Ngọn tháp của Nhà thờ St Andrews Presbyterian, gần cột cờ của Tòa nhà Nghị Viện Úc ở thủ đô Canberra . Ảnh: AAP
Quốc hội đã hoạt động trở lại lần đầu tiên trong năm nay trước cuộc bầu cử liên bang dự kiến vào tháng Năm. Dự luật phân biệt tôn giáo được chính phủ đề xuất đã được đưa ra để tranh luận, thu hút sự chú ý vì lo ngại về tác động có thể có đối với một loạt người dễ bị tổn thương.
Kỳ họp đầu tiên của quốc hội trong năm đã được tiến hành với buổi lễ tại Nhà thờ St Nicholas' Greek Orthodox ở Canberra.
Đây là lần thứ ba dự luật phân biệt tôn giáo của chính phủ được đưa ra trước quốc hội. Theo cựu vô địch bơi lội, hiện là nhà vận động sức khỏe tâm thần Ian Thorpe, dự luật vẫn không nhận được sự đồng thuận tại Hạ viện.
Ông Thorpe muốn dự luật biến mất vĩnh viễn.
"Đây là gì – một dự luật khiến sự phân biệt đối xử được chính phủ công nhận. Dự luật giành đặc quyền cho một nhóm người, trong khi loại trừ một nhóm người khác, đối với tôi là sự phân biệt đối xử. Chúng ta nên xem xét vị trí của chúng ta, điều gì thực sự đại diện và cách nó đại diện cho mỗi người."
Một phần của mối quan tâm đối với luật là tác động của nó đối với các học sinh đồng tính và chuyển giới.
Karen Pack, một phụ nữ đồng tính theo đạo Cơ đốc, nói rằng điều đáng lo ngại không chỉ là những tác động tiêu cực đến sức khỏe của họ.
Cô nói rằng những học sinh và giáo viên phải đối phó với việc dự luật chia sẽ tính dục và đức tin của họ như thế nào.
Cô Pack muốn mọi người được bảo vệ.
"Sáng nay tôi có một cuộc nói chuyện về việc chúng ta sẽ có các biện pháp bảo vệ để học sinh đồng tính không bị đuổi học. Thật tuyệt, nhưng tất cả những đứa trẻ chuyển giới thì sao? Còn tất cả những đứa trẻ khác vẫn bị kỳ thị, giống như tôi nghe cách mà các cộng đồng tín ngưỡng và nhóm tôn giáo nói về người LGBTIQ?"
Kinh nghiệm của Olivia Stewart, một học sinh chuyển giới đang học năm cuối trung học, dường như làm rõ thêm những lo lắng này.
Olivia cho biết cô đã bị phân biệt đối xử trực tiếp khi trở thành người chuyển giới lúc mới 13 tuổi.
Cô Stewart buộc phải chuyển trường, nhưng cô nói rằng điều đó không giải quyết được vấn đề.
"Ngay cả ở ngôi trường tiếp theo, trường học đã không bảo vệ tôi và các học sinh chuyển giới khác ở trường một cách đầy đủ.”
“Chúng tôi đã bị bắt nạt một cách ác ý bởi các học sinh khác. Nơi đây không nuôi dưỡng văn hóa chấp nhận, do đó hành vi bắt nạt này đã diễn ra.”
Những người chỉ trích dự luật cũng nói rằng những người khuyết tật có thể là mục tiêu của những người coi khuyết tật là bằng chứng của tội lỗi.
Sam Drummond, một luật sư và người bênh vực người khuyết tật, cho biết các tín đồ Cơ đốc giáo thường xuyên đề nghị cầu nguyện cho anh, ngay cả khi anh không muốn.
"Điều tôi không muốn xảy ra là điều mà dự luật này sẽ cho phép xảy ra. Tôi có mặt tại nơi làm việc và ai đó nói với tôi rằng họ dành lời cầu nguyện của họ cho tôi, và tôi đang bị ma quỷ trừng phạt bằng cách nào đó."
Ngay cả những người trong các tổ chức tôn giáo cũng khó lòng ủng hộ luật này.
Surinder Jane đến từ Hội đồng Hindu của Úc, và ông nói rằng dự luật này ảnh hưởng xấu đến các tôn giáo thiểu số, đặc biệt là người theo đạo Hindu.
"Mối quan tâm đầu tiên của chúng tôi là việc làm".
“Người theo đạo Hindu làm việc trong các trường học tín ngưỡng, trong bệnh viện và một số lượng lớn làm việc trong các cơ sở chăm sóc người già. Sau khi dự luật này được thông qua, họ sẽ mất cơ hội việc làm.”
Đối với Cassandra Goldie, Giám đốc điều hành của Hội đồng Dịch vụ Xã hội Úc, dự luật được đề xuất sẽ chia rẽ một nước Úc vốn đã rạn nứt.
Bà nói rằng quốc hội hiện có cơ hội để thể hiện một lập trường quan trọng.
"Đây là thời điểm để tất cả chúng ta nói lên điều mà chúng ta coi trọng với tư cách là một quốc gia. Điều chúng ta coi trọng là sự hòa hợp. Điều chúng ta coi trọng là sự quan tâm trong cộng đồng, điều chúng ta coi trọng là sự bình đẳng và quyền con người. Chúng ta muốn ngăn chặn sự phân biệt đối xử."
Với dự luật phân biệt tôn giáo là yếu tố quan trọng trong chương trình nghị sự trước bầu cử của chính phủ, thủ tướng Scott Morrison giờ đây phải thực hiện các thỏa thuận với các nhóm ôn hòa và bảo thủ trong đảng của mình để giữ luật thông qua.
Đối với một số thành viên Liên đảng, dự luật không đi đủ xa.
Nghị sĩ đảng Tự do Tasmania Bridget Archer đã nói rõ rằng bà không ủng hộ thỏa hiệp rằng học sinh đồng tính được bảo vệ khỏi việc bị đuổi học, nhưng học sinh chuyển giới thì không.
Bà đã chống lại dự luật tại Quốc hội trong cuộc tranh luận vào tối thứ Ba.
"Vào năm 2022, tôi không thể tin rằng chúng ta thậm chí còn có cuộc trò chuyện này. Với tư cách là một đại diện dân cử, nhiệm vụ của tôi là đến đây và bỏ phiếu về luật mà tôi tin rằng sẽ phục vụ tốt nhất cho cộng đồng của mình.
Dự luật này là một sự xúc phạm quá mức, và tôi không thể sử dụng vai trò mà tôi có ở đây để chứng thực một dự luật làm xói mòn quyền của rất nhiều người trong cộng đồng của tôi mà họ đã được hưởng."
Chỉ còn mười buổi nhóm họp trong khoảng thời gian từ bây giờ đến cuộc bầu cử có thể diễn ra vào tháng Năm.
Nếu luật được thông qua, nó có thể nâng cao sự ủng hộ chính phủ từ các cử tri Cơ đốc bảo thủ, nhưng nó có khả năng kích động những người bị ảnh hưởng bởi các điều khoản và tác động của luật.
Trong trường hợp đó, ngay cả những lời cầu nguyện cũng không đủ cho chính phủ giữ chiếc ghế lãnh đạo.