chắn không nghĩ rằng nó sẽ thắng giải."
Harrison đang học lớp bảy nhưng hy vọng một ngày nào đó sẽ áp dụng kiến thức của mình vào khám phá không gian – chẳng hạn như thiết kế xe tự hành để thu thập các mẫu đất trên sao Hỏa.
"Cháu muốn nghiên cứu về không gian và hơn thế nữa. Vì vậy, cháu nghĩ rằng robot sẽ giúp ích rất nhiều khi cuối cùng chúng ta mở rộng ngành công nghiệp vũ trụ."
Mẹ của Harrison, bà Nicole Raactivand, cho biết việc học thiết kế và chế tạo robot đã giúp con trai bà phát triển mạnh ở trường và cũng mang lại những lợi ích lâu dài.
"Tôi là giáo viên tiểu học và tôi có thể thấy rằng người máy là tương lai. Rất nhiều công việc trong tương lai liên quan đến viết mã, có thể sử dụng máy tính một cách tự tin trong công nghệ thông tin. Vì vậy, người máy liên quan đến tất cả những điều đó."
Đó là quan điểm được chia sẻ bởi những người sáng lập trường Thinklum Coding và Robotics, Mila và Andrei Loginovski, những người đã di cư từ Belarus vào năm 2014. Họ hiện làm việc với hơn 100 sinh viên mỗi học kỳ.
"Chúng tôi chủ yếu làm công việc chế tạo người máy. Chúng tôi cũng có viết mã, nhưng trọng tâm của chúng tôi là chế tạo người máy cho trẻ em, chủ yếu là trẻ em lứa tuổi tiểu học."
"Người máy hiện nay rất cần thiết. Xung quanh chúng ta là người máy. Sẽ có nhiều người máy hơn trong tương lai và chúng ta cần học cách làm việc với chúng. Chúng ta cần học cách sửa chữa người máy. Chúng ta cần học cách lập trình người máy. Vì vậy, trường chúng tôi chuẩn bị cho học sinh trở nên đổi mới, sáng tạo, trở thành nhà phát minh, để tạo ra loại người máy mới và lập trình cho chúng."
Với bằng thạc sĩ từ Belarus và nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, cặp đôi này đã thành lập trường ở Sydney vào năm 2017. Kể từ đó, trường đã phát triển không ngừng. Mila Loginovski cho biết nhu cầu ngày càng tăng đối với các robot tiết kiệm sức lao động giúp con người có nhiều thời gian hơn để sáng tạo.
"Chồng tôi, anh ấy gọi tôi là nữ hoàng robot vì ở nhà chúng tôi có ngường máy hút bụi giúp dọn dẹp nhà cửa. Chúng tôi có người máy lau cửa sổ."
Bất chấp những lợi ích Mila Loginovski cho biết khi nói đến việc thiết kế máy móc - sự thiên vị về giới vẫn tồn tại - và chỉ 30% sinh viên của họ là nữ.
"Vẫn còn định kiến rằng nó không dành cho con gái. Tất cả công nghệ không dành cho con gái. Và chúng tôi cũng cố gắng giáo dục các bậc cha mẹ rằng nó dành cho tất cả mọi người và tất cả chúng ta cần chung tay nhận thức về người máy: như lập trình, công nghệ, mọi thứ."
Yang Weipeng là giảng dạy Khoa Giáo dục Mầm non, tại Đại học Giáo dục Hồng Kông và hiện đang kiểm tra những lợi ích của giáo dục người máy tại 13 trường mẫu giáo ở đó.
Một nghiên cứu công bố vào tháng 5, đã xác định nhiều lợi thế học tập trong số 100 trẻ từ 4 đến 6 tuổi ở Bắc Kinh:
"Giáo dục robot hay lập trình robot thực sự liên quan đến các kỹ năng thế kỷ 21 của trẻ em, chẳng hạn như tư duy sáng tạo, tư duy tính toán, kỹ năng giải quyết vấn đề và cả một số thói quen tư duy trong STEM. Chúng tôi muốn trẻ học tư duy máy tính ngay từ khi còn nhỏ vì vậy, nó không chỉ là về một kỹ năng cụ thể như cách viết mã, cách lập trình, mà thực sự là cách suy nghĩ - đó là ý tưởng về cách suy nghĩ!"
Ở Sydney, Anh Luong, 10 tuổi, người đã giành vị trí thứ hai tại Hàn Quốc với ‘art bot’ của mình, mong đợi các kỹ năng lập trình người máy sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai của cháu.
"Khi lớn lên, cháu luôn muốn trở thành một nhà phát minh, có thể sẽ bao gồm người máy, khoa học và toán học. Nếu cháu tạo ra một người máy thông minh hơn, có lẽ cháu sẽ làm điều đó bằng sóng não. Cháu đã luôn thích ý tưởng điều khiển một thứ gì đó, sử dụng bộ não của bạn, thậm chí có thể giống như di chuyển một con robot về phía trước chỉ bằng một cú nhấp ngón tay của bạn."